Bạn đọc viết:
Cần lắm cái nhìn thông cảm với giáo viên mầm non
(Dân trí) - Liên quan đến câu chuyện cô giáo trẻ viết đơn xin ra khỏi biên chế, một lần nữa chúng ta nhận ra tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc sau một thời gian đứng lớp không phải là chuyện hiếm. Bên cạnh mức lương thấp không đủ trang trải cuộc sống, có lẽ lý do lớn hơn chính là áp lực công việc.
Một người bạn của tôi là giáo viên mầm non và may mắn là đã vào biên chế với mức lương ổn định hơn so với nhiều người vẫn đang hợp đồng. Bạn kể nhiều người bạn của mình vẫn đang xin xỏ hợp đồng ở nơi này nơi nọ với đồng lương cực kỳ thấp, chẳng đủ xăng xe đi lại chứ chưa dám mơ tưởng đến việc nuôi gia đình. Sự bấp bênh của công việc như một gánh nặng đeo đẳng, chẳng biết bị “thế chân” khi nào. Thế là vừa dạy chỗ này lại nghe ngóng tin tức trường nào thiếu giáo viên, trường nào có người nghỉ hộ sản.
Trong khi các cấp học khác đều định biên số tiết lên lớp của giáo viên rõ ràng, chẳng hạn giáo viên THCS mỗi tuần dạy không quá 19 tiết thì các cô giáo mầm non chẳng tính tiết, tính giờ. Mỗi ngày bắt đầu đón trẻ từ 6 giờ rưỡi, trả trẻ sau 16 giờ, ngót nghét 10 tiếng đồng hồ làm việc. Đó là còn chưa kể nhiều phụ huynh gửi cháu khá sớm và lắm lúc dây dưa đón con đến quá 5 giờ chiều. Có hôm cháu tôi về đến nhà lúc tối muộn và thở dài kể phụ huynh quên đón con, điện thoại liên lạc không được, cô đành phải ở lại chờ cùng cháu.
Nếu còn độc thân thì những vất vả trên chẳng thấm vào đâu, chỉ khi bắt đầu làm mẹ, có con mọn mới thấm thía những khó nhọc của nghề. Hết 6 tháng nghỉ hộ sản, con còn nhỏ dại phải nhờ, gửi, năn nỉ người khác trông hộ. Còn bản thân mình phải lao vào công việc, đi sớm về muộn là chuyện thường. Chăm con, vun vén gia đình đối với nhiều cô giáo thật khó chu toàn. Đó là chưa kể khi con ốm, lúc con lười chơi, nỗi lòng canh cánh lo cho con phải gác một bên để chu toàn việc chăm và dạy mấy chục cháu ở lớp.
Chăm trẻ và dạy trẻ vất vả thế nào hẳn là mỗi người làm cha làm mẹ đều thấm thía. Chỉ một, hai đứa con đã đủ làm nhiều ông bố bà mẹ phải nhức đầu, than vãn. Hai cô mầm non thì phải “gánh” đến khoảng ba, bốn mươi cháu. Khối áp lực ấy phải nhân lên mấy chục lần: Lo cho cháu ăn, không ăn phải đút từng muỗng; dỗ cho cháu ngủ, vừa nằm nghỉ vừa phải để ý mấy cậu nhóc nghịch ngợm canh cô ngủ để chực chờ dậy phá phách; tổ chức cho cháu chơi, canh từng ly từng tý những hành động đùa giỡn quá trớn…
Trong lớp của bạn tôi có hai cậu bé hơi khác thường với những hành động mất kiểm soát. Hai cháu thường chạy nhảy, leo trèo lung tung, cào mặt bạn, phun nước miếng vào bạn. Nhiều hôm có giáo viên dự giờ tiết dạy, cô giáo đang giảng bài, cả lớp tập trung hoạt động, bỗng hai cháu ấy hét lớn lên và bắt đầu nhéo các bạn la oai oái. Cô giáo nhắc nhở thì hai cháu chẳng sợ, quát mắng, đánh đập thì không được. Vậy là chỉ còn cách hai cô giáo phải thay phiên canh chừng trong nỗi bất an.
Lo lắng bữa ăn, giấc ngủ, học hành, vui chơi cho các cháu chưa phải là tất cả gánh nặng của giáo viên mầm non. Nỗi sợ lớn nhất của các cô chính là áp lực từ phía phụ huynh. Đưa con đến lớp, giao con cho cô giáo, nhiều phụ huynh tự cho mình cái quyền xét nét, ý kiến với những lời lẽ, hành động lắm lúc vô tâm, lạnh lùng.
Con hơi ốm, phụ huynh trách cô giáo chăm cháu chẳng ra sao. Con bị trầy xước khi chơi với bạn, phụ huynh mắng khơi khơi cô giáo chẳng lo trông các cháu… Muôn vàn kiểu trách móc trước mặt, tố giác với ban giám hiệu cũng như lên mạng xã hội kể tội, bao nhiêu đó cũng đủ làm nhiều người bỗng ngán, sợ nghề giữ trẻ.
Tiếng oan đổ cho cô không phải không có. Tôi từng nhớ có một cô giáo đã từng than thở bị phụ huynh tố là “ăn bớt” sữa của cháu. Và ở trường bạn tôi thì bị tố đổi sợ dây chuyền bằng bạc của một cháu trai, từ sợi to thành sợi nhỏ hơn. Mới đi dạy có mấy năm nhưng bạn tôi đã phải vào viện nghe phụ huynh mắng mấy lần.
Những góc khuất khó nhọc của giáo viên mầm non có lẽ chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu. Khi vị thế của công việc chăm sóc, ươm mầm măng non còn bị xem nhẹ thì những áp lực vẫn còn đeo đẳng. Cần lắm những thay đổi tích cực về chính sách đãi ngộ để “giữ chân” những người lấy niềm vui chăm trẻ làm lẽ sống. Và cần nhiều hơn nữa cái nhìn cảm thông từ phía xã hội, từ phía phụ huynh dành cho những cô giáo mầm non…
Nguyễn Thùy
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!