Chương trình GD phổ thông mới: Tiểu học sẽ tích hợp khá cao
(Dân trí) - Ngày 10- 12/1, Bộ GD&ĐT và Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và vận dụng vào điều kiện Việt Nam”. Theo đó, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có điều chỉnh phù hợp.
Để hiểu rõ hơn, PV Dân trí đã có trao đổi với PGS. TS Đỗ Ngọc Thống, thành viên ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới về xu hướng phân luồng và kinh nghiệm quốc tế trong việc tích hợp môn học.
Thưa ông, qua dự thảo mới lần này có thể hình dung bao quát ra sao về Chương trình giáo dục phổ thông mới trong thời gian tới?
Chương trình GDPT mới hiện đã và đang tiếp tục hoàn thiện để xin ý kiến rộng hơn trước khi Hội đồng Thẩm định Quốc gia xem xét và trình Bộ trưởng phê duyệt để làm căn cứ xây dựng chương trình các môn học. Có thể hình dung khái quát như sau: Chương trình được tổ chức theo 2 giai đoạn: giai đoạn GD cơ bản ( từ lớp 1- lớp 9) và giai đoạn GD định hướng nghề nghiệp ( lớp 10-12).
Giai đoạn GD cơ bản nhìn chung không thay đổi nhiều về số lượng môn học và thời lượng. Riêng giai đoạn định hướng nghề nghiệp: lớp 10 được coi là lớp dự hướng, HS học các môn như đang có trong chương trình hiện hành, nhưng mỗi học kỳ không học quá 8 môn.
Bắt đầu từ lớp 11 HS được tự chọn 5 môn (trong các môn: Ngữ văn 1, Ngữ văn 2, Toán 1, Toán 2, Ngoại ngữ 1, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học 1, Tin học 2, Thiết kế và công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc) với sự tư vấn, hướng dẫn của nhà trường và gia đình.
So với bản Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông mới được công bố từ tháng 8/2015, dự thảo phiên bản tháng 1/2017 có gì khác biệt hơn thưa PGS?
So với dự thảo chương trình GDPT tổng thể trước đây (năm 2015, 2016), dự thảo mới (phiên bản tháng 1/2017) khác biệt chủ yếu ở giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Cụ thể là ở cách tổ chức dạy học: lớp 10 dự hướng và từ lớp 11, HS được tự chọn 5 môn như đã nêu ở trên.
Sự thay đổi này nhằm khắc phục vấn đề khó khăn và cũng là hạn chế nhất của các lần đổi mới. Đó là vấn đề tổ chức dạy học phân hóa, phân luồng ở THPT như thế nào cho có hiệu quả và phù hợp với cá nhân người học, thực tiễn nhà trường và đáp ứng được yêu cầu mới của đất nước.
Theo tôi, các lần đổi mới từ trước tới nay chương trình cho giai đoạn GD cơ bản của VN khá ổn định, khá tốt, riêng ở THPT thì có vấn đề. Và vì thế lần này cần tìm ra giải pháp để khắc phục tình trạng đó.
Theo báo cáo của Viện KHGD, việc tích hợp các môn học đã được Viện tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, do đó việc tích hợp là hoàn toàn phù hợp. Vậy cụ thể, việc tích hợp này sẽ được tiến hành như thế nào?
Đúng là việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong đó có vấn đề tích hợp đã được đặt ra và nghiên cứu từ lâu. Các nghiên cứu của Bộ GD&ĐT, Viện KHGD Việt Nam đều khẳng định tích hợp là xu thế quốc tế, nhất là muốn đáp ứng yêu cầu dạy học theo hướng phát triển năng lực người học. Tuy nhiên việc tổ chức dạy học tích hợp như thế nào thì rất phong phú, có nhiều mức độ, hình thức khác nhau.
Có lộ trình thực hiện "một chương trình, nhiều SGK"
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, cấp THPT sẽ được coi là giai đoạn định hướng nghề nghiệp, do đó, ở giai đoạn này sẽ không có môn tích hợp và học sinh được học theo định hướng nghề nghiệp.
Đối với vấn đề biên soạn sách giáo khoa (SGK), báo cáo của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, Việt Nam có thể thực hiện chủ trương "Một chương trình nhiều sách giáo khoa". Đây cũng là phương thức đang được nhiều nước thực hiện. Tuy nhiên, cần hình dung những khó khăn có thể nảy sinh trong việc thực hiện chủ trương này. Do đó, báo cáo đề xuất trước mắt không làm ngay như các nước đã có truyền thống lâu năm về phương thức "Một chương trình, nhiều SGK" mà cần có lộ trình từng bước.
Căn cứ vào thực tiễn GD Việt Nam (trình độ xây dựng chương trình, biên soạn SGK, đào tạo giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…), chương trình mới xác định việc tích hợp sao cho phù hợp, khả thi và có hiệu quả.
Cụ thể: Ngoài việc tích hợp trong từng môn học, có các môn học tích hợp và hệ thống chủ đề liên môn. Ở Tiểu học sẽ tích hợp khá cao. Có những môn học tích hợp như: Thế giới quanh ta, Tìm hiểu Xã hội, Tìm hiểu Tự nhiên;…
Ngoài ra, ngay cả những môn học có tính độc lập cũng phải cùng thực hiện nhiều nội dung giáo dục, chẳng hạn môn Tiếng Việt cũng phải góp phần giáo dục đạo đức, giáo dục lịch sử…
Với THCS yêu cầu tích hợp thể hiện ở các môn như Khoa học tự nhiên (tích hợp một số nội dung lý, hóa, sinh); môn Lịch sử và Địa lý và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Mức độ tích hợp ở các môn học này theo hướng bên cạnh những nội dung mang tính độc lập, các môn xác định một số nội dung, chủ đề chung để tích hợp lại nhằm phát huy hiệu quả của dạy học tích hợp và tránh chồng chéo lên nhau (cùng một nội dung nhiều môn học cùng dạy).
Ngoài ra, việc tích hợp còn thể hiện ở yêu cầu tất cả các môn học đều phải hướng đến cùng một nhiệm vụ là phát triển các phẩm chất và năng lực chung đã nêu trong chương trình. Khi có chung một mục đích thì tự khắc các môn học sẽ phải “ tích hợp”, gắn bó với nhau nhiều hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mỹ Hà (thực hiện)