Chương trình GDPT tổng thể: Cần đào tạo lại đội ngũ hiệu trưởng

(Dân trí) - Đánh giá cao những điểm mới tiến bộ, khoa học của dự thảo Chương trình phổ thông tổng thể, TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống Trường Chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) nhấn mạnh, cần phải ưu tiên đào tạo lại đội ngũ hiệu trưởng, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của chương trình.


Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa

Chương trình đáp ứng mong mỏi đổi mới

Việc đầu tiên tôi phải khẳng định, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã đáp ứng được yêu cầu bức xúc từ thực tế của những người làm giáo dục như tôi - mong có sự đổi mới để giáo dục thoát khỏi việc nặng nề kiến thức, hình thành nhân cách, đào tạo con người.

Để nhận xét, góp ý về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, theo tôi phải xuất phát trên 3 quan điểm:

Thứ nhất là nắm vững quan điểm của Nghị quyết 29 - NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Nghị quyết đã mở đường cho người làm giáo dục như tôi được tiếp cận tư tưởng tiến bộ, dân chủ.

Thứ hai là những người làm giáo dục phải thay đổi, thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận, cố gắng thoát khỏi lối mòn hay những ràng buộc trước đây do hoàn cảnh chiến tranh, hoàn cảnh kinh tế. Thay đổi là yêu cầu cấp thiết và mọi sự thay đổi đều khó khăn. Điều này đòi hỏi ý chí, nỗ lực, quyết tâm thực hiện của đội ngũ giáo viên thay vì than vãn, kêu ca khó thực hiện.

Thứ ba là quan điểm thực tế. Đổi mới là một quá trình để chúng ta cùng nhau chung sức phấn đấu chứ không phải nhìn thấy kết quả ngay. Cơ sở có thấu hiểu, có quyết tâm, có thay đổi là điều kiện quan trọng để đưa chương trình áp dụng vào thực tiễn. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hay đến mấy nhưng người thực hiện vẫn giữ quan điểm của cá nhân, không nỗ lực đổi mới thì chương trình cũng thất bại.

Tránh sự cào bằng, bình quân chủ nghĩa

Cá nhân tôi đánh giá dự thảo chương trình phổ thông tổng thể trí tuệ, có tính khoa học, tính kế thừa và kiên quyết đổi mới, bám sát tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết 29 - NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện.

Nội dung chương trình có sự phân hóa, tránh được chuyện bắt buộc đối với mọi đối tượng khác nhau, cào bằng, bình quân chủ nghĩa và đã bắt đầu đi vào đào tạo nhân cách con người, phát triển năng lực.

Nếu những chương trình trước đây, học sinh học từ lớp 1 đến lớp 12 gồm số lượng môn học được thiết kế nhất định hay tất cả mọi đối tượng tiếp nhận, từ miền núi, hải đảo cho đến trung tâm những thành phố lớn cũng phải học ngần đó môn thì dự thảo chương trình mới đã đưa giáo dục thoát được khỏi tình trạng này, thể hiện qua việc đưa vào nhiều bộ môn mới, chương trình mới tạo ra sự phân hóa, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phù hợp với năng lực, tiềm năng của con người.

Bên cạnh đó, ta thấy chương trình ở 3 cấp Tiểu học, THCS, THPT đã được xây dựng khác nhau. Tiểu học cơ bản vẫn giữ nguyên nhưng chương trình đã bắt đầu thay đổi qua việc quan tâm đào tạo con người toàn diện. Ở cấp THCS đã đưa giáo dục thể chất, giáo dục âm nhạc, giáo dục nghệ thuật, công nghệ thông tin, tin học ứng dụng vào chương trình và bố trí tương đối hợp lý.

Đến cấp THPT, ban soạn thảo chương trình đưa ra hệ thống các môn bắt buộc, tự chọn bắt buộc, bắt buộc có phân hóa,… để các em lựa chọn tùy theo năng lực và sở thích của mình - đó là sự phân hóa rõ ràng. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu, so với các nước tiên tiến hiện đại, chúng ta phải phấn đấu nhiều.

Sự đổi mới này theo hướng từng bước và tôi đánh giá đó là quyết tâm thay đổi của những người soạn thảo chương trình.

Thêm một điểm nữa là chương trình THPT bắt đầu có định hướng nghề nghiệp từ lớp 11, 12. Trước giờ, 12 năm phổ thông là quá trình học sinh được đào tạo hoàn toàn là kiến thức phổ thông. Ở dự thảo, định hướng nghề nghiệp có chương trình rõ ràng và có bộ môn để hướng nghiệp.

