Bạn đọc viết

Vụ sập giàn giáo kinh hoàng ở Formosa (Hà Tĩnh): Nếu như họ biết lắng nghe…

(Dân trí) - Đất nước hôm nay trong hòa bình xây dựng, vậy mà từng ngày, từng giờ vẫn phải chứng kiến, gánh chịu những nỗi đau mất mát lớn lao như thế. Nếu chúng ta biết lắng nghe, nếu chúng ta biết tôn trọng thì nỗi đau của nhân dân sẽ vợi bớt và niềm vui hạnh phúc sẽ đong đầy.

Vụ sập giàn giáo kinh hoàng ở Formosa (Hà Tĩnh): Nếu như họ biết lắng nghe…
Lại thêm một thảm họa kinh hoàng khi giàn giáo ở Formosa (Vũng Áng, Hà Tĩnh) bị sập tối 25-3-2015, cướp đi sinh mạng của 13 công nhân, hầu hết đang ở độ tuổi thanh xuân và hàng chục người khác bị thương nặng.

Vẫn biết tai nạn lao động là điều không thể tránh khỏi, nhưng đấy là khi con người bất khả kháng hoặc là khi nó ập xuống mà không thể lường trước được. Còn đây, thảm họa kinh hoàng xảy ra chỉ sau khi công nhân phản ánh tình trạng giàn giáo mất an toàn trước đó chừng 30 phút.

Hầu hết các công nhân bị thương đang được cấp cứu tại BVĐK Hà Tĩnh đều khẳng định giàn giáo đã bị trượt má phanh giữ trục 2 lần liên tiếp. Điều đáng nói ở đây là cả hai lần rung lắc trước khi xảy ra thảm họa, công nhân đều đã phản ánh nhưng chỉ huy công trường không cho dừng thi công mà vẫn yêu cầu mọi người tiếp tục làm việc trong khi ai nấy tinh thần đều đã rất hoảng loạn. “Anh em thực sự rất hoang mang nhưng chỉ huy vận động vào làm tiếp cho kịp kẻo trời mưa không mài được” - anh Phan Đăng Hiển một trong số những công nhân may mắn thoát chết nói.

Đã đau đến bàng hoàng khi báo chí, truyền hình đưa tin vụ tại nạn xảy ra cướp đi trong tích tắc sinh mạng của 13 con người. Nhưng trái tim của mỗi chúng ta lại càng nhói thêm hơn khi hay tin rằng tai họa đã được báo trước. Sẽ không có thảm họa nếu như… Ôi, cái “nếu như” càng nghĩ càng xót xa. Tôi tự hỏi: Sao người ta lại phớt lờ cảnh báo của công nhân, dù họ - những người chỉ huy cũng có mặt tại công trường vào lúc sinh tử đó? Họ chỉ nghĩ đến công việc “cho kịp kẻo trời mưa không mài được” mà “ép” công nhân tiếp tục thi công bất chấp nguy hiểm đang lơ lửng trên đầu ư? Nghĩ thế bỗng thấy rùng mình, tính mạng hàng chục con người trên giàn giáo mới bị coi rẻ làm sao!

Lại nhớ đến vụ chặt cây xanh Hà Nội mà dư luận vẫn chưa nguôi cơn giận, người ta cũng đã bất chấp luật pháp, phớt lờ ý kiến nhân dân (dù vẫn kiên quyết khẳng định rằng đúng chủ trương, đúng qui trình, đúng luật pháp và được dân ủng hộ?) để rồi chặt hạ không thương tiếc cây xanh trên các tuyến phố trong đó có hàng trăm cây cổ thụ đang khỏe mạnh không hề “mục gốc, thối rễ, cong queo” như họ nói khi trấn an dư luận.

Vụ sập giàn giáo kinh hoàng ở Formosa (Hà Tĩnh): Nếu như họ biết lắng nghe…

Nhiều cây xà cừ cổ thụ đã bị chặt hạ để phục vụ dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: Quang Phong)

Cả hai vụ việc gây chấn động dư luận nói trên dường như có những điểm chung. Khi người ta chỉ nghĩ đến lợi ích riêng tư, lợi ích nhóm, khi người ta coi thường dân chúng thì hệ quả thật khôn lường. Và người phải gánh chịu thiệt thòi không ai khác là đất nước, là nhân dân – những người đang gồng mình trong cuộc mưu sinh nhiều cam go, cạm bẫy.

13 nhân mạng – 13 mái đầu xanh – 13 cuộc đời mà tương lai đang còn ở phía trước. Họ đã ra đi trong tức tưởi, trong niềm đau xát muối của người thân, bạn bè, đồng loại. Bỗng nhớ câu thơ của nhà thơ Kinh Bắc Hoàng Cầm thốt lên từ trái tim rỉ máu của mình nỗi đau vô tận khi chứng kiến cảnh quê hương trong máu lửa ngút trời của chiến tranh: “Sao xót xa như rụng bàn tay”? Đất nước hôm nay trong hòa bình xây dựng, vậy mà từng ngày, từng giờ vẫn phải chứng kiến, gánh chịu những nỗi đau mất mát lớn lao như thế. Nếu chúng ta biết lắng nghe, nếu chúng ta biết tôn trọng thì nỗi đau của nhân dân sẽ vợi bớt và niềm vui hạnh phúc sẽ đong đầy.

Những dòng tâm trạng này xin là nén tâm nhang tưởng nhớ những đồng bào xấu số của tôi. Cầu cho linh hồn họ siêu thoát!

Nguyễn Duy Xuân