Cảm xúc trực Tết “chẳng thể quên” của SV Cảnh sát

(Dân trí) - Thay vì về quê đón Tết cùng gia đình, hai sinh viên Học viện Cảnh sát Nhân dân Trần Thị Ánh Nguyệt và Lê Anh Tuấn đã ở lại trường trực Tết. Với họ, đây là những kỉ niệm thú vị, không bao giờ quên.

Sứ mệnh nâng cao sự trưởng thành

Với Ánh Nguyệt, (hiện đang là Bí thư Chi Đoàn lớp B11, chuyên ngành cảnh sát điều tra chất lượng cao của Khóa D40), và Tuấn (học viên khóa D40), đây là lần đầu tiên ở lại trường trực Tết. Hai bạn trẻ đều trực đợt 1, thời gian từ ngày 30/1/2016 đến ngày 9/2/2016.

Cô sinh viên đến từ Thanh Hóa cho biết theo thông lệ của trường, cứ học viên năm thứ 2 thì có nhiệm vụ trực Tết Nguyên đán, những bạn xa nhà hay có hoàn cảnh khó khăn thì được nhà trường tạo điều kiện cho về bên gia đình đón Tết. Nhiệm vụ chính của Ánh Nguyệt và Tuấn là đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và an toàn tuyệt đối cho cở sở vật chất của nhà trường trong thời gian nghỉ Tết.

Ánh Nguyệt chia sẻ: “Mặc dù rất muốn về bên gia đình đón Tết nhưng mình cũng lại rất thích được biết cảm giác trực Tết xa nhà. Là con gái sẽ được ưu tiên để về nhưng mình nghĩ được ở trường trực Tết là nhiệm vụ mà trước tiên bản thân phải gương mẫu, hơn nữa đó cũng là cơ hội để bản thân trải nghiệm và làm giàu kỉ niệm về thời sinh viên”.


Nữ sinh Cảnh sát Ánh Nguyệt cũng sẽ tham gia trực tại trường dịp Tết này.

Nữ sinh Cảnh sát Ánh Nguyệt cũng sẽ tham gia trực tại trường dịp Tết này.

Theo Ánh Nguyệt, mỗi lớp sẽ nhận một chốt để trực gác. Ánh Nguyệt cùng một bạn khác trực một ca 3 tiếng/ngày. Vì lớp ít người, mà nữ lại đông nên Ánh Nguyệt vẫn trực cả những ca đêm.

“Khung giờ từ 0 – 6h sáng là khoảng thời gian mình hơi ngại, nhất là trong thời tiết buốt lạnh và mưa thế này. Tuy nhiên, thật vui khi mình luôn hoàn thành nhiệm vụ của bản thân, đảm bảo ca gác an toàn. Mỗi lần đi trực mình đều thấy tự hào, tự hào về con đường bản thân chọn, tự hào vì nhiệm vụ đang làm”, Ánh Nguyệt bày tỏ.

Ngoài việc trực là chính, Ánh Nguyệt cùng các bạn còn lao động dọn vệ sinh hàng ngày. Vì là Bí thư Chi Đoàn, Ánh Nguyệt cùng thầy cô lên kế hoạch và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, trò chơi cho khóa mình; tạo ra không khí trực tết vui tươi.

Như chia sẻ của Tuấn, các bạn ở lại trực Tết cũng tham gia rất nhiều hoạt động từ thiện: như cùng giáo viên trường Tiểu học Cổ Nhuế 2 gói 200 bánh chưng để gửi tặng các em học sinh nghèo; tặng quà cho các bệnh nhân tại Bệnh viện E, Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền BCA, Bệnh viện 198 BCA…

Nhờ Ánh Nguyệt và những đồng chí khác trong Đoàn trường, Tuấn cùng bạn bè trải nghiệm thêm những hoạt động vui chơi như thi gói bái chưng, thi đánh bóng chuyền, thi hát nhận lì xì… “Chính những điều này đã giúp mình phần nào quên đi nỗi nhớ nhà”, Tuấn nói.

Với Ánh Nguyệt, trực Tết là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. “Mình thấy đó như là một sứ mệnh của bản thân. Dường như mình đã trưởng thành, chững chạc hơn khi thực hiện nhiệm vụ này”.