Chương trình cũng đã đưa vào một số bộ môn xã hội cần, nhất là trong thời đại cách mạng 4.0, như đưa tin học ứng dụng là một bộ môn riêng hay giáo dục nghệ thuật, giáo dục âm nhạc cũng trở thành định hướng nghề nghiệp… Đây là những điều mới mẻ những cũng rất hay và hợp lý của dự thảo chương trình.

Học sinh phải trải nghiệm mới thấm thía thành quả

Tôi cho rằng, muốn đánh giá về sự xuất hiện của môn học trải nghiệm sáng tạo, trước hết ta phải hiểu được thế nào là trải nghiệm sáng tạo?

Trải nghiệm chính là thực hành. Con người làm gì cũng cần được trải nghiệm, qua thực tế sẽ hình thành kỹ năng chứ không chỉ là lý thuyết suông. Trải nghiệm mang đến cho con người những kỹ năng, những xúc cảm về tinh thần, những bài học kinh nghiệm.

Ví dụ như học Lịch sử, hoạt động trải nghiệm của các em chính là đi thăm quan bảo tàng, tìm hiểu về các dân tộc, các nền văn hóa khác nhau. Yêu cầu trải nghiệm phải tạo ra cái mới, cái mới ở đây là đối với học sinh. Nó mở mang kiến thức và đem đến cho các em những bài học từ chính thực tiễn cuộc sống.

Trải nghiệm sáng tạo là hoạt động cần phải có ở mỗi môn học, môn học nào không có tức là đã mất đi phần thực hành. Trải nghiệm sáng tạo với khía cạnh môn học lại là một khái niệm mới và tạo ra những hiệu quả nhất định.

Hiện nay, hệ thống trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có 2 khu trải nghiệm sáng tạo - công viên trường học ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) và Hoài Đức (Hà Nội). Với những nội dung trải nghiệm sáng tạo trong dự thảo chương trình mới này, trường sẽ xây dựng các xưởng trường, khu thể thao, tham quan, du lịch, sáng tạo tại đó để phục vụ cho môn học trải nghiệm sáng tạo.

Tôi cho rằng, học sinh phải được lao động, qua lao động các em mới nhận thức và thấm thía những thành quả lao động vất vả để có được. Từ cấp tiểu học cho đến THCS, THPT các em cần có những hoạt động trải nghiệm, lao động phù hợp với lứa tuổi của mình.

Đổi mới cần có quyết tâm

Tôi cho rằng khi có quyết tâm thay đổi, mọi khó khăn sẽ được tháo gỡ dần.

Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, miền Bắc và miền Nam Việt Nam có sự chênh lệch lớn về kinh tế, xã hội, nhiều người tự hỏi, làm sao ta có cơ hội đánh thắng đế quốc Mỹ? Nhưng cuối cùng cứ đi là đến, quyết tâm cách mạng giúp chúng ta làm được việc long trời lở đất, hoàn thành thống nhất đất nước.

Câu chuyện trên cho thấy việc tưởng chừng không thể chúng ta còn làm được nên đổi mới giáo dục dứt khoát phải làm.

Sự chuẩn bị kỹ càng về chương trình, về đội ngũ, sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các bộ, ngành, địa phương là yếu tố quyết định đối với sự thành công của chương trình.

Tôi cho rằng để thực hiện chương trình thành công, cần chú trọng vào công tác đào tạo lại đội ngũ hiện có, bao gồm cả những cán bộ quản lý lẫn các giáo viên trực tiếp đứng lớp. Đội ngũ giáo viên hiện này đã được đào tạo từ hàng chục năm trước và vẫn nặng nề về việc truyền thụ kiến thức, vì vậy, khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới vào thực tế sẽ gặp khó khăn.

Trong đó, chúng ta cần ưu tiên đào tạo cơ bản lại đội ngũ quản lý, cụ thể chính là các Hiệu trường để họ có đủ trình độ triển khai chương trình đổi mới về từng cơ sở, đến từng giáo viên đứng lớp. Điều này sẽ giảm chi phí và khối lượng công việc so với việc đào tạo lại toàn bộ đội ngũ giáo viên đứng lớp.

Hiệu trưởng là người trực tiếp tổ chức triển khai chương trình, vận dụng cơ sở vật chất hiện có, huy động xã hội hóa giáo dục. Vì vậy họ phải là người thấu hiểu và có năng lực thì mới tổ chức được đội ngũ giáo viên thực hiện thành công quá trình đổi mới.

TS Nguyễn Văn Hòa

Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống Trường Chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hà Nội