Hội Khuyến học tổ chức tập huấn về bình đẳng giới
(Dân trí) - Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp Đại diện UNESCO tại Hà Nội đã tổ chức đào tạo tập huấn về khóa học bình đẳng giới cho các cán bộ chủ chốt, các Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học thuộc khu vực Tây Bắc và Đông Bắc tại Lào Cai.
Tới dự và chủ trì Hội nghị có GS-TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; ông Phạm Hoàng Be, ông Trần Luyến, Phó Chủ tịch Hội; Bà Trần Thị Phương Nhung, GĐ điều phối Dự án bình đẳng giới của UNESCO tại Việt Nam.
Tại cuộc tập huấn, các báo cáo viên và hướng dẫn viên của Hội Khuyến học VN và UNESCO đã trao đổi, hướng dẫn các học viên hình thức giao lưu trực tiếp giữa các tổ, cá nhân về giới và giới tính, vai trò giới, khoảng cách giới, đặc biệt là cách hạn chế, loại trừ phân biệt đối xử giới, định kiến giới... từ đó đưa ra những mục tiêu, giải pháp lồng ghép giới trong quản lý, điều hành và tổ chức các hoạt động Trung tâm học tập cộng đồng.
Theo GS-TS Phạm Tất Dong, trên thực tế người ta bàn đến quyền bình đẳng của phụ nữ nhiều hơn, bức xúc hơn, nhưng tư tưởng bình đẳng giới là sự bình quyền giữa 2 giới, là bảo đảm cho cả nữ giới và nam giới có quyền tự do lựa chọn cho mình một đời sống phù hợp, trong đó, mọi năng lực tiềm tàng được phát huy đầy đủ.
Với quan niệm này, chúng ta đứng ở lập trường vận động nhân dân học tập suốt đời mà Trung tâm học tập cộng đồng là thiết chế cơ bản thì phải đặt mục tiêu lôi cuốn mọi người, không phân biệt Nam và Nữ, đều coi Trung tâm là cơ sở để tiếp cận tri thức mới, lĩnh hội những thành quả công nghệ mới, hình thành những kỹ năng mới mà công việc hàng ngày đòi hỏi.
Ai cũng học, học thường xuyên, học khi có nhu cầu mới. Tuy nhiên, đối với phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn như chưa thoát nghèo, nhà neo đơn, trong gia đình có người khuyết tật hoặc người đau ốm… thì phải tạo điều kiện để họ có thể tham gia, giúp họ nhận thức được, chỉ có học mới cải thiện được đời sống, mới xác lập được quyền bình đẳng của mình trong xã hội.
Các học viên tại buổi tập huấn
Với những người đàn ông đang trong hoàn cảnh khó khăn, thường phải đi kiếm việc làm nơi xa hoặc lao động quá cực nhọc để kiếm miếng ăn cho gia đình, chúng ta cũng phải xếp họ vào đối tượng của chính sách bình đẳng giới. Họ không có một cơ hội học thì chắc chắn sẽ không có cơ hội thoát nghèo, không có cơ hội làm giàu và phát triển những năng lực cần thiết.
Vì vậy, GS Dong cho rằng, trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức các hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng với định hướng bình đẳng giới và cần thống nhất các quan điểm chỉ đạo:
- Trung tâm học tập cộng đồng coi mọi người dân trên địa bàn hành chính cấp xã đều là đối tượng phục vụ của mình, nếu họ có nhu cầu và đặt ra những yêu cầu học tập đối với Trung tâm.
Mọi người dân học tập tại Trung tâm đều được bình đẳng trong dịch vụ thông tin và tri thức do Trung tâm cung ứng, không phân biệt tuổi tác, giới tính, vị thế xã hội, trình độ học vấn, nghề nghiệp…, thực hiện đúng phương châm hoạt động: Trung tâm học tập cộng đồng là thiết chế giáo dục không chính quy của dân, do dân và vì dân.
- Trung tâm học tập cộng đồng luôn quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Quyết định 89/QĐ-TTg: Mọi người dân đều được tiếp cận với việc học và được học tập suốt đời để trở thành người lao động có nghề, có năng suất lao động cao để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống của mình và của gia đình mình, đồng thời đóng góp cho xã hội ngày càng nhiều hơn.
- Bất bình đẳng giới là một rào cản phải gỡ bỏ trong mọi hoạt động lao động, giáo dục, văn hóa, xã hội… mà ở đây là hoạt động học tập suốt đời của người lao động trong từng cộng đồng. Trong giáo dục và đào tạo, bất bình đẳng giới sẽ dẫn đến hiện tượng loại trừ người này hay người khác ra khỏi sự phát triển, làm thui chột năng lực vốn có của con người, dẫn đến những hậu quả tai hại như thiếu dân chủ, thiếu tôn trọng quyền con người, thiếu trách nhiệm bảo đảm quyền công dân mà ở đây là quyền học tập.
- Với những người có hoàn cảnh đặc biệt như phụ nữ có gia đình chưa thoát nghèo, những người khuyết tật, những người thất học, chưa thoát mù chữ, những người thất nghiệp… thì cần phải có sự quan tâm đặc biệt khi họ muốn học tập để ra khỏi tình trạng khó khăn hiện tại.
Việc tìm kiếm nguồn lực cho những đối tượng này cũng nằm trong trách nhiệm của những người quản lý, điều hành Trung tâm học tập cộng đồng.
Kết thúc đợt đào tạo, các học viên được Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cùng Giám đốc cơ quan Đại diện UNESCO tại Việt Nam cấp CHỨNG CHỈ đã qua lớp đào tạo về bình đẳng giới và lồng ghép giới trong quản lý, tổ chức các hoạt động tại Trung tâm học tập cộng đồng./.
Trước đó, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp Đại diện UNESCO tại Hà Nội đã tổ chức đào tạo về về bình đẳng giới tại Đà Lạt (Lâm Đồng) và Đồng Hới (Quảng Bình).
Lương Thanh