Các nhà Toán học Việt Nam phải biết cách làm ra tiền!
(Dân trí) - PGS Phạm Toàn Thắng cho rằng, người Việt Nam cực kì giỏi Toán, các nhà Toán học trẻ của nước ta cực kì thông minh nhưng nên thay đổi: "Phải thực dụng hơn! Tức là phải biết cách làm ra tiền. Như trường hợp của Singapore, đầu ra của Toán học sẽ tạo thành quả kinh tế giúp đất nước phát triển".
Chiều 12/8, chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học gia đoạn 2010-2020 diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra Tọa đàm giao lưu "Toán học - từ những chiều ẩn giấu" với khách mời là GS. Ngô Bảo Châu, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, PGS Phan Toàn Thắng là chủ nhân của bằng sáng chế quan trọng về việc tạo ra tế bào gốc từ dây rốn, nhà sáng lập tập đoàn Cellresearch Corp, tập đoàn y sinh với gần 50 bằng sáng chế trong lĩnh vực tế bào gốc có trụ sở tại Singapore và được định giá hơn 1 tỷ đô la.
Tên gọi của tọa đàm rất đặc biệt. Không phải “Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0” cả thế giới đang nhắc đến mà là “Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 3,141592654”. Đó sẽ là cuộc cách mạng của từ Toán học, từ số Pi và Alpha…
Qua những câu chuyện, bàn luận rất thú vị, các diễn giả nhấn mạnh vai trò nền tảng của Toán học trong mọi lĩnh vực. Nếu người Việt nhanh nhạy, tức thời và có chiến lược hợp lý thì hoàn toàn có thể là quốc gia khởi phát cuộc cách mạng “có một không hai” trên thế giới – Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 3,141592654…
Không quốc gia nào mà Toán học là “môn Vua” như Việt Nam
GS Ngô Bảo Châu, Chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình, PGS Phan Toàn Thắng (người phát minh ra tế bào gốc từ dây rốn)... đều cho rằng Toán học có liên quan và ý nghĩa lớn trong nhiều vấn đề.
Ông Trương Gia Bình khẳng định, không có gì quan trọng bằng Toán. Đó là nền tảng của cuộc sống hiện tại và tương lai.
“Và tuyệt vời hơn khi không nhìn thấy ở nước nào Toán học là bộ môn "vua” như Việt Nam. Toán học có thể đưa Việt Nam đến vị trí hoàn toàn khác”, ông Bình nhấn mạnh.
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng nhìn thấy và ngưỡng mộ tiềm lực nhân sự giỏi Toán học ở Việt Nam. Ông Bình kể chuyện một tập đoàn lớn từ Hàn Quốc quy mô 60 tỷ đô la sang Việt Nam kí hợp đồng vì họ biết rằng, Việt Nam có nhiều chuyên gia về Toán. Đại diện xứ sở kim chi cũng vô cùng tò mò hỏi ông rằng, tại sao người Việt Nam lại “siêu” Toán học thế?
Đề cập đến thực tế nhiều tập đoàn ở Thung lũng Silicon (Mỹ) sẵn sàng trả lương cao gấp nhiều lần để thu hút các tiến sĩ Toán trên thế giới, diễn giả này nhấn mạnh, nguyên nhân bởi Toán học chính là công cụ nền tảng thay đổi thế giới.
Ông Trương Gia Bình Chủ tịch Tập đoàn FPT (Ảnh: Thu Hà)
“Thế giới thay đổi khủng khiếp, vượt xa sự tưởng tượng của chúng ta. Thế giới mới với những đòi hỏi mới đang xuất hiện và Toán học là chìa khóa giải quyết những thay đổi mới. Thời của các bạn trẻ đã đến, các bạn phải làm thế nào để kết nối Toán với vận mệnh của đất nước trong 10-15 năm nữa. Nếu kết nối được thì thế giới sẽ đến đây với chúng ta!”, ông Bình nhắn nhủ, thôi thúc các bạn trẻ.
Đồng quan điểm, PGS Phạm Toàn Thắng - một “người khổng lồ” kín tiếng, chủ nhân bằng sáng chế tạo tế bào gốc từ dây rốn, nhà sáng lập tập đoàn y sinh Cellresearch Corp với gần 50 bằng sáng chế trong lĩnh vực tế bào gốc có trụ sở tại Singapore (được định giá hơn 1 tỷ đô la) cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể nhìn thấy và đón đầu sự chuyển biến của thời đại để khởi nguồn Cuộc Cách mạng trên nền tảng Toán học và trở thành trung tâm về số liệu của thế giới.
Cơ hội rất lớn để Việt Nam chuyển mình
PGS Phạm Toàn Thắng chia sẻ: “Chúng ta có vị thế rất tốt và cực kì may mắn vì người Việt có khả năng hàn lâm rất cao, học các môn khoa học cơ bản giỏi. Điều này hiếm nước nào trên thế giới có được, trừ một số ít người Hoa Kiều và Vân Kiều (nhưng lượng dân của họ lại quá ít để có thể gây ảnh hưởng lớn).
