Kinh nghiệm từ Đan Mạch: Vào đại học có phải là con đường tốt nhất?

(Dân trí) - Ai cũng muốn vào đại học! Nhưng đó có phải là con đường tốt nhất đi đến tương lai cho mỗi cá nhân và cho đất nước?

Hầu hết các quốc gia đang tập trung vào việc gia tăng chất lượng của lực lượng lao động, đẩy mạnh cải tiến và khuyến khích cạnh tranh. Giáo dục là một phương cách phổ biến và hữu hiệu – tuy nhiên không phải mọi hình thức giáo đục đều mang lại kết quả như nhau.

Nền kinh tế của các quốc gia đã và đang trở nên cởi mở hơn với giao thương quốc tế. Thông qua những thỏa thuận thương mại, việc vận chuyển hàng hóa vừa hiệu quả vừa chi phí thấp, những mô hình thương mại thay đổi liên tục và tất cả các quốc gia đang tập trung vào việc nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động nhằm đáp ứng những điều kiện cạnh tranh thương mại thường xuyên thay đổi.

Thế nhưng “nâng cao kỹ năng” có nghĩa là gì? Liệu tấm bằng đại học có luôn luôn là câu trả lời tối ưu?


Bộ trưởng giáo dục Đan Mạch Christine Antorini và học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội, tháng 3/2015.

Bộ trưởng giáo dục Đan Mạch Christine Antorini và học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Hà Nội, tháng 3/2015.

Kỹ năng không phù hợp

Cố gắng thu hái quả ngọt của “nền kinh tế tri thức” và duy trì ở vị trí tiên phong của đổi mới và cạnh tranh, nhiều quốc gia đang đối mặt với hiểm họa khi tập trung quá đà vào giáo dục bậc cao, trong khi giáo dục về kỹ thuật và đào tạo nghề lại bị xem nhẹ.

Hiện tượng này tạo nên sự “lệch nhịp” , sự thiếu hụt và lỗ hổng– giữa nhu cầu tìm kiếm lao động của các công ty với những gì có sẵn trên thị trường lao động. Sự tập trung vào giáo dục bậc cao này có thể sẽ là một sai lầm phải trả giá đắt, không chỉ đối với những cá nhân phải trải qua 5-6 năm được đào tạo hàn lâm và sau đó thấy mình bị thất nghiệp, mà còn đối với xã hội nói chung.

Việc thiếu kỹ năng cũng như lỗ hổng kỹ năng đang xảy ra ở nhiều quốc gia. Tuy vậy điều đó không hoàn toàn là tín hiệu xấu. Những lỗ hổng như vậy là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đi lên một cách năng động đang tạo ra những việc làm đòi hỏi kỹ năng cao hơn và chuyên sâu hơn, và vì thế đó không hẳn là một vấn nạn. Vấn đề ở đây là làm thế nào để giải quyết những chỗ trống và sự thiếu hụt này.


Học nghề tại Đan Mạch

Học nghề tại Đan Mạch

Trong nhiều năm, đã có nhiều quốc gia, trong đó có Đan Mạch, đã tập trung cao độ và giáo dục bậc cao, vào những bằng cấp đại học, như bằng cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ.

Mọi người dường như đều cho rằng “Sinh viên tham gia đào tạo bậc cao càng nhiều thì càng tốt”. Thế nhưng sự phát triển của thị trường việc làm lại cho thấy một sự thật khác. “Nền kinh tế tri thức” đã không phát triển nhanh chóng như dự đoán, và tình trạng thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp đại học đã trở thành sự thật - trong nhiều lĩnh vực - ở nhiều quốc gia.

Ở Đan Mạch, hiện trạng này đã gợi ra một cách nhìn mới để điều chỉnh mục tiêu quan tâm. Hiện vẫn còn tồn tại niềm tin chắc chắn vào tầm quan trọng của nghiên cứu nuôi dưỡng những đổi mới trong công nghiệp.

Việc xây dựng cầu nối giữa các đại học nghiên cứu với các doanh nghiệp vẫn đang được ưu tiên ở mức cao. Tuy nhiên mối quan tâm đang lớn dần lên ở khía cạnh đổi mới liên quan chặt chẽ đến việc duy trì và phát triển sản xuất. Sự thay đổi này đã nhen nhóm lên một sự chuyển hướng – sự chuyển đổi trọng tâm vào tầm quan trọng của việc duy trì và phát triển đào tạo kỹ thuật và đào tạo nghề ở Đan Mạch.


