Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN: Tập trung vào 8 lĩnh vực quan trọng

(Dân trí) - Trong 2 ngày 25 - 26/5/2016, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 9 (ASED 9), Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 và Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 3 đã diễn ra tại Salango, Kuala Lumpur, Malaysia.

Tham dự các Hội nghị có các Bộ trưởng, trưởng đoàn giáo dục các nước ASEAN, các nước ASEAN +3 và các nước tham gia Cấp cao Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Australia, New Zeanland. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu.


Việt Nam và các nước ASEAN tăng cường hợp tác giáo dục

Việt Nam và các nước ASEAN tăng cường hợp tác giáo dục

Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 9 tập trung vào nội dung xây dựng Kế hoạch Hành động trong giáo dục giai đoạn 2016-2020, định hướng hợp tác giáo dục trong 5 năm tới và thống nhất các nỗ lực hợp tác về giáo dục trong khuôn khổ các Đối tác Đối thoại của ASEAN, các tổ chức quốc tế và các thể chế khác ủng hộ ASEAN.

Kế hoạch Hành động Giáo dục ASEAN tập trung vào 8 lĩnh vực bao gồm:

Nâng cao nhận thức về ASEAN thông qua củng cố kiến thức về lịch sử Đông Nam Á; chất lượng và cơ hội học tập cơ bản cho mọi người đặc biệt là những nhóm bị thiệt thòi; công nghệ thông tin và truyền thông trong giáo dục; đào tạo kỹ thuật và dạy nghề (TVET) và học tập suốt đời; giáo dục vì sự phát triển bền vững; phát triển giáo dục đại học và cơ chế đảm bảo chất lượng; liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp; và tăng cường năng lực cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Các Bộ trưởng nhất trí Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 10, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 và EAS lần thứ 4 sẽ được tổ chức tại Myanma vào năm 2018.

Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN: Tập trung vào 8 lĩnh vực quan trọng - 2

Các Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố ASEAN về Tăng cường Giáo dục cho trẻ em và thanh niên không được đến trường (OOSC và OOSY), và thống nhất đệ trình Tuyên bố này lên Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 28 phê duyệt vào tháng 9 năm nay tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc hài hòa hóa giữa giáo dục đại học và đào tạo kỹ thuật và dạy nghề (TVET) cũng như thúc đẩy trao đổi giáo viên và sinh viên, các Bộ trưởng đã thông qua Cơ cấu tổ chức và quản trị Khung Tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF).

Các Bộ trưởng đồng thời cũng đã phê duyệt dự thảo sửa đổi Hiến chương Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN) để phù hợp với những định hướng tương lai của ASEAN. Các Bộ trưởng đánh giá cao những tiến bộ đạt được trong hợp tác giáo dục trong khối ASEAN, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục đại học và TVET, khung trình độ, đảm bảo chất lượng, dịch chuyển sinh viên, chuyển đổi tín chỉ, hợp tác giữa các trường đại học, và kết nối giữa các cá nhân.

Thúc đẩy hợp tác lâu dài và hai bên cùng có lợi

Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 lần thứ 3 tập trung kiểm điểm việc thực hiện Kế hoạch Hành động ASEAN +3 về Giáo dục giai đoạn 2010 - 2017 và khuyến khích tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa để thực hiện tốt các chương trình và hoạt động với sự tham gia của các cơ sở giáo dục của các nước ASEAN + 3, hoàn thành tất cả các chương trình của Kế hoạch hành động.


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị

Để hợp tác giáo dục trong khuôn khổ ASEAN được thống nhất, các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác lâu dài và hai bên cùng có lợi thông qua liên kết Hợp tác Giáo dục ASEAN + 3 và đảm bảo hoàn thành Kế hoạch Hành động ASEAN về Giáo dục giai đoạn 2016-2020.

Các bộ trưởng đã thông qua Tài liệu hướng dẫn về trao đổi và dịch chuyển sinh viên nhằm phát triển giáo dục đại học trong khuôn khổ ASEAN + 3 thông qua việc thúc đẩy trao đổi sinh viên và cơ chế đảm bảo chất lượng đào tạo.

Tăng cường hơn nữa phát triển nguồn nhân lực trong khu vực

Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước tham gia cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 3 điểm lại và nhấn mạnh mục tiêu về giáo dục đào tạo cần hoàn thành trong Kế hoạch Hành động Hội nghị Cấp cao Đông Á giai đoạn 2011-2015 là tìm kiếm những cơ hội hợp tác giáo dục giữa các nước tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á nhằm tăng cường hơn nữa phát triển nguồn nhân lực trong khu vực.

Các Bộ trưởng thống nhất tập trung tiếp tục triển khai 15 dự án hợp tác theo Kế hoạch hành động này và ghi nhận những cam kết cũng như nỗ lực của của các nước tham gia Cấp cao Đông Á trong quá trình thực hiện để đạt được những kết quả đáng kể.

Một lần nữa, các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác lâu dài và hai bên cùng có lợi trong khuôn khổ hợp tác này thông qua liên kết Hợp tác Giáo dục Đông Á và đảm bảo hoàn thành Kế hoạch Hành động ASEAN về Giáo dục giai đoạn 2016-2020.

Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia đóng góp cho các cuộc thảo luận tại các Hội nghị, nhất là các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giáo dục giữa các nước thành viên ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác, cũng như trong việc xác định định hướng hợp tác giáo dục ASEAN giai đoạn sau 2015.

Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN: Tập trung vào 8 lĩnh vực quan trọng - 4

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã gặp gỡ, trao đổi và làm việc song phương với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Bộ trưởng Bộ Đại học Malaixia để bày tỏ cảm ơn nước chủ nhà tổ chức chu đáo các Hội nghị, đồng thời trao đổi nhằm thúc đẩy hợp tác giáo dục song phương giữa Việt Nam và Malaixia.

Cùng tham gia làm việc với Bộ trưởng có Ông Phạm Cao Phong, đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Malaixia và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT.

PV. Salango, Malaysia, ngày 26/5/2016