“Anh chị thi hay các cháu thi?”
(Dân trí) - Khi bị cản vào khu vực thi, nhiều phụ huynh thắc mắc "Bố mẹ sao không được đưa con vào?". Họ muốn vào như thể mình mới là người đi tham dự kỳ khảo sát. Đến mức, một trong những nhân viên bảo vệ kỳ khảo sát phải thốt lên: “Các cháu thi hay anh chị thi?”.
Hơn 4.000 học sinh lớp 5 ở TPHCM vừa trải qua kỳ khảo sát vào lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa để tìm một suất học ở ngôi trường danh giá. Chỉ trong khoảnh khắc đưa con đến trường tham dự khảo sát có thể thấy vô số tình huống “úm” con thái quá của phụ huynh.
Tại địa điểm thi Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1, khi các con đã đi vào phía trong, nhiều phụ huynh vẫn đứng chen nghịt cổng trường bất chấp những tiếng thông báo qua loa đề nghị lớn giải tán, nhường đường cho thí sinh đi vào. Kể cả khi bảo vệ gay gắt, nhiều ông bố, bà mẹ vẫn “cố thủ”. Có người chưa đi nổi vì thấy con thấp thoáng trong sân trường, chưa vào hẳn phòng thi.
Nhiều bà mẹ kiên quyết lập trường không rời vị trí cho hết giờ làm bài thì thôi. Bởi nhỡ con có quên gì hay thi xong chạy ra còn nhìn thấy mẹ ngay chứ không sợ cháu không biết đường nào mà tìm.
Có bà mẹ vừa đút cho con miếng xôi, đứa con há miệng rồi lắc đầu từ chối, mẹ vẫn cố kéo lại năn nỉ con… ăn thêm cho mẹ miếng nữa.
Ông bố nọ nắm chặt tay đứa con băng băng qua dòng người chen chút rồi cả hai cùng nhau lao thẳng vào phía trong trường. Bác bảo vệ í ới chạy theo kéo áo người bố lại, mời đi ra ngoài, trong này là chỗ của các con. Tranh thủ chào tạm biệt con và dùng dằng thêm một lúc, người bố mới chịu quay ra.
Một người mẹ khác cũng nhấp nhổm, tha thiết năn nỉ bảo vệ cho mình vào bên trong để đưa cháu vô phòng thi. Bác bảo vệ thở dài, nói đi nói lại số phòng có trên thẻ khảo sát của từng học sinh, các em tự biết chỗ của mình. Người mẹ vẫn không yên tâm sợ con mình đi lạc phòng. Cho đến khi biết có nhân viên của hội đồng thi hướng dẫn các cháu, chị vẫn cứ lăn tăn hỏi đi hỏi lại có thật vậy không đầy lo lắng.
Khi bị cản vào khu vực thi, nhiều phụ huynh thắc mắc "Bố mẹ sao không được đưa con vào?". Họ muốn vào như thể mình mới là người đi tham dự kỳ khảo sát. Đến mức, một trong những nhân viên bảo vệ kỳ khảo sát phải thốt lên: “Các cháu thi hay anh chị thi?”.
Nói bố mẹ đi thi cũng không sai, đến gần giờ khảo sát, nhiều phụ huynh hốt hoảng nói… mình quên xếp bút giấy cho con, có người còn cầm trên tay thẻ dự khảo sát của con chưa kịp đưa.
Lâu lâu, vài em học sinh vội vã từ trong chạy ra ngoài, có em quên giấy, có em quên bút mà nguyên nhân đều là tại mẹ quên chuẩn bị, tại mẹ giữ quên đưa. Sách vở, bút giấy phục vụ cho việc học của các em nhưng… quên mang đi là lỗi tại cha, tại mẹ.
Phía bên ngoài đường, cũng có những ông bố bà mẹ chở con đến, bắt tay con kèm lời chúc con làm bài tốt rồi phi xe đi thẳng, đứa trẻ tự tin một mình bước vào. Những có lẽ những trường hợp này không nhiều.
Cái sự làm thay, làm hộ và “úm” con quá mức của cha mẹ Việt biến con mình thành những đứa trẻ không được quyền lớn và hình thành ở các em tính ỷ lại, ngay cả những việc của mình như chuẩn bị cây bút, vở… cũng nhường hết cho bố mẹ.
Họ thiếu tin tưởng ở con, ngay cả những việc đơn giản nhất họ cũng không tin con mình có thể tự xử lý được. Trong khi họ đang ở đây với kỳ vọng con mình sẽ chiến thắng ở “đấu trường” kiến thức cực kỳ khốc liệt để tìm một suất học ở lớp 6 ở trường chuyên.
Mà để tham gia kỳ khảo sát này, yêu cầu tối thiếu là các em phải đạt điểm kiểm tra định kỳ cuối năm hai môn Tiếng Việt và Toán từ 9 điểm trở lên của năm học lớp 5. Toàn là học sinh giỏi toàn diện…
Hoài Nam