Góp ý cho các quy định về tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH,CĐ 2016:

Không hợp lý nếu phân biệt kết quả thi tốt nghiệp THPT ở các cụm thi

(Dân trí) - Phân biệt sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT tại các cụm thi đại học và cụm thi tốt nghiệp, khi mà cả hai cụm này đều có ở tất cả các tỉnh với thành phần coi thi và chấm thi đều như nhau, là điều không hợp lý.

Đó là một trong 5 nội dung góp ý cho các quy định về tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH,CĐ 2016 mà Hiệp hội các trường ĐH,CĐ ngoài công lập gửi tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận ngày 11/3.

Không hợp lý nếu phân biệt kết quả thi tốt nghiệp THPT ở các cụm thi - 1

5 nội dung Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam xin được đóng góp ý kiến như sau:

Thứ nhất, đánh giá tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh nếu chỉ dựa vào kết quả của 4 môn thi đơn ở kỳ thi quốc gia, trong đó có 3 môn thi bắt buộc (như qui định tại Điều 3 Quy chế thi THPT quốc gia) sẽ tạo cho học sinh thiên hướng học lệch ngay từ đầu lớp 10.

Từ đó, mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông tại Nghị quyết 29 Ban Chấp hành Trung Ương Khóa 8 sẽ không đạt được. Hiệp hội chúng tôi đã nhiều lần góp ý điều hệ trọng này.

Thứ hai, phân biệt sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT tại các cụm thi đại học và cụm thi tốt nghiệp, khi mà cả hai cụm này đều có ở tất cả các tỉnh với thành phần coi thi và chấm thi đều như nhau, là điều không hợp lý.

Từ năm nay Bộ nên giao hẳn công việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia cho các tỉnh chịu trách nhiệm theo đúng chức năng, mặt khác tăng cường khâu giám sát xã hội để gìn giữ kỷ cương và bảo đảm công bằng.

Thứ ba, không nên qui định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định vì đây là một dạng biến tướng của “điểm sàn”. Tổng điểm thi không có hệ số gia quyền (hệ số này có thể theo yêu cầu riêng cho từng ngành hay chuyên ngành chứ không chỉ cho cả khối ngành), cũng không phản ảnh được điểm kiểm tra bổ sung thì điểm sàn đó đầy nhược điểm, không nên duy trì.

Để đảm bảo chất lượng đầu vào Bộ GĐ&ĐT nên tập trung tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia, đồng thời giao quyền, hướng dẫn và kiểm tra giám sát các trường tổ chức tuyển sinh với các phương thức sáng tạo hướng tới sự chuẩn mực (như Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang thực hiện).

Thứ tư, về tổ chức xét tuyển sinh ở các trường đại học và cao đẳng, Hiệp hội chúng tôi cho rằng việc Bộ GD&ĐT tôn trọng quyền tự chủ của các trường trong tuyển sinh (như quy định tại Điều 34 Luật Giáo dục đại học) là đúng. Tuy nhiên, Bộ không nên từ chối trách nhiệm đứng ra tổ chức các “dịch vụ công ích trong việc xét tuyển sinh” khi có đề nghị từ nhiều trường.

Thứ năm, Hiệp hội chúng tôi hoan nghênh chủ trương mới đây của Bộ về khuyến khích các trường đại học, cao đẳng tự nguyện tuyển sinh theo cụm (địa phương).

GS Trần Hồng Quân Chủ tịch Hiệp hội cho biết, trong ngày 5/3/2016 Bộ phận thường trực Hiệp hội cùng một số chuyên gia về giáo dục đã nghe đại diện Trường Đại học Thăng Long (GS. Hà Huy Khoái và TS. Phan Huy Phú) giới thiệu về giải pháp tổ chức xét tuyển sinh theo cụm cùng thuật toán “chấp nhận trì hoãn” để xác định nhanh kết quả tuyển sinh của từng đợt. Tất cả các thành viên tại tọa đàm đều nhận thấy đây là một giải pháp rất ưu việt, tiết kiệm nhiều công sức và tiền của cho các trường và thí sinh.

Do đó, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị Bộ GD&ĐT cho triển khai ngay từ kỳ tuyển sinh 2016 này giải pháp tuyển sinh theo cụm cùng thuật toán xét tuyển. Để tránh những rủi ro có thể gặp phải như ở mùa tuyển sinh năm ngoái, Hiệp hội chúng tôi đề nghị Bộ khẩn trương mời nhóm chuyên gia phần mềm của Trường Đại học Thăng Long tham gia triển khai công việc trên từ đầu (Hiệp hội xin gửi kèm theo đây các kiến nghị của Nhóm chuyên gia Trường đại học Thăng Long).

Về phần Hiệp hội, chúng tôi sẽ nỗ lực thuyết phục và động viên các trường tự nguyện tham gia triển khai chủ trương này.

Hồng Hạnh (ghi)

(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm