Sính mật ong rừng đừng để “tiền mất, tật mang” vì thiếu hiểu biết

(Dân trí) - Việc người tiêu dùng bỏ tiền ra mua những chai mật được quảng cáo là mật ong rừng nhưng không có nhãn mác và từ những nguồn cung cấp không có uy tín chính là tự đặt mình vào nguy cơ mất tiền oan vì mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Người Việt thường có tâm lý sính các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên hơn so với những sản phẩm tự nuôi trồng và sản xuất được. Chính vì vậy, không ít người dám chi một số tiền lớn để mua những chai mật ong rừng mà chất lượng và nguồn gốc chỉ được kiểm chứng bằng lời quảng cáo của chính người bán hàng.

Tuy nhiên sau khi phải bỏ ra số tiền nhiều gấp đôi thậm chí là gấp ba lần so với một chai mật ong thông thường, liệu người tiêu dùng có thực sự nhận được những giá trị về dinh dưỡng vượt trội mà mình mong muốn hay lại tự rước bệnh vào người?

Để cung cấp những kiến thức cơ bản cần có về mật ong, từ đó giúp người tiêu dùng có cái nhìn đúng đắn về mật ong rừng và mật ong nuôi, PV Dân trí đã có buổi trao đổi với PGS.TS.Phạm Hồng Thái- Giám đốc Trung tâm Nghiên Cứu Ong và Nuôi ong Nhiệt đới trực thuộc Học Viện Nông nghiệp Việt Nam!

PGS.TS.Phạm Hồng Thái- Trung tâm Nghiên cứu Ong và Nuôi ong Nhiệt đới
PGS.TS.Phạm Hồng Thái- Trung tâm Nghiên cứu Ong và Nuôi ong Nhiệt đới

Mật ong nuôi và mật ong rừng liệu có khác nhau?

Theo PGS.TS Phạm Hồng Thái, thành phần chính của mật ong là các loại đường mà trong đó hỗn hợp đường Fructose và Glucose chiếm tỉ lệ cao nhất (> 65%) ngoài ra còn có Maltose(khoảng 7%), Saccharose (< 5%) cùng một số hoạt chất khác nhưng có hàm lượng rất nhỏ.

Tuy nhiên vì mỗi loại hoa lại có một đặc tính riêng nên mật do ong làm ra từ các loại hoa khác nhau sẽ có sự khác biệt nhất định. Điểm khác biệt mà ta có thể dễ dàng nhận thấy nhất chính là về cảm quan bên ngoài. Chẳng hạn như mật ong nhãn sẽ có màu nâu đậm đặc trưng còn mật ong rừng hay mật ong của các cây thuộc họ hoa cúc thường có màu nhạt hơn thường là vàng óng, vàng chanh hay hổ phách.

Còn về thành phần các chất dinh dưỡng, sự thay đổi chủ yếu sẽ nằm ở tỷ lệ của hai loại đường Glucose và Fructose. “Các loại mật ong rừng thường có tỷ lệ Glucose cao hơn Fructose. Tuy nhiên tỉ lệ giữa hai loại đường này chỉ tạo ra sự khác nhau về trạng thái và độ ngọt chứ không hề ảnh hưởng tới bản chất và giá trị dinh dưỡng của mật ong.

Ngoài ra, bởi hệ thực vật trong các cánh rừng nhiệt đới ở Việt Nam rất phong phú, nên mật ong rừng là sự kết hợp của nhiều loại hoa tạo nên sự đa dạng trong thành phần các chất dinh dưỡng khác như các enzyme, vitamin, khoáng chất… Tuy nhiên các hoạt chất này lại chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong mật ong (thường dưới 3%)”, PGS.TS.Phạm Hồng Thái nói.


​Màu sắc khác nhau dễ nhận ra của mật ong nhãn và mật ong hoa cúc áo (Bidens pilosa)

​Màu sắc khác nhau dễ nhận ra của mật ong nhãn và mật ong hoa cúc áo (Bidens pilosa)

Do vậy, sự đặc biệt của mật ong rừng có chăng là nằm ở mùi vị và hương thơm khác lạ do được tổng hợp từ nhiều loài hoa đặc trưng cho từng khu rừng, từng vùng miền. Còn về thành phần dinh dưỡng, mặc dù có sự đa dạng hơn ở các hoạt chất nhưng chúng lại có hàm lượng cực kỳ nhỏ không đáng kể. PGS.TS Phạm Hồng Thái nhấn mạnh: “Mật ong rừng và mật ong nuôi có thể coi là giống nhau cơ bản về giá trị dinh dưỡng mang đến cho người sử dụng”.

Ẩn họa đằng sau những chai mật ong rừng không rõ nguồn gốc xuất xứ

Không giống như mật ong đến từ các thương hiệu uy tín trên thị trường thường có nguồn gốc từ các trang trại lớn vốn được đảm bảo về các quy trình khắt khe từ lúc nuôi ong lấy mật cho đến quá trình chế biến, những chai mật ong rừng không rõ nguồn thường được người dân mua ở các khu du lịch gần các vùng núi, vùng rừng hoặc thông qua các mối do người quen giới thiệu lại ẩn chứa rất nhiều rủi ro!

Đầu tiên phải kể đến nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, bởi bằng những thủ thuật của mình, người bán hoàn toàn có thể khiến mật ong nuôi có màu sắc và mùi vị tương tự mật ong rừng. Đó là còn chưa kể đến các loại mật giả, mật pha chế từ nước đường và hóa chất đội lốt mật ong rừng.

Bên cạnh đó các loại mật ong rừng thường được người dân chiết xuất bằng cách vắt tay trực tiếp bánh tổ để cho mật chảy ra bên ngoài mà theo PGS.TS Phạm Hồng Thái, cách làm này sẽ khiến các ấu trùng ong, phấn hoa dự trữ cùng nhiều tạp chất khác từ tổ ong và cả tay người vắt lẫn theo mật khiến mật nhanh bị chua dẫn đến hỏng sau một thời gian bảo quản. Ngoài ra nếu mật ong được khai thác trên rừng không đúng mùa vụ thì mật sẽ bị loãng dẫn đến giá trị dinh dưỡng bị giảm sút rõ rệt.

Đáng nói nhất vẫn là những loại mật ong hoang dã được khai thác từ các cánh rừng nằm gần khu công nghiệp bởi chất thải từ các nhà máy, mà nguy hiểm nhất chính là kim loại nặng rất có thể sẽ phôi nhiễm vào cây hoa mà ong lấy mật dẫn đến trong mật ong có dư lượng kim loại nặng cao. Các kim loại nặng này khi vào cơ thể sẽ không bị đào thải ra ngoài nhưng cũng không phát bệnh ngay mà tích tụ dần về lâu về dài sẽ gây nên những hậu quả khôn lường cho sức khỏe mà đặc biệt là căn bệnh ung thư.

Vì vậy, PGS.TS Phạm Hồng Thái nhấn mạnh: “Người tiêu dùng nếu muốn đồng tiền của mình được sử dụng có hiệu quả và hơn hết là bảo vệ sức khỏe cho bản thân cùng gia đình thì hãy lựa chọn các loại mật ong đến từ các thương hiệu lớn có nguồn gốc rõ ràng, được phân phối bởi các đại lý có uy tín trên thị trường”.

Bài và ảnh: Minh Nhật