“Làm thế nào để tôi yêu thích công việc đang làm?”

(Dân trí) - “Tôi đang làm công việc không yêu thích, cũng chẳng lương cao, vậy tôi phải làm sao?”. Dưới đây là những cách thức để tiến tới yêu thích công việc bạn đang làm dù hiện tại có vẻ bạn không hoàn toàn thích, hoặc thậm chí rất chán công việc đó!

Đừng vội bỏ việc

Bạn đừng nên “đùng đùng” nghỉ việc dù có lúc bạn thấy mình đang rất chán công việc hiện tại. Rốt cục thì, bạn vẫn phải kiếm sống, ít nhất là nuôi bản thân. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 dạy rằng: “Trách nhiệm đầu tiên của một người là nuôi sống được bản thân, và sau đó là giúp đỡ những người khác”.

Còn tác giả cuốn “Vạch ranh giới” (NXB Lao động) khẳng định: “Một người trưởng thành mà không dựa vào chính khả năng tài chính của mình thì vẫn là một đứa trẻ. Để là người trưởng thành, bạn cần phải sống bằng các phương tiện của mình và tự trang trải cho các thất bại của mình”.

Thay đổi cách bạn làm việc

Nếu tôi không bỏ công việc hiện tại, dù thấy chán, thì tôi phải làm thế nào đây?

“Nếu bạn không cảm thấy vui vẻ, thoải mái, nhẹ nhàng trong bất cứ công việc gì đang làm, điều đó không có nghĩa là bạn cần phải thay đổi những việc đó, chỉ cần bạn thay đổi cách bạn làm những công việc này là đủ. Bạn không cần tự hỏi: “Ta phải làm việc gì?” mà chỉ cần hỏi: “Ta nên làm những việc ấy như thế nào?”, vì “làm như thế nào” mới thực là quan trọng”. Đó là lời khẳng định của Eckhart Tolle (top 100 nhân vật có ảnh hưởng tâm linh lớn nhất thế giới) trong cuốn sách “Sức mạnh của hiện tại” (NXB Tổng hợp TPHCM).


Bạn không cần tự hỏi: “Ta phải làm việc gì?” mà chỉ cần hỏi: “Ta nên làm những việc ấy như thế nào?”, vì “làm như thế nào” mới thực là quan trọng”. (ảnh minh họa)

Bạn không cần tự hỏi: “Ta phải làm việc gì?” mà chỉ cần hỏi: “Ta nên làm những việc ấy như thế nào?”, vì “làm như thế nào” mới thực là quan trọng”. (ảnh minh họa)

Giống như vậy, trong cuốn sách “Sống theo phương thức 80/20” (NXB Trẻ), chuyên gia tư vấn nổi tiếng người Anh Richard Koch khuyên: “Bạn không phải lúc nào cũng thay đổi công việc để tận hưởng nhiều hơn. Có thể bạn chỉ cần đơn giản thay đổi cách làm. Bạn có thể làm gì đó để tăng thêm ý nghĩa và giá trị cho công việc của bạn không?”.

Biến công việc thành sở thích

Trên thực tế, phải khẳng định với bạn rằng, dù bạn có đang làm một công việc cực kỳ yêu thích thì trong đó vẫn có những đầu việc mà bạn không thích làm. Nhà tâm lý học Tal Ben-Shahar, giáo sư nổi tiếng của Đại học Harvard, từng tâm sự rằng bản thân ông muốn dạy học, nhưng cùng với việc dạy học, ông phải bỏ nhiều thời gian để chấm bài kiểm tra và bài thi. Giáo sư Tal Ben-Shahar khuyên rằng: “Chúng ta không thể gạt bỏ hoàn toàn những việc phải làm mà cần hạn chế chúng lại, càng nhiều càng tốt, và thay chúng bằng những việc muốn làm”.

Còn nếu bạn đang làm công việc mình không yêu thích, thì đây là giải pháp cho bạn:

Nhà giáo dục, nhà quản lý nổi tiếng người Ấn Độ Virender Kapoor đặt ra câu hỏi: “Sao bạn chỉ muốn tìm công việc phù hợp với sở thích của mình mà không biến công việc thành sở thích?”. Nhà giáo dục Virender Kapoor chỉ ra sự thật rằng đa phần chúng ta không yêu công việc của mình mà chỉ thích một phần ở công việc đó, và đây chính là yếu tố mách bảo sở thích của bạn.


“Sao bạn chỉ muốn tìm công việc phù hợp với sở thích của mình mà không biến công việc thành sở thích?” (ảnh minh họa)

“Sao bạn chỉ muốn tìm công việc phù hợp với sở thích của mình mà không biến công việc thành sở thích?” (ảnh minh họa)

Khi bạn tìm ra được phần việc mà bạn thích làm và làm tốt, nó sẽ hé lộ đam mê của bạn.

Một khi bạn đã dò tìm ra đam mê của mình, thì bạn cần dành thời gian tập trung phát triển, trau dồi cho đam mê đó sau khi đã hoàn thành các phần việc của mình.

Bạn có thể tham khảo lời khuyên dưới đây trong cuốn sách “Tập trung - Sức mạnh của tư duy có mục tiêu” (NXB Lao động):

“Nếu bạn muốn đứng trong hàng ngũ của 5% người đứng đầu trong bất kỳ lĩnh vực nào, bạn phải dành thời gian nhiều hơn cho những gì mình làm tốt, và bớt thời gian lo lắng cho những điều mình không làm tốt.

Nếu bạn đã làm điều gì đó rất tốt và tập trung thêm thời gian cũng như sức lực cho nó, phải nói là bạn sẽ làm cực kỳ xuất sắc. Nó sẽ đưa bạn tiến xa hơn nhiều so với hầu hết những người cùng làm”.

Nguyên Chi

(Email: minhthuong@dantri.com.vn)

Dòng sự kiện: Chọn ngành, chọn nghề