Hàng trăm trường sư phạm sẽ bị “xóa sổ”?

(Dân trí) - 117 trường đào tạo sư phạm hiện nay trên cả nước sẽ quy hoạch lại chỉ còn khoảng 8 – 9 trường sư phạm. Như vậy, hàng trăm trường sư phạm sẽ bị “xóa sổ”?

Phát biểu tại buổi làm việc với trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trọng tâm đầu tiên trong phát triển nền giáo dục hiện nay là quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo, đặc biệt là mạng lưới các trường ĐH,CĐ. Riêng đối với hệ thống trường sư phạm với 117 cơ sở thì chỉ chọn 8-9 trường lớn, còn lại chỉ là cơ sở của các trường khác để tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng.

Vậy quy hoạch trường sư phạm như thế nào? Giải thể trường như thế nào? Làm sao để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên? Làm thế nào để khắc phục được tình trạng cử nhân sư phạm thất nghiệp hiện nay? PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS.TS Đinh Quang Báo nguyên hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội về vấn đề này.

Hàng trăm trường sư phạm sẽ bị “xóa sổ”? - 1

GS.TS Đinh Quang Báo

Phải có tiêu chí trường nào được đào tạo giáo viên

Thưa GS, ý kiến của ông thế nào về thông tin giảm trường sư phạm mà Bộ trưởng đã đưa ra?

Chúng tôi cũng đang bàn tới việc này. Chúng tôi rất ủng hộ việc quy hoạch trường sư phạm và nhân lực sư phạm. Phải quy hoạch lại để các cơ sở đào tạo giáo viên đủ lực đào tạo giáo viên chất lượng cao. Đồng thời, phải đưa ra tiêu chí xem những cơ sở nào được đào tạo giáo viên và những cơ sở nào không được đào tạo giáo viên.

Theo tôi, nếu không cho các trường đào tạo giáo viên thì khác gì với việc trường đó có tồn tại hay không. Cho nên không cho các trường đào tạo giáo viên và cho trường đó tồn tại hay không là 2 câu hỏi khác nhau. Nếu dẹp trường sư phạm là không được.

Ý của Bộ trưởng là đưa các đơn vị đào tạo sư phạm nhỏ vào trực thuộc các trường đại học sư phạm lớn là một cách họ đóng góp nhân lực chia sẻ và chịu sự điều khiển của trường lớn.

Nếu vậy, Bộ GD&ĐT phải đưa ra trường được đào tạo giáo viên phải theo tiêu chí nào. Sau khi đưa ra tiêu chí, tất cả 117 trường phải dựa vào tiêu chí đó để chứng minh được đào tạo hay không được đào tạo.

Quy hoạch để giảm số lượng là phiến diện

Có phải số lượng trường đào tạo sư phạm nhiều như vậy dẫn đến tình trạng dư thừa đến 70.000 cử nhân sư phạm như báo chí phản ánh hiện nay?

Sở dĩ hiện nay thừa cử nhân sư phạm là do chúng ta không có bài toán quy hoạch hệ thống sư phạm dẫn đến không có quy hoạch đội ngũ giáo viên. Vì không có quy hoạch nên trong thời kỳ lịch sử nước ta là thiếu giáo viên và ồ ạt mở trường sư phạm, mỗi địa phương có từ 1 - 2 trường sư phạm. Bên cạnh đó, ồ ạt đào tạo giảng viên 7 +3; 10 + 3… bây giờ tồn tại nhiều trường sư phạm là do lịch sử để lại. Đây là một bài học để cho chúng ta thấy cần thiết phải làm bài toán quy hoạch.

Hiện nay, thừa giáo viên là điều chắc chắn. Nếu đúng 70.000 cử nhân bị dư thừa như khảo sát mà báo chí phản ánh là con số “khủng” rồi.

Theo tôi, nếu đặt vấn đề quy hoạch để giảm số lượng là phiến diện mà quy hoạch này là để phát triển ổn định và chất lượng. Giảm số lượng thì dễ nhưng giảm số lượng có tăng được chất lượng không đó là một bài toán khó giải nhưng chúng ta phải giải bài toán ấy và cần phải đặt ra bài toán để giải. Chúng ta phải quy hoạch đội ngũ giáo viên xong mới đến quy hoạch đổi mới hệ thống sư phạm.

Nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay là phải bắt đầu từ đội ngũ nhà giáo?

Điều này đã trở thành một nguyên lý. Những nhà giáo dục đã nói rằng, chất lượng phổ thông không vượt khỏi chất lượng giáo viên. Chất lượng giáo viên chi phối chất lượng giáo dục phổ thông.

Tại sao thời gian vừa qua chất lượng cử nhân sư phạm ra trường không đáp ứng được yêu cầu?

Vấn đề này đã nói rất nhiều. Theo tôi không chỉ sinh viên ra trường mà cả đội ngũ giáo viên đang đứng lớp.

Vừa rồi, báo chí phản ánh về Thông tư 30, trong đó bức xúc nhất là việc giáo viên viết giấy khen cho học sinh là khen từng mặt. Cái này quy định của thông tư chỉ là một phần nhưng không phải là cơ bản. Trước hết do quản lý của trường phổ thông kém, sau đó đến trình độ giáo viên cũng kém. Quy định nói khen từng mặt thì giáo viên phải khen học sinh giỏi mặt nào, ghi cụ thể mặt đó ra chứ. Tôi thấy, chuyện này như tiếu lâm.

