Đày đọa nhau vì điểm số
(Dân trí) - Miếng ăn, giấc ngủ và nhiều sinh hoạt của con trẻ mang đầy ám ảnh bởi điểm số. Nhiều em sợ hãi, hoảng loạn, thậm chí bỏ nhà đi hay nghĩ đến cái chết... nếu như bị điểm thấp.
Rất nhiều học trò trước các kỳ thi hay thi học kỳ là đầu căng như dây đàn, chỉ biết lao đầu vào học bỏ hết những sinh hoạt cơ bản như ăn, ngủ, giải trí. Nhiều em như mang một hiệu lệnh trong mình: Phải đạt 9, đạt 10, phải đứng hàng đầu của lớp, của trường. Với nhiều em, chỉ cần đứng sau bạn hay điểm thấp hơn chỉ là số lẻ tí teo sau dấu chấm phẩy của kỳ trước đã là chuyện lớn.
Thi xong, cũng không ít học trò tự chấm điểm cho mình rồi sống trong sợ hãi. Mỗi ngày trôi qua với các em là một cực hình, tâm lý đó ám ảnh tất cả, các em bỏ đi rất nhiều thứ ý nghĩa cần tận hưởng trong cuộc sống.
Nguyễn Thu Lê, học sinh giỏi học lớp 9 ở một ngôi trường có tiếng ở Nghệ An tâm sự, cứ đến mùa thi là em hoảng loạn, lúc nào cũng trong tâm trạng phập phồng lo điểm thấp. Có lần thi học kỳ xong, Lê làm bài không tốt thì nguyên những ngày sau đó em ăn không ngon, ngủ không yên.
“Nhất là mỗi khi đối mặt với bố, ông thở dài hay nằm thượt ra đầy thất vọng... em chỉ muốn mình biến mất trái đất này. Em hiểu, đó là lần cuối cùng mình được phép làm bài thi chưa được như ý”, cô học trò nói.
Đợt cuối năm học vừa rồi, bé gái tên D., lớp 4 ở Sơn Tây, Hà Nội gây lo lắng, xôn xao cả xã, cả trường học khi... mất tích ngay sau giờ học. Ban đầu, rất nhiều lý do đồn đoán được đưa ra như em trốn đi chơi, bị bắt cóc, lạc đường... Mãi khi tìm được em cách nhà hàng chục cây số mới vỡ òa ra lý do, em bỏ đi trong đêm vì lo sợ sẽ bị mắng mỏ, đánh đập khi điểm Toán chỉ ở mức gần 7,5 điểm.
Nỗi lo sợ vì điểm thấp của các em đáng sợ hơn cả sự an toàn của bản thân; bỏ nhà đi trong đêm, đến những nơi xa lạ, không người quen biết vẫn yên tâm hơn, không đáng sợ bằng đối diện với bố mẹ, người thân khi điểm thấp.
Cô Diễm Quyên, một giáo viên dạy Hóa ở TPHCM kể trong thời gian đi dạy học, cô chứng kiến vô vàn tình huống oái oăm liên quan đến điểm số. Có những em nhận điểm học kỳ là bật khóc, hoảng loạn, có em còn... quỳ xuống xin giáo viên sửa điểm vì sợ bố mẹ không dám về nhà.
Nỗi ám ảnh bởi điểm số của học sinh có thể xuất phát từ giáo dục chạy theo điểm số từ trong nhà trường đến gia đình. Nói như TS Nguyễn Đông Hải, giảng viên khoa Vật lý, Đại học Creighton (Mỹ), chúng ta đang bắt đứa trẻ chạy theo hiệu suất cao nhất mà người khác đưa ra, hiệu suất điểm 10. Trong khi mỗi đứa trẻ có một hiệu suất khác nhau và lẽ ra giáo dục là làm sao để đứa trẻ tiến đến gần nhất hiệu suất của mình.
Có những phụ huynh, con đạt điểm thi cuối năm ngoài nhiều điểm 10 thì có hai môn đạt 9, chia sẻ trên mạng: Những con số 9 là bài học để con hiểu phải nỗ lực hơn nữa; Còn rất nhiều bạn giỏi hơn con... Toàn những lời động viên mang tính gây áp lực.
Dường như mọi kỳ vọng của phụ huynh đặt lên vai con nhỏ là... điểm số. Khát khao của người lớn đã không cho phép con trẻ được dừng lại, được là chính mình và cả được phép đứng sau, đứng phép thua.
Lao theo điểm số đã đẩy các em trên đường ray chỉ biết cắm đầu chạy, chạy... mà quên mất rằng, cuộc sống còn rất nhiều thứ để yêu thương, tận hưởng, để sống.
Tác giả cuốn sách nổi tiếng “Quà của bố”, ThS Trần Đình Dũng kể ông đến chơi nhiều gia đình liền được phụ huynh kéo đến khoe những tủ trưng bày giấy khen của con từ ngày bé tí đi học mẫu giáo với vẻ đầy tự hào. Họ kể con đạt thành tích, điểm số này nọ... Điều này làm ông thấy tiếc vô cùng khi sao chúng ta không yêu thương nhau bằng những cử chỉ, hành động, thời gian dành cho nhau mà lại yêu thương nhau bởi những tờ giấy, con số.
Khi đề cập đến những vấn đề bất ổn của thanh thiếu niên ngày nay, bác sĩ tâm lý Nguyễn Minh Tiến cảnh báo, thanh thiếu niên bây giờ gặp nhiều vấn đề hơn bởi các em đang phải đối mặt với rất nhiều yêu cầu, đòi hỏi và cả những kỳ vọng... dẫn đến những áp lực khủng khiếp.
Hoài Nam