Giáo sư Mỹ: Trường học phải công khai nói “không bạo lực”

(Dân trí) - Hàng trăm giáo viên, phụ huynh và các chuyên gia tâm lý tại TPHCM vừa tham gia vào buổi trò chuyện về bắt nạt học đường của GS.TS Jim Larson (Khoa Tâm lý học, ĐH Wisconsin - Whitewater, Mỹ).

GS Jim Larson cho hay việc bị bắt nạt học đường có thể gây tổn thương, sang chấn tâm lý rất lớn với đứa trẻ. Người lớn hãy chú ý đến dấu hiệu cảnh báo có thể một đứa trẻ đang bị bắt nạt như: quần áo hay các đồ dùng bị xé rách, hủy hoại, mất; các vết cắn hay vết bầm không giải thích được; trẻ ít bạn; thường hay viện lý do để không đi học; sa sút trong học tập; biểu hiện cảm xúc không ổn, giận dữ khi về nhà; rối loạn giấc ngủ…

GS Jim Larson trao đổi với giáo viên, phụ huynh ở TPHCM về vấn đề bắt nạt học đường
GS Jim Larson trao đổi với giáo viên, phụ huynh ở TPHCM về vấn đề bắt nạt học đường

Chưa kể, nhiều người có kỹ năng bắt nạt bí mật, nếu người lớn không để ý, gần gũi với trẻ sẽ rất khó phát hiện. Phụ huynh, giáo viên cần chú ý đến những đối tượng có nguy cơ bị bắt nạt cao (trẻ có sự khác biệt về chiều cao, cân nặng, trẻ đồng tính, nhóm thiểu số…); phương thức bắt nạt qua mạng đang có xu hướng tăng cao, nhất là với trẻ gái.

Ông Jim Larson nhấn mạnh, người lớn, cả gia đình và nhà trường cần liên tục cung cấp cho học sinh biết bắt nạt học đường là gì. Đừng nghĩ học sinh biết rồi nên không cần nói, trường học phải công khai các thông tin, kiến thức về bạo lực và thể hiện rõ việc nhà trường kiên quyết không chấp nhận việc bạo lực.

Học sinh phải được biết rằng rất nhiều người quan tâm đến việc bắt nạt học đường, biết rõ các quy định của nhà trường về vấn đề này, biết rằng bắt nạt không được phép xảy ra… Điều này sẽ tác động và điều chỉnh hành vi của các em rất nhiều.

“Trường học không thể là nơi làm đứa trẻ kinh sợ, chúng phải cảm thấy an toàn khi đến trường. Không thể để có chuyện học sinh bị bắt nạt mà các em không dám nói với người lớn”, GS Jim Larson nói.

Ngoài ra, ông Jim Larson cũng trao đổi với giáo viên, phụ huynh và các chuyên gia tâm lý những phương thức can thiệp với các bên liên quan như người bắt nạt, người bị bắt nạt, nhân chứng trong những vụ bặt nạt học đường.

Được biết, GS.TS Jim Larson là chuyên gia hàng đầu tại Hoa Kỳ trong lĩnh vực bắt nạt trong học đường và bạo lực trong thanh thiếu niên. Nhân dịp đi du dịch, ông tình nguyện đóng góp cho tổ chức Liên hiệp phát triển Tâm lý học đường Thế giới trong chiến dịch phòng chống bạo hành trẻ em tại Việt Nam. Buổi nói chuyện do Hội Tâm lý - Giáo dục TPHCM, tổ chức We Link cùng Hội quán Các bà mẹ phối hợp thực hiện.

Giáo viên mầm non học cách nói không với bạo lực

Trước đó, Trường mầm non Đức Trí, quận Tân Phú, TPHCM mời chuyên gia đến nói chuyện với giáo viên, phụ huynh về việc ngăn ngừa dùng bạo lực với con trẻ. Diễn giả Bùi Minh Tú cho rằng phụ huynh, giáo viên thường muốn điều chỉnh, thay đổi con trẻ theo cách mà mình nghĩ là tốt cho các em. Chúng ta không thừa nhận cảm xúc ở trẻ nhỏ nên dễ “nổi giận” với các em.


			Giáo viên Trường mầm non Đức Trí, Tân Phú, TPHCM tham gia chuyên đề phòng ngừa bạo lực với trẻ

Giáo viên Trường mầm non Đức Trí, Tân Phú, TPHCM tham gia chuyên đề phòng ngừa bạo lực với trẻ

Khi giáo viên đánh trẻ, việc lên án rất dễ dàng nhưng bà Tú nhấn mạnh, chính các cô cũng cần được hỗ trợ. Để nói không với bạo lực thì giáo viên cần thay đổi chính mình, phải yêu bản thân mình để truyền năng lượng, niềm tin sang cho con trẻ… chứ không phải cố gắng đi thay đổi đứa trẻ. Khi người thầy yêu bản thân mình, tôn trọng cảm xúc của trẻ thì sẽ không phải lo đi phòng chống bạo lực nữa.

Nhiều trường mầm non, tiểu học khác ở TPHCM cũng tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề cho giáo viên về vấn đề bạo lực học đường.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)