Làm việc “ba bên” về quy định buộc học sinh nghỉ học nếu tái phạm luật Giao thông

(Dân trí) - Liên quan đến quy định gây tranh cãi mới đây của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc buộc học sinh nghỉ học 1 tuần nếu nhiều lần tái phạm luật Giao thông, chiều nay Bộ Tư pháp, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ có buổi làm việc giải quyết vấn đề này.

Liên quan đến văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành ngày 7/3 quy định: HS-SV vi phạm lần 1, hạ một bậc hạnh kiểm trong liên quan đến việc xử lý học sinh khi vi phạm luật an toàn giao thông, trong đó có quy định: Đối với HS-SV, vi phạm lần 1: Hạ một bậc hạnh kiểm trong tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết.

Học sinh đã biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần 2 sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của học kì, trả về gia đình 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương cư trú.

Nếu đã được giáo dục vẫn tái phạm nhiều lần, học sinh sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buổi thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe...

Học sinh Hà Nội dàn hàng ngang, không đội mũ bảo hiểm (ảnh: Nguyễn Dương)
Học sinh Hà Nội dàn hàng ngang, không đội mũ bảo hiểm (ảnh: Nguyễn Dương)

Trao đổi với PV Dân trí về tính pháp lý của văn bản, trước đó Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sở đã vận dụng Điều 42, Thông tư 12/2011 về điều lệ Trường THCS, Trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp. Trong đó, có quy định về việc Khen thưởng và kỷ luật học sinh. Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức: Phê bình trước lớp, trước trường; Khiển trách và thông báo với gia đình; Cảnh cáo ghi học bạ; Buộc thôi học có thời hạn.

Theo tìm hiểu của PV, tại Thông tư 08/1998 của Bộ GD&ĐT về Khen thưởng kỉ luật học sinh, việc buộc thôi học 1 tuần cũng đã có quy định.

Theo đó, những học sinh vi phạm các khuyết điểm đã bi cảnh cáo trước toàn trường nhưng không biết hối lỗi và sửa chữa khuyết điểm, có ảnh hưởng xấu tới những học sinh khác, hoặc phạm khuyết điểm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ nghiêm trọng, làm tổn thương nhiều đến danh dự của nhà trường, của thầy, cô giáo và tập thể học sinh như: trộm cắp, trấn lột, gây gổ đánh nhau có tổ chức và gây thương tích cho người khác… hoặc mắc những khuyết điểm, sai phạm có tính chất và mức độ tác hại tương đương thì Hội đồng kỷ luật nhà trường xét đề nghị Hiệu trưởng quyết định và thi hành, đồng thời báo lên cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp để biết và theo dõi.

Nhiều em cầm mũ bảo hiểm ở tay nhưng không đội (ảnh: Nguyễn Dương)
Nhiều em cầm mũ bảo hiểm ở tay nhưng không đội (ảnh: Nguyễn Dương)

Hình thức kỷ luật này sẽ ghi vào học bạ của học sinh và thông báo cho gia đình biết để phối hợp giáo dục.

Trong thời gian 1 tuần lễ bị đuổi học, học sinh này phải kiểm điểm và suy nghĩ một cách sâu sắc về những khuyết điểm, sai phạm của mình, nếu tỏ ra thành khẩn, an năn, hối lỗi, có quyết tâm sửa chữa khuyết điểm để tiến bộ thì sau thời gian bị đuổi học Hiệu trưởng có thể xét và quyết định cho tiếp tục học. Thời gian 1 học sinh bị đuổi học sẽ được coi là nghỉ học có phép nếu được học lại.

Nếu trong thời gian bị đuổi học 1 tuần lễ, học sinh mắc khuyết điểm, sai phạm không tỏ ra thành khẩn, hối lỗi và quyết tâm sửa chữa, thậm chí còn mắc thêm những khuyết điểm nghiêm trọng khác thì Hội đồng kỷ luật nhà trường sẽ đề nghị Hiệu trưởng quyết định đuổi học hẳn 1 năm.

Gia đình học sinh có trách nhiệm quản lý và giáo dục con trong thời gian học sinh bị đuổi học.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)