Khi giáo viên “say mê” thành tích
(Dân trí) - Rất nhiều áp lực về học tập, điểm số mà học sinh phải gánh xuất phát từ việc quá “say mê” thành tích của một số giáo viên.
Nhiều giáo viên, nhất là những giáo viên giỏi, giáo viên chuyên luyện đội tuyển dễ “nặng gánh” bởi danh hiệu thành tích trên mình. Chạy theo thành tích, ngoài nỗ lực của bản thân thì áp lực đó còn được nhiều người thầy trút xuống học trò.
Cô là một giáo viên dạy Văn có tiếng tại một trường cấp 2 ở TPHCM. Gần như cô và mọi người đã mặc định, học sinh nào “qua tay” cô T. là như các "chiến binh", thi đâu đỗ đấy, không hạng nhất thì cũng về nhì.
Không chỉ trong việc ôn luyện, ngay việc nghe cô “động viên” học sinh trước ngày thi cũng đã thấy nặng nề. Cô luôn nói với học sinh, điểm không cao, không đỗ... xem như cuộc đời của các em đã rẽ sang hướng không còn sáng sủa; cô nói học sinh chỉ cần báo đáp mình bằng việc thi đỗ chứ cô không cần quà cáp, hỏi han gì hết; cô cũng hay nhắc "học sinh cô T. không được điểm kém" để các em lấy làm kim chỉ nam khi vào phòng thi.
Thi xong, cô ới học sinh cập nhật tình hình làm bài. Khi vừa có kết quả là cô yêu cầu các điểm danh báo điểm rần rần. Em nào được điểm cao như kỳ vọng thì nô nức, nhưng em nào điểm yếu, ngoài nỗi buồn thi trượt còn thêm nỗi lo sợ không biết ăn nói thế nào với cô giáo tâm huyết, tốt bụng nhưng cũng “nghiện” thành tích quá mức.
Có những giáo viên mất ăn mất ngủ, có thể nổi xung khi... xếp hạng của mình, của lớp bị trầy đi một chút. Nhiều học sinh đi thi thố về là... ám ảnh bởi thầy cô giáo khi đặt ra chỉ tiêu các con phải hơn các anh chị năm trước, kết quả học tập của lớp phải luôn dẫn đầu trường. Có giáo viên luyện thi Toán có tiếng ở TPHCM nói với học trò rằng: “Em không xứng đáng là học sinh của tôi”. Hay có người còn tát cả gáo nước lạnh vào học sinh: “Em làm tôi thấy nhục nhã” khi các em có điểm thi không như ý thầy.
Rất nhiều áp lực về học tập, điểm số mà học sinh phải gánh xuất phát từ việc quá “say mê” thành tích của một số giáo viên. Thậm chí không ít giáo viên vì thành tích dẫn đến hành vi thiếu tôn trọng học sinh hay ra tay bạo hành học trò không chỉ về mặt tinh thần mà còn bằng đòn roi.
Mới đây nhất, cuối năm học vừa rồi, một học sinh lớp 5, Trường tiểu học Mễ Trì, Hà Nội bị cô Ch. chủ nhiệm đánh bầm tím tay do không làm đủ bài tập. Cô giao 10 bài, cháu không làm được hết, còn lại 2 bài.
Được biết, cô Ch. rất năng nổ, nhiệt tình và là giáo viên dạy giỏi các cấp nhiều năm liền. Quan điểm của cô, lớp 5E do mình chủ nhiệm phải là lớp đầu của trường chứ không được phép đứng top dưới. Có thể từ chính áp lực thành tích đó, áp lực luôn phải dẫn đầu, cô đã gây căng thẳng cho mình và trút xuống học trò.
Chạy theo thành tích đôi khi làm nhiều giáo viên lo lắng thái quá đến mù quáng. Họ nhiệt tình, giỏi nhưng rồi vì thành tích họ có thể không dám đánh giá đúng năng lực của học trò, không để học trò được thể hiện con người mình. Nhiều người luôn đeo tiếng vì học sinh nhưng thực chất là quá coi trọng thành tích, danh tiếng cá nhân.
Chị Thu Hà, một người công tác trong lĩnh vực liên quan đến giáo dục trẻ em, từng là một giáo viên chia sẻ nhiều giáo viên quá lo lắng về điểm số của trẻ mà họ quên mất rằng điều cần hơn cả điểm số với các em chính là nhân cách và hành vi, hành động ứng xử trong cuộc sống.
Thầy thì áp lực, trò thì căng thẳng. Trong khi theo chị Hà, bất kể giáo dục trong gia đình hay nhà trường, thứ con trẻ cần nhất chính là được tôn trọng.
Không thể phủ nhận, giáo viên cũng gánh rất nhiều áp lực khi họ cũng được đánh giá bằng chính thành tích, điểm số của học trò. Chưa kể, giáo dục còn mang tính “đồng phục”, đưa ra một chuẩn chung để đánh giá học trò... nên giáo viên cũng theo vòng xoáy “quay” các em.
Nhưng nói như một giảng viên ở TPHCM, rất khó chấp nhận chúng ta, nhất là đội ngũ nhà giáo cứ bám vào “lỗ hổng” của hệ thống để bao biện cho hành vi của mình. “Cuồng” thành tích một cách thái quá đến mức làm ảnh hưởng đến học sinh và cả nghề nghiệp, nhân phẩm của mình... thì trước hết là do chính bản thân họ lựa chọn.
Hoài Nam