Bộ GD&ĐT báo cáo Quốc hội việc dự kiến đưa tiếng Nga, tiếng Trung vào dạy như ngoại ngữ 1

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phân công các thành viên chính phủ chuẩn bị một số báo cáo, nội dung phục vụ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, dự kiến khai mạc vào ngày 20/10/2016 tới.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ đánh giá về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng;

Đánh giá kết quả việc đổi mới trong các kỳ thi năm học 2015 - 2016 và dự kiến kỳ thi năm học 2016 – 2017;

Kết quả chương trình dạy học theo mô hình Việt Nam mới (VNEN) và việc dự kiến đưa các môn học ngoại ngữ (tiếng Nga, tiếng Trung…) trong các chương trình giáo dục.

Theo lộ trình thực hiện từ năm 2017, Bộ GD&ĐT thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông tiếng Nga, tiếng Trung Quốc từ lớp 3 tới lớp 12 theo Khung Năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam để làm cơ sở biên soạn, lựa chọn sách giáo khoa và học liệu phục vụ dạy và học trong trường phổ thông.

Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc đã và đang được dạy và học như ngoại ngữ thứ nhất nhiều năm nay trong trường phổ thông cấp THCS và THPT theo Chương trình hiện hành - 7 năm, từ lớp 6 THCS đến lớp 12 THPT trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Thực hiện Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo tính hài hòa giữa các ngoại ngữ thứ nhất, Đề án đã trình Bộ trưởng Kế hoạch triển khai giai đoạn 2016 -2020 trong đó có hoạt động xây dựng Chương trình môn học tiếng Nga, tiếng Trung Quốc theo Chương trình mới – 10 năm, từ lớp 3 Tiểu học đến lớp 12 THPT. Việc triển khai xây dựng chương trình này nhằm đảm bảo tính phù hợp với Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc hiện nay.

Tiếng Nga và tiếng Trung Quốc hiện đã và đang được dạy và học là ngoại ngữ thứ nhất nhiều năm nay tại một số địa phương, trường học, nhất là trong các trường THPT chuyên. Tiếng Trung Quốc đang được dạy và học ở các tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hồng Hạnh