Với Tuấn, đây là một dịp Tết nhiều ý nghĩa.

Với Tuấn, đây là một dịp Tết nhiều ý nghĩa.

Bạn bè được kết nối và sự ấm áp của tình người

Khác với nhịp sống thường niên của những dịp đón Tết trước, việc ở lại trực Tết ở trường đã mang lại cho những nam – nữ sinh viên trường Cảnh sát các kỉ niệm và cảm xúc khó quên.

Với Ánh Nguyệt, một kỉ niệm đầy ý nghĩa, rất đáng nhớ: “Mang lại nhiều cảm xúc nhất với mình là đêm “trông bánh chưng chờ trời sáng”. Hòa trong bài hát “Xuân này con không về”, câu chuyện cuối năm từ những người bạn đã quen, những người bạn nhờ bánh chưng mà biết đến, cũng vang lên.

Lúc đó, mọi người không còn khoảng cách, như anh em một nhà, chúng mình ca hát, trò chuyện, quây quần bên bếp lửa và cười khúc khích. Trời lạnh, gió rét nhưng bầu trời yên bình đầy những yêu thương... Ấm áp đến lạ kì!”, Ánh Nguyệt bày tỏ.

Từ nhỏ đến giờ, Ánh Nguyệt chưa bao giờ đón Tết xa nhà, vì vậy sự kiện năm nay để lại cho cô gái nhỏ nhiều nhớ thương, mong mỏi. “Thực sự, mình cũng hay chạnh lòng lúc trực đêm hoặc khi mưa phùn, lạnh giá. Mặc dù đã lên “dây cót tinh thần”, năm nay không được ở cạnh bố mẹ và các em lúc xuân về, quả thực là điều không dễ dàng với mình. Thế nên để góp mặt vào khoảnh khắc thiêng liêng ấy, mình đã viết một lá thư tưởng tượng không khí đêm 29 có mặt ở nhà”.

Ánh Nguyệt bật mí, trong thư là những cảm nhận cho thời điểm ấy, những lời chúc mừng gửi tới từng người và thêm cả chút hương vị Tết từ Hà Nội. Lá thư đó sẽ bí mật có mặt ở phòng khách lúc giao thừa giống như món quà bất ngờ.

“Chắc chắn rằng, cái Tết này của mình sẽ rất đặc biệt và đầy ý nghĩa”, cô nữ sinh năng động, xinh xắn kết lại như một lời khẳng định về ý nghĩa của hành trình trực Tết của mình.


Các học viên Cảnh sát cùng gói bánh chưng để tặng các em học sinh nghèo.

Các học viên Cảnh sát cùng gói bánh chưng để tặng các em học sinh nghèo.

Còn Tuấn, khi nhận được nhiệm vụ trực đợt 1, ban đầu có phần cảm thấy hơi buồn, nhưng được sự động viên, quan tâm của thầy cô, bạn bè, thì nỗi buồn ấy dường như mất đi, thay vào đó là cảm giác mong chờ, háo hức để bắt tay vào nhiệm vụ.

Tuấn chia sẻ: “Và đến bây giờ, quả thật mình đã có một cái Tết thật ý nghĩa! Điều để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong mình là khi cùng cô trò trường Tiểu học Cổ Nhuế 2 gói bánh chưng để tặng cho các em học sinh nghèo.

Lúc ấy, mình có cảm giác sống lại tuổi thơ khi thấy các em nhỏ tíu tít chạy quanh chỗ chúng mình ngồi gói bánh, giống như mình ngày xưa chạy nhảy xung quanh chỗ bố mẹ gói bánh vậy.

Bên cạnh đó, còn một điều mình cảm thấy xúc động, đó là dù nhỏ bé thôi, nhưng mình đang cùng mọi người sẻ chia, đồng cảm đến các em còn nhiều khó khăn, với mong muốn các em sẽ có một cái Tết ấm áp hơn”.

Vì cũng là cái Tết đầu tiên xa nhà, trong Tuấn không tránh khỏi cảm giác nhớ gia đình. Tuy nhiên, với nhiều hoạt động ý nghĩa, thú vị và lấp lánh tình người đã làm cho Tuấn cảm thấy ấm áp, gắn kết dưới mái nhà chung Học viện Cảnh sát Nhân dân.

Hoài Thư