Trước đây Thủ tướng đầu tiên của Singapore - Lý Quang Diệu đã sớm nhìn thấy và tìm cách “chiêu mộ” nhân tài Toán học trẻ Việt Nam sang du học rồi tìm cách giữ lại để cống hiến cho nước họ”, nhà khoa học Việt đang công tác tại Singapore nói thêm.
Nhìn về lịch sử của nước ta, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, Việt Nam cũng đã từng có một Bộ trưởng nhìn thấy rất rõ tầm quan trọng của Toán và định hướng mạnh vào phát triển Toán học. Đó là ông Tạ Quang Bửu. Hiếm có nước nào trên thế giới có một Bộ trưởng nào yêu Toán học đến mức như Bộ trưởng Tạ Quang Bửu.
Theo GS Ngô Bảo Châu, ông thấy rằng Việt Nam đã có sự đầu tư cho Toán học, chẳng hạn như chương trình trọng điểm phát triển Toán học quốc gia giai đoạn 2010-2020. Toán học Việt Nam có sự khởi sắc đáng kể trong việc dạy – học – nghiên cứu.
“Một mảng chúng ta làm tương đối tối là nghiên cứu khoa học, việc dạy – học Toán có nhiều trường lớp và thành tích học có sự cải thiện không chỉ về số lượng mà cả chất lượng. Tuy nhiên có một mảng vẫn chưa đáp ứng được mong đợi, kì vọng - đó là ứng dụng Toán học phát triển thay đổi sản xuất, tiến bộ kinh tế và những tiến bộ hàng giờ, hàng ngày càng rõ nét. Đây vừa là cơ hội rất lớn để đất nước Việt Nam có bước chuyển mình”, GS Ngô Bảo Châu nhận định.
GS Ngô Bảo Châu (ảnh: Thu Hà)
Người “đi đầu” ngành Toán học Việt Nam cho rằng, cá nhân ông cũng nhận thấy trách nhiệm rất lớn trong việc thích ứng, tổ chức nghiên cứu Toán để bắt được sự thay đổi của thế giới.
Toán học làm thay đổi mọi lĩnh vực
PGS Phạm Toàn Thắng lưu ý, trong quá trình phát triển, rất cần gắn Toán với việc tạo ra kinh tế. Ông cho rằng, người Việt Nam cực kì giỏi Toán, các nhà Toán học trẻ của nước ta cực kì thông minh nhưng nên thay đổi: Phải thực dụng hơn! Tức là phải biết cách làm ra tiền. Như trường hợp của Singapore, đầu ra của Toán học sẽ tạo thành quả kinh tế giúp đất nước phát triển.
Vị này cho rằng, một trong những giải pháp hay là “đứng trên vai người khổng lồ”, tìm những doanh nghiệp có mạng lưới quan hệ với các quốc gia trên quốc tế để bán sản phẩm của mình và thu về tiền đầu tư tái nghiên cứu. Nghiên cứu là phải tạo ra tiền!
Singapore đã lập ra tam giác: đại học - viện nghiên cứu - công ty và ngồi lại với nhau để xác định những bài toán ưu tiên rồi cùng nhau giải để tạo nên sự thay đổi thế giới. PGS Phạm Toàn Thắng cũng cho rằng, để Toán học Việt Nam là chìa khóa tạo thay đổi lớn, ngoài không gian 3 chiều đại học – viện nghiên cứu – doanh nghiệp còn cần sự hỗ trợ chính sách từ Chính phủ.
PGS Phạm Toàn Thắng: "Nghiên cứu là phải tạo ra tiền!"
Ông Trương Gia Bình dẫn chứng thêm bài học kinh nghiệm của Nhà Trắng. Chiến lược phát triển khoa học công nghệ của họ khá đơn giản. Chính quyền làm việc cùng nhà khoa học, đặt ra thứ tự ưu tiên nghiên cứu. Nhà khoa học làm xong đề án nếu được một người có tiếng nói trong ngành xác nhận thì sẽ được cấp tiền.
Theo ông Bình, bài toán để giải không chỉ là tự đề xuất mà còn là những bài toán từ thực tiễn mà các tập đoàn hàng đầu thế giới đặt ra.
“Bất cứ lĩnh vực nào bạn muốn thay đổi, tất cả đều có thể thay đổi bằng Toán học. Toán học gắn với những bài toán y học, dược phẩm, giao thông, kinh tế... Không phải là người Việt Nam thì sẽ là một dân tộc khác làm cuộc cách mạng lấy nền tảng từ Toán”, ông Bình nhận định.
GS Ngô Bảo Châu cùng các nhà khoa học cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của đam mê. Chỉ khi có tình yêu lớn dành cho Toán học, các bạn trẻ mới có thể khám phá đến tận cùng vẻ đẹp và sức mạnh của Toán trong cuộc sống.
Các diễn giả đã nhấn mạnh về cơ hội phát triển nghề nghiệp, về giá trị của nền tảng toán học trong sự phát triển đường dài của các cá nhân, xã hội, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; khích lệ và động viên thế hệ trẻ có tinh thần dám ước mơ, có hoài bão, có tư tưởng kiến tạo… Và họ sẽ là lực lượng chính cho một cuộc cách mạng “có một không hai” trên thế giới – Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 3,141592654…
Lệ Thu