Không nên duy trì sự cào bằng trong thi đua

(Dân trí) - Phát biểu tại hội nghị giao ban giáo dục và đào tạo cụm thi đua vùng 7 tại Hải Phòng vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Đã làm thi đua thì không nên duy trì sự cào bằng, tính “phong trào...”


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị giao ban 5 thành phố trực thuộc TƯ tại Hải Phòng

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị giao ban 5 thành phố trực thuộc TƯ tại Hải Phòng

Tại hội nghị giao ban ngành giáo dục và đào tạo cụm thi đua vùng 7 gồm 5 thành phố lớn trong cả nước là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ, ông Nguyễn Hữu Độ, giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, Cụm trưởng cụm thi đua vùng 7 cho biết, năm 2015 - 2016 các thành phố đã tích cực chủ động, triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học và đã đạt được những kết quả toàn diện.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD&ĐT của 5 thành phố đã thừa nhận vẫn còn những khó khăn tồn tại cần nghiêm túc đánh giá như công tác quản lý giáo dục và và đào tạo đã có nhiều đổi mới và tiến bộ nhưng chưa theo kịp sự đổi mới và phát triển của xã hội; Nhận thức của một số cán bộ quản lý, giáo viên về các môn học tự chọn còn hạn chế; chất lượng và trình độ đội ngũ giữa các trường và vùng miền trên địa bàn các thành phố còn chưa đồng đều.

Chất lượng giáo dục tại một số trường ngoài công lập, trung tâm GDTX còn thấp… Trang thiết bị dạy học, phòng học bộ môn ở một số trường ngoại thành xa của các thành phố lớn với số lượng dân số cơ học tăng nhanh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh còn hạn chế về số lượng và chất lượng, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Mặc dù thừa nhận còn nhiều hạn chế nhưng với thành tích 18/18 lĩnh vực hoàn thành xuất sắc trong năm học, Sở GD&ĐT 5 thành phố đề nghị Bộ GD&ĐT tặng cờ thi đua xuất sắc cho 5 thành phố; Thành phố cần Cần Thơ đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ.

Sau khi xem kết quả thực hiện các lĩnh vực công tác và đề xuất khen thưởng của các Sở GD&ĐT thuộc vùng 7 này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định: “Nhìn vào bảng thống kê các địa phương đều đạt kết quả 10, toàn bằng nhau hết thì không khỏi thấy như là luân phiên khen thưởng. Các Sở GD&ĐT cần phải nhìn nhận, đánh giá lại tiêu chí thi đua. Đồng thời phải có thực chứng so sánh từng sở, từng cá nhân để tham khảo học tập và phát triển”.

Theo Bộ trưởng Nhạ, thi đua là làm tốt lên, người nào có thành tích thì khi được nhận thành tích cũng thấy xứng đáng, còn người chưa được thì nỗ lực khắc phục vươn lên, chứ không chỉ là việc thắng thua. Vì vậy, đánh giá thi đua phải có tiêu chí rõ ràng, thi đua phải có phân định cao thấp.

Bộ trưởng Nhạ cho rằng, đã làm thi đua thì không nên duy trì sự cào bằng, tính “phong trào”. Cần phải xây dựng các tiêu chí thi đua như Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng; từ đó tạo động lực phát triển tự thân, cạnh tranh lành mạnh cho các cơ sở giáo dục, cũng như tạo áp lực để chính quyền địa phương đầu tư, quan tâm thiết thực tới giáo dục.

“Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng Bộ chỉ số xếp hạng thi đua, sẽ có 5 tiêu chí, trong đó nhấn mạnh tới tiêu chí đảm bảo chất lượng, các tiêu chí về kỷ cương nề nếp, đổi mới sáng tạo…Những nội dung đánh giá thi đua và cách thức đánh giá thông qua các chỉ số sẽ là căn cứ chấm điểm khách quan và chính xác để xác định danh hiệu thi đua”- Bộ trưởng Nhạ cho biết.

Hồng Hạnh