Bàn luận về đào tạo nghề cho lao động nông thôn

(Dân trí) - Ngày 19/8/2017, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và Tổng cục Dạy nghề Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã tổ chức Hội thảo “Chủ trương, chính sách, chế độ đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 – 2020”.


Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu tại hội nghị

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu tại hội nghị

Theo ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng vụ dạy nghề thường xuyên, Tổng Cục dạy nghề Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng đã được xác định trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Để thực hiện các chủ trương trên, riêng giai đoạn 2016 – 2020, đào tạo nghề cho nông thôn đã được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo QĐ số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/ 2016 của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu đào tạo nghề cho 5,5 triệu lao động nông thôn (1,4 triệu người học nghề nông nghiệp; 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp).

Trong đó, hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 3,84 triệu người và yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, sau đào tạo, ít nhất 80% số người học nghề có việc làm mới trong các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ đào tạo nghề cho một bộ phận lao động nông thôn để thực hành sản xuất nông nghiệp...

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Chính phủ đã giao cho các Bộ, Ban, Ngành tổ chức thực hiện như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố; các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp xã; các tổ chức đoàn thể, trong đó có Hội Khuyến học Việt Nam.

Phát biểu với Hội nghị, GS-TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: "Trung tâm học tập cộng đồng là một địa chỉ tin cậy, có nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thông qua các hoạt động dạy nghề, chuyển giao khoa học công nghệ, bồi dưỡng kiến thức cho lao động nông thôn.

Do đó cần đánh giá thực trạng TT HTCĐ thời gian qua, khi tổ chức đào tạo nghề có những khó khăn, thuận lợi gì, về tổ chức lớp, về bảo đảm nguồn lực, về nội dung học tập, đối tượng tham gia, về giáo viên giảng dạy, về thị trường lao động, những khó khăn về nguồn vốn, về giáo viên, nội dung học tập...Chính vì vậy, tại hội nghị này, chúng ta hãy tìm ra tiếng nói chung để tìm giải pháp, đưa đào tạo nghề cho lao động nông thôn có kết quả tốt hơn trong thời gian tới".

Bàn luận về đào tạo nghề  cho lao động nông thôn - 2

Các ý kiến của đại biểu trong Hội thảo đều cho rằng, công tác đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn hiện nay là một nhiệm vụ rất quan trọng, không những trước mắt mà cả về lâu dài.

Hơn 10 năm hoạt động, nhiệm vụ và nội dung học tập của các Trung tâm đã và đang có những điểm phù hợp với Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn như phổ biến khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, dạy các nghề phụ, sản xuất cây trồng vật nuôi theo công nghệ mới để nâng cao năng xuất lao động và chất lượng sản phẩm...

Để đảm nhiệm thêm công tác dạy nghề tại các Trung tâm HTCĐ, Nhà nước cần có các văn bản giao nhiệm vụ cho Hội Khuyến học Việt Nam là thành viên Ban chỉ đạo dạy nghề cho lao động nông thôn, làm nòng cốt phối hợp với các ban, ngành trong công tác tuyên truyền, điều tra, khảo sát, tham gia với các Trung tâm học tập cộng đồng xây dựng kế hoạch học tập.

Đặc biệt là Nhà nước phải có cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho TT HTCĐ thực hiện chức năng dạy nghề cho lao động nông thôn.

Lương Thanh Sở

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm