Bob Kerrey làm Chủ tịch ĐH Fulbright Việt Nam: Nên khoan dung và hướng tới tương lai

(Dân trí) - Dư luận xã hội đang xôn xao, tranh luận việc cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bob Kerrey – người tham gia chiến tranh và từng liên quan đến một trong những vụ thảm sát ở xã Thạnh Phong của Bến Tre vào năm 1969 làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam.

Trong khi có nhiều ý kiến cho rằng những vết thương, những ký ức đau buồn mà binh lính Hoa Kỳ và cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bob Kerrey đã gây ra cho nhân dân Việt Nam không dễ xóa nhòa thì có nhiều ý kiến giới sử học lại ủng hộ ông Bob Kerrey giữ vị trí lãnh đạo trường.


TNS Bob Kerrey. Ảnh: AP

TNS Bob Kerrey. Ảnh: AP

Nhà Sử học Dương Trung Quốc: Nên có thái độ khoan dung

Các cuộc chiến tranh trong quá khứ đương nhiên chúng ta không thể quên vì đó là lịch sử nhưng phải nhìn mọi sự vận động trong sự phát triển của nó. Người ta hay dùng câu “thêm bạn bớt thù” và nếu chúng ta nhìn các cựu chiến binh Mỹ nói chung trong đó có ông Bob Kerrey thì chúng ta thấy điều quan trọng chính họ là người đóng góp không nhỏ vào trong quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa kỳ một cách tích cực.

Có lẽ so sánh là khập khiễng nhưng tôi thấy rằng, trong các cựu chiến binh Mỹ có thể kể ra như Ngoại trưởng Mỹ John Kerry- người từng bị thương tại chiến trường Việt Nam và Thượng nghị sĩ John McCain - người từng bị bắt làm tù binh ở Việt Nam.

Hai người này được coi là những cựu chiến binh tích cực nhất trong việc hòa giải giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thì ông Bob Kerrey - người từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam được lựa chọn làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị ĐH Fulbright cũng vậy.

Chúng ta nhìn nhận một cách khoan dung hơn bởi ít nhất người ta nhận ra cái sai và sửa chữa nó hết sức tích cực bằng việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai nước và đặc biệt là lĩnh vực giáo dục.

Tôi thấy điều đó chúng ta nên chấp nhận, còn hơn người mà ngày hôm qua tưởng là đồng minh đồng chí của mình nhưng ngày hôm nay lại thọc dao vào lưng của mình. Nhận thức của chúng ta phải thay đổi theo sự thay đổi của đất nước. Cuối cùng phải đặt lợi ích quốc gia là quan trọng.

Việt Nam là một quốc gia luôn mong muốn hòa hiếu với tất cả các nước trên thế giới. Cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam là thuộc về quá khứ, chúng ta không bao giờ quên nó nhưng cũng không nên đào sâu những mất mát, đau thương mà nhân dân hai nước đã và đang gánh chịu.

Chúng ta có thể chia sẻ với những người, những gia đình Việt Nam đã mất trong cuộc chiến tranh ấy nếu chúng ta luôn hướng tới sự hòa giải. Đối với trường hợp ông Bob Kerrey mà chúng ta không hòa giải được thì làm sao mà hòa giải được với chính những người Việt Nam ở chiến tuyến bên kia khi chúng ta đang ủng hộ chủ trương lớn.

Nếu Hoa Kỳ đã có sự lựa chọn ông Bob Kerrey là Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Đại học Fulbright tại Việt Nam thì nên có thái độ khoan dung hướng tới tương lai chứ không nên vì quá khứ ràng buộc quá nặng nề. Vấn đề là nhìn xem tiến trình thúc đẩy của sự tiến bộ, tiến trình của sự phát triển đất nước. Điều đó không có nghĩa là mình lãng quên quá khứ.

Tôi nghĩ nên tôn trọng cách đặt vấn đề của trường Đại học Fulbright và đương nhiên nếu trường Đại học Fulbright cân nhắc theo ý tưởng của họ và thay đổi là chuyện của họ mình nên hoan nghênh và cũng không nên vì đó mà đặt điều kiện.

