Cần đưa ra thảo luận trước khi thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung từ năm 2017

(Dân trí) - Mặc dù chỉ mới là đề xuất, chưa phải kế hoạch triển khai thực hiện nhưng lộ trình Đề án Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008- 2020 đề ra việc thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc là ngoại ngữ thứ nhất từ năm lớp 3 đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Đa dạng hóa Ngoại ngữ

Trong lộ trình của Đề án Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, Bộ GD&ĐT kỳ vọng tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ hai. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản là ngoại ngữ thứ nhất. Trong đó, tiếng Nhật đã được thí điểm từ lớp 3 tại 5 trường ở Hà Nội và TP HCM từ năm học này.

Bắt đầu từ năm học 2017, Bộ sẽ thí điểm dạy tiếng Trung Quốc và tiếng Nga từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Ngoại ngữ thứ hai bao gồm: Tiếng Hàn, tiếng Pháp, tiếng Đức.

Ngay sau khi thông tin được đưa ra trên báo chí, một số phụ huynh học sinh đã có nhiều luồng tranh cãi.

Độc giả Nhật Trường (TP Vũng Tàu) cho hay, học ngoại ngữ là tốt. Cho phép học sinh lựa chọn nhiều ngoại ngữ càng tốt hơn, nhất là trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay. Nhất là những vùng có nhiều chuyên gia đến từ Nga như ở Vũng Tàu, nhu cầu của việc cho con học tiếng Nga là hoàn toàn có thật.

Một độc giả ở Lạng Sơn cũng cho hay, do địa phương rất gần với biên giới Việt Trung nên nhiều gia đình có nhu cầu cho con em học tiếng Trung. Tuy nhiên, ý kiến cả hai độc giả này đều quan tâm khi cho rằng, nguồn lực giáo viên hiện có đáp ứng đủ cho việc triển khai nhiều ngoại ngữ cùng lúc không?.

Theo độc giả này, hiện nhiều địa phương triển khai dạy tiếng Anh còn nhiều bất cập do thiếu giáo viên hoặc giáo viên còn chưa đạt chuẩn. Việc mở ra nhiều ngoại ngữ có gây khó khăn cho việc tìm kiếm đội ngũ giáo viên khi nhiều trường từ lâu đã bỏ tiếng Nga và giáo viên lại phải chuyển sang học tiếng Anh để hợp xu thế?

Giờ học ngoại ngữ tại một trường tiểu học ở Hà Nội (ảnh: Mỹ Hà)
Giờ học ngoại ngữ tại một trường tiểu học ở Hà Nội (ảnh: Mỹ Hà)

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh) cho biết, việc triển khai dạy tiếng Trung theo đăng kí của phụ huynh đã được địa phương này triển khai từ lâu. Còn việc dạy tiếng Nga, ông vẫn chưa nghe nói tới.

“Hiện tại, cấp tiểu học ở TP Hồ Chí Minh, ngoài tiếng Anh, các em được học cả tiếng Pháp, tiếng Trung do một số phụ huynh và kiều bào người Hoa có nhu cầu đăng kí. Và năm nay, TP Hồ Chí Minh tiếp tục dạy tiếng Nhật ở cấp tiểu học”, ông Vinh cho biết.

Nói về chủ trương có thể sẽ thí điểm dạy tiếng Nga từ lớp 3 trong thời gian tới đây, ông Vinh cho hay, mình không có bình luận gì về điều này.

Cần đưa ra thảo luận trước khi quyết định

Băn khoăn về việc triển khai thí điểm cùng lúc nhiều ngoại ngữ, bà Lê Anh Thơ, nguyên Phó Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam, cho rằng, nhu cầu ở mỗi địa phương có thể khác nhau về việc lựa chọn các ngoại ngữ khác nhau. Tuy nhiên, theo cá nhân bà, chúng ta vẫn cần nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh vì tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ toàn cầu và cần thiết nhất hiện nay.

“Các ngoại ngữ khác các em có thể chọn để học thêm nếu có nhu cầu, chứ không cần thiết phải đưa vào giảng dạy như ngoại ngữ 1. Ngoài ra, để đưa tiếng Trung, tiếng Nga vào giảng dạy chương trình chính thức, cần phải có một đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản. Liệu mình có thể làm tốt việc này khi giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn vẫn còn khá "khan hiếm"”?, bà Thơ nói.

Cần lựa chọn ngoại ngữ sao cho hữu dụng và đạt yêu cầu giảm tải (ảnh: minh họa)
Cần lựa chọn ngoại ngữ sao cho hữu dụng và đạt yêu cầu giảm tải (ảnh: minh họa)

Cũng theo phân tích của bà Thơ, để đào tạo ra một lứa giáo viên giảng dạy tiếng Nga chẳng hạn, cần ít nhất từ 4-5 năm (bao gồm luôn cả công tác chuẩn bị, tuyển sinh) nên sẽ khó khăn nếu vội vàng áp dụng. Do đó theo bà, chúng ta nên tập trung đào tạo tiếng Anh cho học sinh thật tốt ở giai đoạn này.

Trên trang cá nhân của mình, GS.TS Văn học Trần Đình Sử cũng đề nghị chủ trương thí điểm dạy tiếng Trung và tiếng Nga từ lớp 3 trong năm 2017 phải được đem thảo luận ở Quốc hội, sau đó mới thi hành bởi dạy ngoại ngữ là một vấn đề quốc sách.

Cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội) cho hay, việc học tiếng Trung là thêm/hoặc chọn một ngoại ngữ độc lập. Ngoài tiếng Anh mang tính chất phổ biến như một công cụ giao tiếp quốc tế, các ngoại ngữ khác như tiếng Nga, tiếng Trung hay tiếng Hàn, tiếng Nhật chỉ nên coi là ngoại ngữ thứ hai tự chọn, không bắt buộc.

Điều này xuất phát từ một thực tế: kiến thức ngoại ngữ phổ thông, thậm chí thêm cả 4 năm ĐH không bao giờ đủ giúp trở thành một phương tiện cho các em làm việc sau này, vậy học sinh nên được quyền lựa chọn theo sở thích, năng lực và định hướng của mình, kết hợp kiến thức học ở trường với việc tự học thêm để đáp ứng yêu cầu công việc sau này. Như vậy, yêu cầu giảm tải và tính chất hữu dụng thực tế của việc học mới có cơ trở thành hiện thực!

Được biết, việc thí điểm dạy tiếng Nga và tiếng Trung cho học sinh từ năm 2017 hiện chỉ đang là đề xuất, chưa phải kế hoạch thực hiện ngay như lộ trình của đề án đề ra ban đầu.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)