Ban đọc viết

Vĩnh biệt “cha đẻ của hình học siêu phi Ơclit”

Hôm nay ngày 15/2 Lễ viếng GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn chính thức được tổ chức. Trước giờ ly biệt một nhà giáo mẫu mực, một nhà toán học tài năng, một nhà quản lý tâm huyết với nền giáo dục đất nước đã về với cõi vĩnh hằng không khỏi tiếc thương.

Vĩnh biệt “cha đẻ của hình học siêu phi Ơclit” - 1

Thế hệ chúng tôi không được học thầy và cũng rất ít được gặp thầy, nhưng qua câu chuyện được nghe các thầy cô kể lại, khiến chúng tôi thật phâm phục về một con người mà nhắc đến một nhân cách lớn, một con người dành cả cuộc đời cho sự nghiệp khoa học và giáo dục, lao động bền bỉ, không mệt mỏi cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, đã tạo nên chân dung GS Nguyễn Cảnh Toàn - một trong số những nhà toán học đầu tiên của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nhà quản lý giáo dục, nhà sư phạm lớn, nhà giáo mẫu mực đầy tâm huyết.

Suốt một đời trăn trở và tận hiến cho giáo dục, ông chính là người đã đề xuất nhiều chủ trương lớn cho giáo dục Việt Nam như chủ trương đào tạo phó tiến sĩ và tiến sĩ ở trong nước, chủ trương mở lớp đào tạo từ xa để cán bộ, giáo viên có thể tự học tại nhà....

Nói đến GS Nguyễn Cảnh Toàn là nói đến những đóng góp sáng tạo được đúc kết trong các công trình khoa học tiêu biểu trong các lĩnh vực toán học và khoa học giáo dục. Ông đã từng viết 26 cuốn sách và hơn 650 bài báo về giáo dục. Những kết quả nghiên cứu được phản ánh trong các công trình thuộc lĩnh vực toán học rất sâu sắc và đạt trình độ khoa học cao, đủ để hình thành một “nhánh nghiên cứu mới”. Các quan điểm của GS Nguyễn Cảnh Toàn đều có quan hệ biện chứng xoay quanh trục “Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo” mà ông đã nêu ra từ những năm 1960 giữa lúc “dạy học truyền thụ một chiều” còn phổ biến. “Nội lực là quyết định, ngoại lực là hỗ trợ” là triết lý được ông quán triệt đến mức trở thành nhạy cảm khoa học, thành niềm tin và bản lĩnh dám chịu trách nhiệm trong việc đưa ra những chủ trương táo bạo đã gặt hái không ít thành công. Nhiều công trình của GS Nguyễn Cảnh Toàn hiện nay đang là hành trang của những người nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực tổ chức tự học; phát triển tư duy sáng tạo, biện chứng; phát triển chương trình và tổ chức đào tạo giáo viên cũng như tái cấu trúc hệ thống các trường sư phạm với tiếp cận đào tạo giáo viên phải diễn ra trong bối cảnh tác nghiệp tại nhà trường phổ thông.

Không chỉ phương pháp duy vật biện chứng được GS Nguyễn Cảnh Toàn vận dụng sáng tạo, độc đáo giữa dạy và học, giữa nghiên cứu khoa học và giáo dục… mà phương pháp đó được quán triệt xuyên suốt trong các công trình nghiên cứu lĩnh vực toán học và khoa học giáo dục. Ba cuốn sách dạy cách sáng tạo toán học tiêu biểu cho tư tưởng đó trong số hàng trăm công trình khoa học của ông là “Phương pháp luận duy vật biện chứng với việc học, dạy và nghiên cứu Toán học” dành cho học sinh phổ thông, nghiên cứu sinh, giáo viên và những người nghiên cứu lý luận dạy học nói chung và lý luận dạy học toán học nói riêng; “Tập cho học sinh giỏi toán làm quen với nghiên cứu toán học”; “74 câu chuyện học toán thông minh, sáng tạo”. Có thể coi đây là ba cuốn sách về “sáng tạo học” trong lĩnh vực toán học. Mặt khác, với quan điểm giáo viên dù dạy ở cấp nào, bộ môn nào cũng phải thực hành hoạt động nghiên cứu khoa học, ông là người tiên phong đề ra chủ trương đưa hoạt động nghiên cứu khoa học vào trường phổ thông.

Vĩnh biệt “cha đẻ của hình học siêu phi Ơclit” - 2

Ảnh: GS Nguyễn Cảnh Toàn trong buổi về thăm và làm việc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Thể dục TW số I (nay là Trường ĐH Sư phạm TDTT Hà Nội)

Đặc biệt với sự nhạy cảm khoa học GS Nguyễn Cảnh Toàn khong chỉ đã khái quát lên thành một lý thuyết bao trùm mang tên “Hình học siêu phi Ơclit”. Đó chính là “Hình học Nguyễn Cảnh Toàn”, mà ông còn phát hiện ra nhiều nội lực tiềm ẩn và các quy luật chi phối và đề xuất, chỉ đạo kiên quyết, kiên trì thực hiện nhiều chủ trương táo bạo, phản ánh tư duy chiến lược giáo dục phong phú, có nhiều điểm độc đáo mang màu sắc Việt Nam. Những cống hiến khoa học to lớn, độc đáo của GS Nguyễn Cảnh Toàn là kết quả trải nghiệm hoạt động tự học, sáng tạo, cả cuộc đời cống hiến cho khoa học với lao động miệt mài, bền bỉ cho đến tận những ngày trước khi đi về cõi vĩnh hằng.

Xin kính cẩn nghiên mình vĩnh biệt “cha đẻ của hình học siêu phi Ơclit”- một chân dung GS Nguyễn Cảnh Toàn - một trong số những nhà toán học đầu tiên của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa- nhà quản lý giáo dục- nhà sư phạm lớn- nhà giáo mẫu mực đầy tâm huyết.

Minh Tư