Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ:
Giáo dục đại học phải biết cách “đứng trên vai người khổng lồ”
(Dân trí) - “Qua quá trình liên kết, hợp tác với các trường đẳng cấp nhất thế giới, chúng tôi đã thu nhận được nhiều kinh nghiệm quý báu. Họ đã định hướng giúp cho chúng tôi biết cách “đứng trên vai người khổng lồ” thay vì mày mò tốn kém mà không đạt được đẳng cấp nào hết”- Đó là chia sẻ của Anh hùng lao động, NGƯT Lê Công Cơ – Hiệu trưởng trường ĐH Duy Tân.
Nhà giáo ưu tú, Anh hùng lao động Lê Công Cơ, Hiệu trưởng trường ĐH Duy Tân là người đã gần 22 năm dưới sự chèo lái của ông, ĐH Duy Tân đã nằm trong top 6 trường đại học tư nhân tốt nhất Việt Nam hiện nay. Không những thế, NGƯT là người có công trong việc nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở hợp tác chuyển giao công nghệ, chương trình đào tạo của các đại học tiên tiến trên thế giới vào môi trường giáo dục Đại học Việt Nam.
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với NGƯT Lê Công Cơ về việc phát triển một trường đại học và định hướng phát triển giáo dục Việt Nam hiện nay.
Quốc tế hóa môi trường làm việc
Được biết, ông là người có công trong việc nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở hợp tác chuyển giao công nghệ, chương trình đào tạo của các đại học tiên tiến trên thế giới vào môi trường giáo dục Đại học Việt Nam. Ông có thể chia sẻ lý do vì sao ông thực hiện việc này?
Một trong những tôn chỉ mục tiêu chiến lược mà trường Đại học Duy Tân chúng tôi luôn hướng đến là “Đào tạo chất lượng cao trên cơ sở hợp tác quốc tế”.
Ý thức được điều đó, từ năm 2008, trường đã mạnh dạn liên kết và thực hiện thành công chương trình đào tạo cử nhân đại học và cử nhân cao đẳng 3 ngành là Công nghệ Phần mềm, Hệ thống Thông tin và Kỹ thuật Mạng máy tính chuẩn CMU với Đại học Carnegie Mellon, 1 trong 4 đại học mạnh nhất về CNTT của Hoa Kỳ.
Việc hợp tác này đã tạo tiền đề cho Đại học Duy Tân tiếp tục ký hợp tác chuyển giao chương trình đào tạo ngành Quản trị Kinh doanh, Kế toán, Ngân hàng, Tài chính và Du lịch từ Đại học Bang Pennsylvania (PSU) – 1 trong 3 đại học hàng đầu thế giới về Quản trị - Du lịch cũng như 1 trong 5 đại học công lớn nhất Mỹ và Đại học Bang Califonia (CSU Fullerton và Cal Poly) – 1 trong các đại học hàng đầu về đào tạo 2 ngành Xây dựng và Kiến trúc ở bờ Tây nước Mỹ.
Không dừng lại ở việc “nhập khẩu” chương trình tiên tiến, Duy Tân còn tạo ra những bước ngoặt lớn trong tiến trình hợp tác khi đưa sinh viên du học nước ngoài và lấy bằng quốc tế. Đặc biệt, cuối năm 2014, trường Đại học Duy Tân đã tạo nên một cột mốc mới ở miền Trung khi chính thức ký kết với Đại học Upper Iowa, Mỹ, mang đến cơ hội cho sinh viên Việt Nam học tập ngay tại quê nhà để lấy bằng cấp quốc tế (bằng Mỹ). Đây cũng là một trong những bước đi quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo của trường Đại học Duy Tân.
Thông qua những hợp tác này, hàng năm chúng tôi cử trên 270 giảng viên của trường đi tập huấn tại các nước như Hoa Kỳ, Châu Á và Châu Âu để nâng cao trình độ và đổi mới phương pháp giảng dạy theo chuẩn đầu ra của các trường hợp tác quy định.
