1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Báo Mỹ viết về cuộc tranh luận cựu binh Bob Kerrey làm Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam

(Dân trí) - Việc bổ nhiệm cựu Thượng nghị sỹ Bob Kerrey, một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, làm Chủ tịch Hội đồng điều hành Đại học Fulbright Việt Nam đang làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt rằng liệu ông có phù hợp cho vị trí này.


Ông Bob Kerrey. (Ảnh: Getty)

Ông Bob Kerrey. (Ảnh: Getty)

Tranh luận nổ ra gay gắt sau khi trường Đại học Fulbright Việt Nam chính thức nhận giấy phép thành lập nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi cuối tháng 5 và việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey.

New York Times dẫn lời bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) và tại Bỉ, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam, rằng người Việt Nam sẵn sàng gạt quá khứ sang một bên, nhưng quyết định bổ nhiệm ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng điều hành Đại học Fulbright Việt Nam là điều “không thể hiểu nổi”.

Thái Bảo Anh, một luật sư tại thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng đại học không phải là nơi thích hợp cho một người với những vết nhơ chiến tranh như ông Kerrey. “Đó không phải là vấn đề chiến tranh Việt Nam, không phải vấn đề khôi phục quan hệ giữa 2 dân tộc mà là vấn đề về giáo dục. Liệu các bạn có muốn gửi gắm con mình tới một trường đại học như thế không”.

Nguyễn Đức Hiển, một nhà báo tại thành phố Hồ Chí Minh, cũng lật lại một thực tế là, bản thân ông Kerrey đã giữ kín về các hành động tàn bạo của mình suốt hơn 30 năm cho đến khi truyền thông vào cuộc.

Trong chiến tranh Việt Nam, Bob Kerrey là một Đại úy hải quân và từng hạ lệnh tiến hành một trong những vụ thảm sát đẫm máu ở xã Thạnh Phong của Bến Tre vào năm 1969 khiến ít nhất 20 người dân vô tội, trong đó có ít nhất 13 phụ nữ và trẻ em thiệt mạng. Mọi việc chỉ được hé lộ sau loạt bài điều tra của New York Times và chương trình truyền hình “60 Minutes II” nổi tiếng của đài CBS vào năm 2001. New York Times cho rằng đó là một chiến dịch tàn bạo, đẫm máu.

“Sau khi đã tàn sát và nói dối, ông ấy không nên được coi là đại diện cho tri thức hay cống hiến cho giá trị Mỹ tại Việt Nam. Tôi hoan nghênh mở đại học Fulbright, nhưng nước Mỹ không thiếu người để chọn làm đại diện”, nhà báo Đức Hiển chia sẻ trên Facebook.

Trong khi đó, một số người lại ủng hộ ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng điều hành Đại học Fulbright Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Thọ, một nhà văn và cũng là một cựu chiến binh, cho rằng có sự khác nhau giữa tha thứ và lãng quên. “Nếu tôi có cơ hội gặp Bob Kerrey, tôi sẽ vẫn chào đón ông ấy. Tôi muốn tha thứ và quên đi tất cả những đau thương chiến tranh. Mọi người có thể tha thứ cho Bob Kerrey, nhưng không được phép quên tội ác sát hại những người dân vô tội. Đó là tội ác cả thế giới muôn đời lên án”.

New York Times dẫn lời ông Lương Hoài Nam, cựu Tổng giám đốc hãng hàng không Jetstar, cho biết với một tờ báo địa phương rằng, người Việt Nam có thể không ưa ông Bob Kery và đề nghị ông ấy từ chức. Tôi cũng có thể làm như vậy. Nhưng sau nửa ngày suy nghĩ, tôi quyết định chọn cách tha thứ. Tôi tha thứ cho Bob Kerrey và muốn người Việt cũng sẽ tha thứ cho ông ấy”.

Một giáo viên ngữ văn tại Hải Phòng chia sẻ: “Hãy cho ông ấy một cơ hội sửa chữa sai lầm bằng việc làm điều có ích cho người dân Việt Nam ở cương vị mới”.

Về phần mình, ông Kerrey từng thú nhận: “Đó không phải là một chiến tích. Đó là một thảm kịch mà chính tôi đã hạ lệnh. Nó ám ảnh tôi suốt 32 năm qua”. Trả lời phỏng vấn New York Times qua email, ông Kerrey cho biết ông sẵn sàng từ chức nếu cảm thấy công việc của ông làm tổn hại đến dự án hợp tác về giáo dục giữa Mỹ và Việt Nam.

“Nếu cảm thấy việc làm chủ tịch (Fulbright) khiến dự án này đứng trước rủi ro, tôi sẽ từ chức. Tôi vô cùng ngưỡng mộ người dân Việt Nam và dự định tiếp tục làm tất cả có thể để giúp họ”, ông Kerrey chia sẻ.

Ông cho biết, kể từ năm 1991, đích thân ông đã tham gia vào quá trình lập ra đại học Fulbright ở Việt Nam, trong đó có việc vận động Quốc hội phê chuẩn ngân sách và rằng việc ông được bầu làm chủ tịch Fulbright Việt Nam hy vọng sẽ giúp ngôi trường quyên góp thêm nhiều ngân sách.

Mặc dù nhận trách nhiệm vì đã hạ lệnh tiến hành vụ thảm sát ở Việt Nam, nhưng ông Kerrey khẳng định không trực tiếp tham gia vụ thảm sát.

Sau chiến tranh, Bob Kerrey là Thượng nghị sĩ Mỹ đại diện cho Nebraska (1989 - 2001) và từng tranh cử tổng thống vào năm 1992. Trong thời gian từ 2001-2010, ông làm chủ tịch một trường đại học ở New York.

Minh Phương

Theo NYTimes, BBC