Đại học sẽ mất uy tín nếu nhận thí sinh có điểm thi quá thấp

(Dân trí) - Bộ GD&ĐT tuyên bố bỏ điểm sàn năm 2018 đối với các ngành không đào tạo giáo viên nhằm hướng đến việc các trường sẽ phải có trách nhiệm hơn với người học và xã hội. Chính vì vậy, nếu trường đại học nào nhận thí sinh có điểm thi thấp sẽ tự đánh mất uy tín của mình.


Thí sinh thường quan tâm đến thương hiệu trường mình đăng ký học

Thí sinh thường quan tâm đến thương hiệu trường mình đăng ký học

Cụ thể, tuyển sinh năm 2018, Bộ GD&ĐT cho các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn), công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.

Việc bỏ điểm sàn hầu như không tác động tới các trường công lập thuộc tốp đầu như ĐH Bách khoa, ĐH QGHN, Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Thương Mại, ĐH Y, Học viện Ngân hàng, ĐH Luật Hà Nội, Học viện Báo chí, Học viện Tài Chính… vì ngưỡng điểm sàn của các trường này hàng năm đều cao hơn điểm sàn của Bộ.

Chịu tác động mạnh nhất chủ yếu là các trường ngoài công lập và các trường tốp dưới, hay các đại học địa phương. Vậy vấn đề điểm sàn suy cho cùng là tập trung vào số những trường này, đã có nhiều phân tích đưa ra cho dù ngưỡng điểm sàn thấp thì cũng không thay đổi được cục diện tuyển sinh của những trường khó khăn bởi vì chất lượng và uy tín của những trường này chưa cao, chưa hấp dẫn người học.

Ông Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc bỏ "điểm sàn" là phù hợp với thực tế hiện nay và tăng quyền tự chủ cho các nhà trường. Thực tế, "điểm sàn" đã không còn tác dụng như trước, nhất là đối với những trường top đầu. Bên cạnh đó, việc vào đại học hiện nay cũng không còn quá khó với thí sinh, quan trọng là các em chọn trường nào và học ngành gì? Vì thế bỏ điểm sàn là phù hợp nhằm thúc đẩy các trường vận động, phát triển để "cạnh tranh", thu hút thí sinh.

Theo ông Triệu, mấy mùa tuyển sinh vừa qua, nhiều trường đại học đã lấy điểm chuẩn thấp chỉ bằng điểm sàn nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Chính vì vậy, các trường phải khẳng định thương hiệu của mình bằng chất lượng đào tạo. Khi đã có thương hiệu rồi sẽ không còn phải băn khoăn về nguồn tuyển.

Còn ông Nguyễn Xuân Nghị - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cho rằng, việc bỏ điểm sàn để các trường thể hiện trách nhiệm tự chủ của mình trong việc tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cũng là giúp các trường khẳng định uy tín với người học và xã hội.

“Nếu muốn có thương hiệu tốt thì việc xác định điểm sàn thế nào, thấp cao chính là việc bảo vệ uy tín của mình. Chính vì thế việc đưa ra một ngưỡng điểm sàn hợp lý cũng là đảm bảo chất lượng của trường” – ông Nghị nhấn mạnh.

Trao đổi với Dân trí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ yêu cầu sau khi có điểm thi, các trường phải công bố công khai điểm sàn nhận xét tuyển trước khi thí sinh thay đổi nguyện vọng và phải nhập lên cơ sở dữ liệu thi tuyển sinh để quản lý.

Trên cơ sở đó, các phương tiện truyền thông hoặc Bộ GD-DT có thể lập danh sách điểm sàn của các trường (như một cách đơn giản xếp hạng chính sách chất lượng đầu vào của trường) để công khai, minh bạch thông tin cho thí sinh có sự lựa chọn phù hợp và để các trường phải giữ uy tín, xây dựng “thương hiệu” cho mình.

”Tôi vẫn tin đa số các trường sẽ không “đánh mất mình” chỉ vì muốn nhận số thí sinh có điểm thi quá thấp” – bà Phụng cho hay.

Theo bà Phụng, chất lượng đào tạo là vấn đề quan trọng trong Nghị Quyết 29 của Đảng, không còn là vấn đề riêng của mỗi trường mà đang được nhà nước và cả xã hội quan tâm nên không thể để một số trường thản nhiên vi phạm.

Nhật Hồng