Ngoài ra, các trường đối tác nước ngoài cũng thường xuyên cử giảng viên đến Đại học Duy Tân trực tiếp giảng dạy những môn chuyên ngành và tham gia tổ chức nhiều hội thảo chuyên môn…
Qua quá trình liên kết, hợp tác với các trường đẳng cấp nhất thế giới, chúng tôi đã thu nhận được nhiều kinh nghiệm quý báu. Thứ nhất, họ đã định hướng giúp cho chúng tôi biết cách “đứng trên vai người khổng lồ” thay vì mày mò tốn kém mà không đạt được đẳng cấp nào hết.
Thứ hai, việc mời được giảng viên giỏi từ các trường đối tác đến dạy ngay tại trường giúp đội ngũ giảng viên của trường chuyên nghiệp hơn. Môi trường làm việc của nhà trường cũng dần được “quốc tế hóa”.
Thứ ba, sinh viên học các chương trình này dễ dàng tìm kiếm việc làm với mức lương cao.
Thư tư, qua chương trình hợp tác này, vị thế và uy tín của Đại học Duy Tân ngày càng được nâng cao và trường đã thu thập được nhiều kinh nghiệm cho việc tới đây tiến hành tham gia một số kiểm định quốc tế.
Giáo dục mà thiếu nhân văn thì rất nguy hiểm
Hiện nay, trường Đại học Duy Tân là trường dẫn đầu trong khối Đại học ngoài công lập của cả nước với mô hình trường đại học “Đào tạo gắn liền với Nghiên cứu trên nền nhân văn - hiện đại”, ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này?
Ở bất kỳ quốc gia nào, giáo dục mà thiếu nhân văn thì rất nguy hiểm. Phải lấy cái này làm gốc. Khi con người đứng vững trên nền tảng nhân văn thì sẽ lớn mạnh. Phải lấy nhân văn để xây dựng con người Việt Nam hiện đại. Nhân văn không chỉ con người với con người mà còn là con người với thiên nhiên, gắn gia đình, nhà trường và xã hội. Nền giáo dục hiện nay chưa chú trọng yếu tố nhân văn là rất nguy hiểm.
Đại học là một môi trường học thuật, cung cấp kiến thức, dữ liệu và khoa học sáng tạo. Giáo dục Việt Nam hiện nay nhồi nhét quá nhiều kiến thức, sinh viên học sinh thiếu tính tự học, không có kỹ năng sống, giáo dục không gắn với thực tiễn… Vấn đề làm thế nào để xây dựng một nền giáo dục kế thừa được truyền thống tinh hoa của dân tộc, đồng thời tiếp thu được văn minh nhân loại để ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam.
Được biết, vừa qua, trường đã có hơn 130 công bố quốc tế trong đó có 122 công bố thuộc ISI. Nhà trường đã đầu tư và có chính sách nào để khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu?
Trước tiên, trường thành lập Viện Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ cao và Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội để thu hút các giáo sư, tiến sĩ và các chuyên gia tốt nghiệp từ các trường đại học có uy tín trên thế giới.
Việc tiếp theo là nhà trường đề ra một số chính sách như: Chính sách về lương; Tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện và dân chủ; Hình thành các nhóm nghiên cứu trọng điểm thay vì đơn lẻ các nghiên cứu cá nhân; Giải quyết thỏa đáng một số yêu cầu mà các cán bộ nghiên cứu cần: phòng lab, đưa đi thực tập, đào tạo ở nước ngoài, bổ sung những kiến thức phục vụ cho nghiên cứu.
Ông kỳ vọng gì ở một số nhà nghiên cứu của mình?
Chúng tôi hi vọng những nhà nghiên cứu sẽ tạo ra được một môi trường đào tạo gắn với nghiên cứu đối với giảng viên và sinh viên. Đồng thời họ cũng sẽ là những chuyên gia có nhiều công bố quốc tế, tạo uy tín và đặc biệt là tạo sự gắn kết giữa trường với các đại học ở khu vực và trên thế giới.