Đào tạo nghề và đào tạo kỹ thuật là điểm khởi đầu quan trọng cho sự nghiệp

Đào tạo nghề và đào tạo kỹ thuật là điểm khởi đầu quan trọng cho sự nghiệp

Uy tín trong đào tạo nghề và đào tạo kỹ thuật

“Ở Đan Mạch ngày nay, chúng tôi đang nỗ lực nâng cao uy tín trong đào tạo nghề và đào tạo kỹ thuật để thu hút những sinh viên giỏi nhất. Đó là những gì mà các doanh nghiệp Đan Mạch đang đòi hỏi, và do đó tạo ra tiềm năng lớn cho việc làm”, chuyên gia tư vấn giáo dục Đan Mạch Morten Pristed giải thích. “Tuy nhiên đó không phải là con đường chiến lược duy nhất. Cùng lúc, chúng tôi cố gắng kết nối giữa nghiên cứu và đổi mới từ các trường đại học với sự đổi mới doanh nghiệp”.

Sau nhiều năm tập trung vào giáo dục bậc cao, việc điều chỉnh lại trọng tâm giáo dục không phải dễ dàng. Các trường đại học được bao phủ bởi quan niệm “giáo dục tốt – thu nhập tốt – cuộc sống tốt đẹp”, nhưng điều này chỉ đúng khi bạn có việc làm phù hợp, nếu không thì cá nhân và xã hội sẽ bị thua thiệt.

Các chính phủ và các công ty phải bắt tay song hành nhằm tạo ra cơ chế phù hợp để những người trẻ tài năng có thể theo đuổi sự nghiệp thông qua đào tạo nghề và đào tạo kỹ thuật. Đan Mạch đang ở trong giai đoạn điều chỉnh, và sẽ còn mất thêm thời gian cho việc này – bởi vì những mô hình cũ vẫn còn bám chặt và không dễ thay đổi.

“Và tất cả chúng ta cần phải tham gia ủng hộ sự điều chỉnh đó”, chuyên gia Morten Pristed lên tiếng. “Những người trẻ thật ra bị ảnh hưởng bởi cách suy nghĩ của cha mẹ và ông bà chúng”.

Lên kế hoạch cho sự nghiệp

Thường có một sự thật bị bỏ qua, đó là đào tạo nghề và đào tạo kỹ thuật là điểm khởi đầu quan trọng cho sự nghiệp. Khi người ta ngày càng gia tăng nhận thức về quan điểm giáo dục suốt đời, thì việc học thêm các kỹ năng và các khía cạnh mới mẻ là điều mà người ta có thể dần bổ sung và trau chuốt.

Những cơ hội như vậy cần được tạo ra nhiều hơn nữa trong những năm tới. “Chúng ta cần khuyến khích thế hệ trẻ – cả ở Đan Mạch và Việt Nam – nhìn nhận và suy xét một cách cẩn thận về triển vọng nghề nghiệp trước khi bắt tay chọn ngành học.

“Bạn cần phải biết bạn sẽ nhận được gì – bao gồm cả triển vọng về việc làm – trong khi ra quyết định. Bên cạnh việc chọn bạn đời, thì việc chọn lĩnh vực học tập là quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời”, chuyên gia Morten Pristed kết luận.

Trong những năm tới, Đại sứ quán Đan Mạch sẽ tham gia sâu hơn vào việc hợp tác giáo dục với Việt Nam. Sự hợp tác mới này sẽ tạo điều kiện cho các bộ ngành liên quan ở Việt Nam và Đan Mạch làm việc với nhau, và sẽ đặc biệt chặt chẽ hơn ở liên kết giữa bộ ngành, các cơ sở giáo dục và các doanh nghiệp.

Một trong những mục tiêu toàn cục của sự hợp tác là thu hút những sinh viên đủ tiêu chuẩn tham giao đào tạo nghề và đào tạo kỹ thuật từ đó gia tăng khả năng cạnh tranh cho các công ty ở Việt Nam, giúp ứng phó với các thách thức và nhu cầu trong nước cũng như ở thị trường xuất khẩu.

Tài năng, không phải thương mại, cũng không phải nguồn vốn, là yếu tố có sức mạnh nhất để biến thách thức thành giải pháp. Phát triển con người với kỹ năng phù hợp và đặt họ vào đúng vị trí vào đúng thời điểm đã trở nên cấp bách và phức tạp hơn bao giờ hết.

Chỉ số Cạnh tranh toàn cầu 2015-2016

Ly Hạnh