Báo động tình trạng xuống cấp đạo đức người thầy

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra một số vụ tiêu cực liên quan đến nhân cách của nhà giáo. Nhiều bậc phụ huynh bỗng hoang mang, hình như con em mình đang được giáo dục bởi chính những người thầy bị sa sút về đạo đức? Ai sẽ là người đảm bảo an toàn cho các em?

Hình ảnh người thầy đang xấu đi

 

Trong số những câu chuyện đau lòng, có lẽ nên bắt đầu từ việc các cháu một số trường mầm non bị ăn bớt khẩu phần, bị cho ăn cơm nguội của ngày hôm trước. Có trường mầm non, cô giáo còn dùng hình thức doạ cho học sinh vào bao tải buộc lại, dán băng dính vào miệng... Đây là những việc làm phản sư phạm, vi phạm đạo đức người thầy.

 

Ở cấp học cao hơn lại xảy ra chuyện “đổi tình lấy điểm”, trò bị thầy xâm hại tình dục. Vết nhơ mà người đàn ông mang trên mình danh từ cao quý “thầy giáo” Đỗ Tư Đông ở Trường Cao đẳng PTTH TƯ1 (Hà Nam) gây ra sẽ khó mờ trong các thế hệ thầy trò của nhà trường.

 

Một số vụ tiêu cực liên quan tới đạo đức giáo viên

 

Bớt xén phần ăn của học sinh ở Trường Mầm non Chim Non (Hà Nội);

 

“Chạy trường” ở Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM);

 

“Không học mà có điểm kiểm tra môn mỹ thuật” ở lớp 8A6 Trường THCS Ngọc Lâm, Long Biên (Hà Nội);

 

Thầy giáo gạ sinh viên “đổi tình lấy điểm” ở Trường Cao đẳng PTTH TƯ1 (Hà Nam);

 

Gian lận thi tuyển công chức ở cơ quan Bộ GD&ĐT;

 

Gian lận nâng điểm thi cao học ở ĐH Huế;

 

Thầy giáo xâm hại tình dục đối với học sinh ở Trường THPT Kỹ thuật Trần Ngọc Hoằng (Cần Thơ);

 

Giám thị ép nữ sinh quan hệ tình dục tại Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng).

Gần đây nhất là vụ ông Phạm Vũ Bằng - tổ trưởng giám thị Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) - lợi dụng nhiệm vụ được giao để đe doạ, ép một nữ học sinh lớp 11 phải quan hệ tình dục. Những vụ liên quan tới hành vi xâm hại tình dục còn xảy ra ở Cần Thơ, Hải Dương, Sơn La...

 

Ngoài ra, còn rất nhiều vụ việc giáo viên tiếp tay cho gian lận thi cử, văn bằng, chứng chỉ và không ít giáo viên ngang nhiên “đạo” cả luận văn, kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên. Trên đây mới chỉ là những vụ việc được đưa lên báo chí.

 

Khi thầy trò không còn chữ “trọng”

 

Hiện việc giáo dục ở ta mới dừng ở cung cấp kiến thức, mà chưa coi trọng giáo dục thái độ, hành vi - 2 yếu tố cơ bản của giáo dục. Khi sự việc bị lôi ra ánh sáng, nhiều người muốn đi tìm nguyên nhân. Nhưng dường như chưa có câu trả lời nào thật sự đầy đủ và thoả đáng cho hiện tượng xuống cấp của một số hoạt động giáo dục cũng như sự xói mòn của truyền thống tôn sư trọng đạo.

 

Trao đổi với chúng tôi, nhiều thầy giáo - dù rất phẫn nộ với hành vi của đồng nghiệp - nhưng cũng thẳng thắn đề nghị nên nhìn từ nhiều góc độ. Có thầy giáo dạy luyện thi không dám để học sinh biết điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử, bởi chỉ một lần như thế thầy nhận được nhiều tin nhắn, thư bày tỏ tình cảm của các em nữ trong lớp. Dù sau đó, thầy vừa nghiêm khắc vừa khéo léo nhắc nhở các em về nhiệm vụ học tập cũng như kể về gia đình hạnh phúc của mình, nhưng những tin nhắn vẫn tiếp tục được gửi tới.

 

Trở lại với vụ việc ở Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng): Quá trình tìm hiểu tiếp về ông Phạm Vũ Bằng ép học sinh quan hệ tình dục, đã phát hiện những trang nhật ký điện tử (blog) của học sinh (bị ông Bằng ép quan hệ tình dục) kể những điều xấu về giáo viên. Nếu tìm hiểu qua các blog của lứa tuổi học sinh, sinh viên thì sẽ thấy đây không phải là trường hợp duy nhất học sinh nói về thầy cô bằng lời lẽ thiếu tôn trọng.

 

Từ góc độ khác, khi sự việc xảy ra, hiếm học sinh, sinh viên nào dám dũng cảm tố cáo hành vi sai trái của thầy giáo. Mọi chuyện chỉ được biết khi các em không chịu đựng được nữa, tìm đến cái chết và trước khi tự tử thì kể cho một người nào đó. Ở bậc đại học, nhiều sinh viên chọn giải pháp im lặng để an toàn, có tấm bằng ra trường.

 

Khi chữ “trọng” trong quan hệ thầy trò mất đi thì thầy khó ra thầy, trò khó ra trò!

 

Ông Vũ Xuân Huyên - nguyên giáo viên Trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định): Với những tác động từ nhiều phía của cơ chế thị trường, một số giáo viên không thường xuyên rèn luyện bản thân, dễ dàng quên đi ý thức nghề nghiệp (sư phạm) của mình, dẫn tới vi phạm đạo đức. Các nhà quản lý giáo dục cũng cần thấy trách nhiệm của mình ngay từ khi thấy những biểu hiện bất thường của cấp dưới. Nếu kỷ cương được tăng cường và mọi người quan tâm đến nhau thì ngay từ thay đổi nhỏ nhất cũng bị phát hiện, đồng thời có thể ngăn chặn kịp thời. 

 

Cô giáo Dương Thị Mai Tuyết - Trường THCS Trà Long (Quảng Trị): Những vụ việc vừa qua cho thấy lỗi hoàn toàn do những người thầy. Dù chuyên môn có giỏi mấy, nhưng không thường xuyên tu dưỡng đạo đức thì rất dễ vi phạm. Tôi cho rằng học sinh không có lỗi.

 

Bà Phạm Hoàng Lê - khu tập thể Sông Đà (Hà Nội): Con tôi đang ở độ tuổi học mầm non. Tôi thấy các cô chăm sóc các cháu rất chu đáo. Những việc đối xử thô bạo với các cháu mầm non thật đáng lên án, dù chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”.

 

Bà Nguyễn Thị Hà - khu tập thể Khương Thượng (Hà Nội): Từ khi thấy báo chí nói về các thầy lợi dụng học sinh nữ, tôi phải tâm tình nhiều hơn với con gái (đang học cấp 3) về những việc ở trường. Những việc ở các trường khác cũng tác động đến tâm lý của cháu và các bạn nhiều. Một mặt, tôi trấn an tinh thần cho cháu, rằng việc xấu chỉ là rất ít; mặt khác, tôi nghiêm khắc dạy cháu phải tôn trọng các thầy cô, không được dùng từ ngữ thiếu lễ phép khi nói về thầy cô. Giá như không có những sự việc vừa qua thì tôi sẽ yên tâm hơn mỗi khi con tôi đến trường.  

 

Theo Linh Nguyên

Lao Động