Bộ Giáo dục "bác" thông tin khai tử môn Lịch sử

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, lịch sử cũng sẽ đứng độc lập như một môn tự chọn trong chương trình trung học phổ thông, dành cho những học sinh chọn thi đại học vào các khối có tuyển sinh môn Lịch sử.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, thông tin môn Lịch sử sẽ bị xóa bỏ khỏi chương trình giáo dục phổ thông mới như nhiều ý kiến phản ánh là chưa đầy đủ và chưa phản ánh đúng bản chất của việc đổi mới giáo dục lịch sử trong chương trình phổ thông. Cũng như nhiều môn học khác, việc dạy học lịch sử sẽ được tổ chức lại theo từng cấp học.

Cụ thể, ở bậc tiểu học, giống như hiện nay, kiến thức lịch sử sẽ được chuyển tải cùng một số môn học khác trong môn Tìm hiểu xã hội. Ở bậc trung học cơ sở, Lịch sử được tích hợp với Địa lý thành môn Khoa học xã hội.

Ở bậc trung học phổ thông, tiếp tục tích hợp với Lịch sử với môn Địa lý thành môn Khoa học xã hội. Ngoài ra, Lịch sử tích hợp với Giáo dục công dân và Giáo dục quốc phòng trong môn Công dân với Tổ quốc. Tuy không có hai tên gọi Quốc phòng – An Ninh (QP-AN) và Lịch sử nhưng tất cả học sinh đều phải học QP-AN theo quy định của Luật GD Quốc phòng - An ninh và tất cả học sinh THPT đều bắt buộc phải học lịch sử.

Đồng thời, tất cả học sinh còn phải bắt buộc học Lịch sử trong môn Khoa học xã hội (dành cho HS đi vào các ngành Khoa học Tự nhiên và Công nghệ - Kỹ thuật) hoặc môn Lịch sử (có yêu cầu cao hơn cả về Kiến thức lịch sử và về Khoa học lịch sử, dành cho những học sinh định hướng nghề nghiệp sẽ làm việc trực tiếp hoặc liên quan đến Khoa học lịch sử).

Thứ trưởng Hiển khẳng định: “Lịch sử không bị ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông mà được tổ chức lại và dạy học theo những cách thức mới. Thời lượng học kiến thức lịch sử sẽ nhiều hơn so với chương trình phổ thông hiện hành. Lịch sử cũng sẽ đứng độc lập như một môn tự chọn trong chương trình trung học phổ thông, dành cho những học sinh chọn thi đại học vào các khối có tuyển sinh môn Lịch sử”.


Lịch sử vẫn là môn học bắt buộc đối với học sinh.

Lịch sử vẫn là môn học bắt buộc đối với học sinh.

Giải thích về việc tích hợp các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới, PGS.TS Nguyễn Phúc Chỉnh –Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐHSP-ĐH Thái Nguyên cho biết, trước hết cần phân biệt giáo dục lịch sử với khoa học lịch sử.

Kiến thức Lịch sử có thể tích hợp trong Sinh học (ví dụ, lịch sử phát sinh và phát triển loài người); tích hợp trong Vật lý (ví dụ, lịch sử phát minh máy hơi nước) hay tích hợp trong nhiều lĩnh vực khác. Lĩnh vực giáo dục đạo đức - công dân ở cấp tiểu học là môn Giáo dục lối sống, ở cấp trung học cơ sở là môn Giáo dục công dân và ở trung học phổ thông là môn Công dân với Tổ quốc, đó là các môn học cốt lõi, bắt buộc.

Giai đoạn giáo dục cơ bản: Nội dung chủ yếu là giáo dục đạo đức, văn hoá pháp luật, giá trị sống, kỹ năng sống và thực hành tiết kiệm.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: Nội dung chủ yếu là giáo dục đạo đức, văn hóa pháp luật, giá trị sống, kỹ năng sống, những hiểu biết ban đầu về kinh tế phổ thông, về quốc phòng và an ninh (gồm những hiểu biết ban đầu về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, nghệ thuật quân sự Việt Nam, về phòng thủ dân sự, kỹ năng quân sự và nghĩa vụ quân sự của công dân).

Muốn hình thành cho học sinh những kiến thức đó, rõ ràng phải sử dụng các tấm gương quật cường của Bà Trưng, Bà Triệu và các vị anh hùng dân tộc với các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm...

Ông Chỉnh khẳng định, việc tích tích hợp giáo dục lịch sử, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục công dân hợp thành môn Công dân với Tổ quốc trong chương trình giáo dục phổ thông mới không phải là khai tử môn Lịch sử.

Trong CTGDPT mới, môn lịch sử thuộc lĩnh vực giáo dục Khoa học xã hội. Giáo dục Khoa học xã hội được thực hiện ở nhiều môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trong đó các môn học cốt lõi tiếp nối nhau là: Cuộc sống quanh ta (các lớp 1, 2, 3); Tìm hiểu Xã hội (các lớp 4, 5); Khoa học xã hội (cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông); Lịch sử, Địa lý (cấp trung học phổ thông).

Như vậy, môn Lịch sử cũng như môn Địa lý hay các môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) được học đầy đủ và theo một hệ thống hợp lý, đó là các môn khoa học. Thậm chí, nội dung các môn học đó ở THPT có thể còn sâu sắc hơn so với chương trình hiện hành, vì đó là các môn học theo định hướng nghề nghiệp.

Nhật Hồng