Khi học sinh liều mạng vì sống ảo trên mạng

(Dân trí) - Chuyện một em gái 13 tuổi ở Khánh Hòa mang xăng tới đốt trường trong sự ủng hộ, cổ vũ, ép buộc của bạn bè vì giật tít câu like trên Facebook "đủ 1.000 like sẽ đốt trường" thật đáng sợ. Các em đang ở lứa tuổi mộng mơ nhất của đời người nhưng cũng rất non nớt, dễ bị lôi kéo vào những trào lưu "cuồng like", thích nổi tiếng trên mạng xã hội.

"Ngôi nhà ảo" này có sức cám dỗ ghê gớm với bất cứ ai, ngay cả những người trưởng thành, có công việc đàng hoàng cũng say facebook như điếu đổ vì sự lan tỏa chóng mặt, thích thú vì có nhiều người like một trạng thái cá nhân, một bức hình bản thân với vô số lời khen ngợi. Nhiều người sẵn sàng ngồi thiền để tìm thú vui trên mạng, càng được nhiều người biết tới thì càng sung sướng, hãnh diện.

Lối sống ảo "ăn ngủ cùng Phây" đã nhiễm sâu vào đời sống giới trẻ, nhất là các bạn đang độ tuổi học sinh cấp 2, cấp 3. Ai cũng coi cái cảnh các em đi đâu cũng chỉ nhăm nhăm tạo dáng chụp ảnh "tự sướng" ở mọi cấp độ, càng độc đáo thì càng được bạn bè ca tụng là chuyện đương nhiên. Các em miệt mài post ảnh, đăng status, ngóng bình luận từ bạn bè bốn phương. Ai xinh đẹp thì dễ rồi, bạn bè bấm like tới tấp. Ai không xinh, không xài hàng hiệu, không được đi đó đi đây để khoe thì dễ cô đơn, lạc lõng, ghen tị với bạn bè. Tâm trạng tức tối này khiến các em a dua theo trào lưu "giật tít câu like" với đủ trò lố lăng phản cảm, cốt để đánh bóng bản thân, để nhiều người biết tới mình. Từ vụ việc thanh niên tẩm xăng tự đốt với lời thách thức cộng đồng mạng đủ 40.000 like cho bức hình đến việc một em gái 13 tuổi mang xăng đốt trường với đủ 1.000 like đã dóng lên hồi chuông báo động việc giới trẻ cổ súy cho những hành động liều mạng trên facebook.

Các em ở lứa tuổi học sinh dùng facebook hoàn toàn cảm tính chứ không suy tính thiệt hơn, chỉ cần "vui là chính". Các em đâu biết mình bấm nút like cũng đồng nghĩa với việc kích động lôi kéo bạn bè làm việc xấu, chỉ để thỏa mãn tò mò, hiếu thắng.

Việc giáo dục định hướng cho học sinh dùng mạng xã hội là hoàn toàn cần thiết, nhà trường và gia đình đều phải chung tay dạy bảo, khuyên nhủ các em. Dùng mạng xã hội phải biết đâu là điểm dừng và thời gian dành cho mạng xã hội bao nhiêu là đủ. Các em học sinh cấp 2, cấp 3 đang ở lứa tuổi mong muốn khẳng định bản thân nên có nhiều hành động bột phát rất cần sự quan tâm sát sao từ cha mẹ. Phụ huynh nên gần gũi, trò chuyện với các con như những người bạn lớn, chỉ định hướng chứ đừng cấm đoán, o ép. Phụ huynh có thể thông qua một câu chuyện nóng hổi trên mạng xã hội để thu hút sự chú ý của con mình, từ đó nhẹ nhàng phân tích cái hay, cái dở của việc dùng facebook.

Việc giao lưu kết bạn trên facebook sẽ đem lại cho học sinh nhiều điều hay nếu như các em kết bạn với những người bạn giỏi giang, có chí hướng rõ ràng trong cuộc sống nhưng sẽ rất bất lợi khi các em kết bạn với những bạn lêu lổng, côn đồ, có khi chỉ lỡ lời bình luận là mang vạ vào thân. Có lẽ dạy con cách kết bạn trên facebook cũng quan trọng như dạy con kết bạn ngoài đời thực vậy và rõ ràng ta không thể ăn nói vô tôi vạ vì đó là mạng ảo được. Cha mẹ không nên tiết kiệm lời khen dành cho con cái, có thể con chưa học giỏi nhưng con biết giúp đỡ cha mẹ việc nhà, biết trồng hoa làm đẹp hiên nhà, biết đan lát thêu thùa, biết nấu những món ăn ngon cũng rất đáng để cha mẹ động viên, khen ngợi. Khi các em thấy rõ được mình có những giá trị bản thân nhất định được mọi người trong gia đình công nhận thì các em sẽ không lao mình như thiêu thân vào trào lưu "thích làm người nổi tiếng" trên mạng xã hội.

Không thể cấm con em chúng ta sử dụng mạng xã hội vì bây giờ mạng xã hội đối với giới trẻ quan trọng ngang với không khí để thở. Chỉ còn cách hướng các em sử dụng facebook chừng mực và có văn hóa, đối xử công bằng không thóa mạ, bêu xấu bạn bè, hay giật tít câu like bằng đủ chiêu trò phản cảm.

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!