Trách nhiệm ở đây không phải do quy định mà do người làm và trước hết là những người làm quản lý nhà trường mới đến giáo viên. Giáo viên yếu kém, đội ngũ quản lý thì máy móc, không sáng tạo. Cho nên thực hiện đổi mới giáo dục khó lắm.

Chất lượng giáo dục là cả một hệ thống tác động chứ không chỉ trường sư phạm quyết định được. Nơi sử dụng đội ngũ giáo viên vô cùng quan trọng. Bởi ở nơi đó, giáo viên gắn bó cả sự nghiệp đến vài chục năm, trong khi đó đào tạo ở nhà trường chỉ có 4 năm. Cho nên giáo viên phải là người đi học suốt đời.


Sẽ tập trung nâng cao chất lượng với đội ngũ giáo viên hiện nay

Sẽ tập trung nâng cao chất lượng với đội ngũ giáo viên hiện nay

Tạo cơ chế đào tạo sinh viên sư phạm như sinh viên khối trường công an, quân đội

Chính việc dư thừa đội ngũ cử nhân sư phạm hiện nay dẫn đến học sinh không dám đăng ký thi vào sư phạm vì sợ thất nghiệp?

Đúng là học sinh sợ không vào sư phạm vì ra trường không có việc làm. Nhưng, biện pháp là giảm số lượng nhưng mục đích phải là nâng chất lượng chứ không phải giảm nhiều. Nếu giảm nhiều sau đó lại đổ xô đi đào tạo và lịch sử đã chứng minh sự nguy hiểm ấy.

Chúng ta vẫn giảm số lượng trường đào tạo sư phạm nhưng nhà nước vẫn phải kêu gọi thu hút, động viên những người giỏi nhất thi vào sư phạm. Trường sư phạm vẫn rộng mở đón những người giỏi thi vào ấy vì như vậy mới phát triển bền vững. Chúng ta có người vào, người ra để kế tục đội ngũ giáo viên vì hoạt động này như sự tuần hoàn của cơ thể. Nếu chúng ta dừng lại thì hệ thống giáo dục sẽ sụp đổ ngay.

Nhưng hiện nay làm thế nào để thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm vì việc miễn học phí đối với sinh viên sư phạm không còn hấp dẫn như xưa?

Việc miễn học phí với sinh viên sư phạm hiện nay giá trị ấy không đáng kể vì khi ra trường vẫn bị thất nghiệp, bố mẹ vẫn phải bỏ tiền ra để chạy việc cho con.

Bên cạnh đó, nhà nước vẫn tốn nhiều tiền. Cụ thể, mỗi sinh viên sư phạm nhà nước đầu tư 6 triệu đồng/ năm. Nếu con số 70.000 dư thừa cử nhân sư phạm như dự báo thì số lượng tiền vô cùng lớn, lãng phí vô cùng tiền của nhà nước.

Nhưng chúng ta vẫn phải kêu gọi sinh viên giỏi thi vào sư phạm và ra trường bố trí việc làm cho họ. Phải chấp nhận có một giai đoạn quá độ cho dư thừa một chút. Vẫn cứ lấy người giỏi để luôn luôn có người thay thế đội ngũ về hưu.

Tuy nhiên, việc đầu tiên khắc phục tình trạng này là phải đưa ra tiêu chí: sinh viên tốt nghiệp sư phạm ra trường có việc làm ngay như sinh viên tốt nghiệp trường quân đội, công an.

An ninh con người quyết định tất cả

Nếu sinh viên sư phạm mà được cơ chế như các trường công an, quân đội thì chất lượng sinh viên đầu vào và chất lượng đội ngũ giáo viên đã khác?

Không chỉ giống cơ chế như sinh viên các trường công an, quân đội mà phải trên các trường đó. Bởi vì an ninh quốc phòng và an ninh con người là quyết định. Con người mà không an ninh thì nguy hiểm hơn cả. Phải tạo cơ chế trường sư phạm như trường công an, quân đội vì an ninh con người quyết định chứ không phải an ninh súng đạn quyết định.

Trở lại với việc giảm số lượng trường sư phạm hiện nay, theo GS việc giảm này phải thực hiện ngay hay lại phải thực hiện từ từ?

Cần tạo ra cơ chế để các trường sư phạm tự giảm. Hạn chế công văn cắt giảm ngay một cách đột ngột, phải giải bài toán này từ từ. Giảm số lượng trường sư phạm nhưng phải lấy được người giỏi thi vào sư phạm và vẫn có chính sách để thu hút thí sinh giỏi. Lúc đó, các sinh viên tốt nghiệp sư phạm là những sinh viên xuất sắc vì họ đã được đào tạo trong môi trường giáo dục chất lượng cao và tốt nghiệp của họ như là kỳ vượt vũ môn có việc làm ngay. Chứ dừng đào tạo hiện nay là nguy hiểm, lịch sử sẽ phán xét rất lớn. Đây là bài toán khó với Bộ trưởng.

Xin trân trọng cám ơn GS!

Hồng Hạnh (thực hiện)

(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)