GS.TS lịch sử Đỗ Thanh Bình, trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Chúng ta nên khép lại quá khứ

Chúng ta không quên lịch sử, không quên quá khứ nhưng chúng ta cần hướng tới tương lai. Hiện nay Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ có điểm chung là nhìn về tương lai, khép lại quá khứ.

Việt Nam có câu tục ngữ: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, khi trả lời báo chí ông Bob Kerrey đã bày tỏ sự hối hận về những sai lầm, đồng thời xin lỗi và nhận trách nhiệm về những gì đã gây ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng bày tỏ mong muốn sẽ đóng góp nhiều hơn nữa để thúc đẩy quá trình bình thường hóa và tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Thời chiến tranh đó, ông Bob Kerrey buộc phải đi lính, tội là tội chính phủ lúc bấy giờ. Chúng ta không nên xét lý lịch của ông Bob Kerrey để bảo người ta không làm. Nên đặt mình vào vị trí của ông Bob Kerrey thời chiến tranh.

Tuy nhiên, mặc dù bị ép buộc nhưng cũng là lỗi lầm một phần của ông Bob Kerrey. Cho nên chính vì vậy, sau này ông Bob Kerrey nhận ra lỗi lầm của mình, cá nhân ông ý đã sửa không chỉ bằng lời nói mà cả bằng hành động. Hơn nữa, trường Đại học ĐH Fulbright không phải là trường kinh doanh mà là trường phi lợi nhuận.

Chúng ta nên khép lại quá khứ chứ không vì chuyện trước kia mà phản ứng ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam. Ông Bob Kerrey kêu gọi đóng góp cho Việt Nam về lĩnh vực giáo dục cũng như Chính phủ Mỹ bây giờ chuộc lại lỗi lầm tham gia dọn chất độc màu da cam tại Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn báo VNN, ông Bob Kerrey cho biết: “Hành động của tôi ở Việt Nam là kinh khủng và tôi tin đã được điều tra kĩ càng. Đó không phải là Mỹ Lai. Tuy nhiên, như bộ phim tài liệu sẽ sớm được phát của Ken Burn cho thấy: Chiến thuật của chúng tôi đã khiến ít nhất một triệu người vô tội thiệt mạng.

Trong email gửi Zing lần trước, tôi đã nhắc lại lời xin lỗi nhân dân Việt Nam về những gì tôi đã làm trong chiến tranh. Nhưng một lời xin lỗi sẽ không bao giờ là đủ. Giống như một bát súp thiếu gia vị. Và vì vậy, tôi luôn cố gắng để giúp đỡ Việt Nam bất cứ khi nào có thể. Bằng cách tham gia đóng góp vào việc chấm dứt luật cấm vận với Việt Nam, bình thường hoá quan hệ, ủng hộ việc mở rộng quan hệ thương mại song phương và đặc biệt là ủng hộ việc nâng cao hệ thống giáo dục của Việt Nam thông qua Chương trình Fulbright.

Với một quá khứ như vậy, ông có nghĩ rằng nếu mình nhận một vị trí ít quan trọng hơn, thay vì đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Tín thác thì đã không gây tranh cãi đến như vậy?

Tôi không mong đợi nhưng cũng không ngạc nhiên khi quyết định này gây tranh cãi. Chắc chắn có nhiều người có khả năng hơn tôi để ngồi vào vị trí này. Và tôi sẽ vui mừng mà rút lui nếu tôi tin rằng sự có mặt của tôi đặt sự phát triển của ngôi trường này vào tình thế khó khăn.

Nhưng lựa chọn một vị trí thấp hơn rất có thể vẫn gây nên những chỉ trích như thường. Xây dựng hoà bình bao giờ cũng là điều vô cùng khó khăn bởi vì ký ức thì không bao giờ rõ ràng như cảm xúc của chúng ta. Điều này đã được mô tả rất rõ trong bài thơ “Sự cứu rỗi của thành Troy” của nhà thơ người Ai-Len Seamus Heaney, người đã trải qua những nỗi niềm cay đắng và bạo lực xuất phát từ những ký ức chiến tranh.

Hồng Hạnh