Hiện tại, đã có một số nhà nghiên cứu của trường có số công bố ISI từ 10 bài trở lên, với Impact Factor (IF) cao, trên các tạp chí quốc tế nổi tiếng - trường kỳ vọng những cán bộ này sẽ trở thành những “đầu đàn” về nghiên cứu trong mảng ngành hẹp của họ không chỉ ở phạm vi ở Đại học Duy Tân hay miền Trung mà còn là “đầu đàn” của cả Việt Nam.
Giáo dục đại học Việt Nam nên đi theo hướng nghiên cứu ứng dụng
Là người quản lý giáo dục nhiều năm, với kinh nghiệm của mình, theo ông giáo dục đại học Việt Nam hiện nay cần đi theo hướng nào?
Như nói ở trên, Đại học Duy Tân là trường đào tạo gắn liền với nghiên cứu ứng dụng trên nền nhân văn hiện đại. Do vậy, giáo dục đại học hiện nay nên đi theo hướng nghiên cứu ứng dụng và tập trung đào tạo kỹ năng mềm, từng bước tạo ra môi trường khởi nghiệp trong giảng viên và sinh viên.
“Khởi nghiệp” tôi nói đến ở đây là theo đúng cách làm khởi nghiệp ở các trường đại học phương Tây: có các trung tâm nghiên cứu thực nghiệm ngay trong trường, có các sản phẩm khởi nghiệp được các nhà đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước đầu tư, có những rãnh sản phẩm khởi nghiệp bổ trợ cho nhau theo thế mạnh phát triển của trường,… thay vì cách làm “vườn ươm” truyền thống mà nhiều đại học khác ở Việt Nam từng triển khai nhưng chưa thật sự cho ra nhiều sản phẩm khởi nghiệp có ảnh hưởng lớn trong xã hội ta.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT vừa đưa ra lựa chọn 8 nhiệm vụ trọng tâm, có tính chất cốt lõi để triển khai trong thời gian tới, đó là: Rà soát lại mạng lưới cơ sở giáo dục trong cả nước; đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên và quản lý đào tạo đạt chuẩn; phân luồng học sinh THCS; tập trung chỉ đạo tự chủ đại học gắn với tự giải trình; nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập; đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục và đào tạo; lựa chọn một số ngành, chuyên ngành địa phương đang cần, đất nước đang cần để đào tạo trước. Theo ông, vấn đề nào ưu tiên hàng đầu? vì sao?
Trước hết, thống nhất quản lý toàn bộ các trường đại học, cao đẳng (trừ các trường thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh), không để mạng lưới chủ quản của các Bộ khác, các ngành và các tỉnh thành đơn lẻ tạo manh mún làm chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng giảm sút.
Đồng thời, phải mạnh dạn đưa tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai, áp dụng Công nghệ Thông tin tạo thành công nghệ giáo dục, đặc biệt là quốc tế hóa nền giáo dục để hội nhập khu vực và quốc tế nhằm phục vụ cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Với kinh nghiệm 22 năm lãnh đạo một trường đại học, theo ông để một trường đại học phát triển, chất lượng, uy tín trong xã hội thì người hiệu trưởng cần phải làm gì?
Nhiệm vụ đầu tiên và lớn nhất của hiệu trưởng là xác định sứ mệnh, nói rõ tầm nhìn, xây dựng những mục tiêu và đề ra những mục tiêu cụ thể, sau đó là tuyển dụng người thực sự có năng lực, xây dựng môi trường tạo nên bầu không khí thoải mái, tự do và cung cấp tài nguyên để đạt được những điều nói trên.
Hiệu trưởng là mắt xích liên kết thiết yếu giữa Hội đồng Trường/Hội đồng Quản trị với những thành tố của trường đại học mà Hội đồng Trường/Hội đồng Quản trị đại diện. Thiếu sự lãnh đạo mạnh mẽ và hiệu quả của hiệu trưởng, thì không có hệ thống quản trị đại học nào có thể phát huy hiệu quả.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Hồng Hạnh (thực hiện)