Bỏ quy định "điểm sàn" đại học: Tạo thêm quyền cho các trường
(Dân trí) - Năm 2018, Bộ GD&ĐT bỏ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với các ngành không đào tạo giáo viên. Riêng đối các ngành tuyển sinh đào tạo giáo viên ở các trình độ được quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng.
Đó là điểm lưu ý quan trọng đối với thí sinh trong Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy năm nay.
Cụ thể nội dung điều chỉnh trong quy chế như sau: Đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên như sau:
Đối với trình độ ĐH xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.
Đối với trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất (ngành cao đẳng), Sư phạm Thể dục thể thao (ngành trung cấp) xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên.
Việc Bộ GD&ĐT không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khiến cho các trường đại học được tự chủ hơn trong việc xác định điểm chuẩn đối với những thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi THPT.
Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải cho biết, việc không quy định mức điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định là tạo thêm quyền cho các trường được chủ động xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng. Các trường đại học hiện nay cũng đã đều làm rõ chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của xã hội, nên các trường cũng phải đảm bảo yêu cầu của chuẩn đầu vào.
Theo ông Chương, nếu có trường lấy đầu vào quá thấp so với mặt bằng chung của các trường thì sẽ nhận được sự đánh giá của xã hội và đương nhiên khi mà thấp quá sẽ ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đầu ra.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, cho rằng, nếu các trường đại học hạ thấp điểm chuẩn sẽ hạ thấp uy tín và thương hiệu của nhà trường, dẫn tới xã hội và thí sinh nghi ngờ về chất lượng đào tạo của trường. Do vậy, các trường cần thận trọng trong việc xác định mức điểm chuẩn xét tuyển để tránh những lệ lụy không tốt cho các đợt tuyển sinh về sau.
Theo Quy chế tuyển sinh mới, các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm, đề án tuyển sinh của các đợt phải được công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển ít nhất 10 ngày.
Trước ngày 1 của các tháng 3, tháng 5, tháng 7, tháng 8, tháng 9, tháng 11, các trường phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và danh sách thí sinh nhập học của các đợt tuyển sinh lên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Trung cấp sư phạm: Tuyển sinh như hệ cao đẳng
Quy chế mới bổ sung các quy định đối với tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên trình độ trung cấp để thay thế Thông tư số 27/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp, các điều kiện và quy trình tuyển sinh trung cấp sư phạm như tuyển sinh cao đẳng sư phạm.
Theo đó, đối với tuyển sinh trung cấp sư phạm, từ năm 2018 quy trình, điều kiện tuyển sinh trung cấp quy định như CĐ.
Các trường trung cấp, CĐ tuyển sinh theo các phương thức tự chủ theo các phương án: sử dụng kết quả THPT; xét kết quả quá trình học tập (học bạ); các trường tổ chức thi riêng hoặc kết hợp các phương thức trên.
Nhật Hồng