Vài suy nghĩ về cách xưng hô trong công sở.

Phong trào “Xây dựng cơ quan văn hoá” hiện nay đang được đẩy mạnh. Bộ văn hoá cũng đã kịp thời ban hành các tiêu chí để đánh giá cơ quan văn hoá hàng năm. Mỗi cơ quan đều xây dựng cho mình những quy tắc ứng xử, tiêu chuẩn văn hoá riêng cho đơn vị mình. Tuy nhiên, vấn đề xưng hô sao cho có văn hoá trong công sở hiện nay có lúc có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức.

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Xưng hô  trong công sở là một phần của văn hoá công sở. Muốn  làm tốt phải có những quy định, phép tắc ứng xử cho phù hợp. Chào như thế nào, xưng hô ra sao… mỗi cơ quan sẽ lựa chọn và quy định dựa trên những chuẩn mực chung về đạo đức của xã hội.

Trong công sở, mỗi công chức đều có nhiều mối quan hệ: Quan hệ giữa các đồng nghiệp cùng cơ quan với nhau, giữa công chức với khách, giữa lãnh đạo với nhân viên, giữa cấp dưới với cấp trên… Tuỳ trường hợp cụ thể mà ta có những cách xưng hô sao cho đúng chuẩn mực mà vẫn không quá suồng sã, cũng không quá xa cách. Cho dù bạn là ai trong cơ quan (bảo vệ, nhân viên, trưởng phòng hay lãnh đạo) thì vẫn là công chức nhà nước. Vậy bạn hãy để hình ảnh của cơ quan mình đọng lại trong lòng khách khi đến liên hệ công việc một ấn tượng tốt đẹp qua cách xưng hô của mình.

Thực tế, trong các cơ quan, khi xây dựng quy chế nội bộ, người ta vẫn chưa chú trọng lắm đến ngôn ngữ xưng hô. Những cách xưng hô dông dài ta có thể thấy sau đây:

Kiểu xưng hô “sếp – lính” vẫn còn. Chẳng hạn lúc không có lãnh đạo ở cơ quan, khi khách đến lien hệ  công việc thì được trả lời: “Sếp đi họp” hay “Sếp đi công tác rồi”... Khi cấp dưới gặp lãnh đạo để trình ký văn bản, giấy tờ hoặc xin ý kiến thì hồn nhiên nói: “Sếp ký giúp em tờ trình này”, “Sếp ơi! Kế hoạch tuần sau như thế nào”...

Những từ lóng “sếp”, “lính”  chỉ là cách gọi vui, ngắn gọn khi nói chuyện bình thường chứ không phải là những lời xưng hô chính thức trong giao tiếp nơi công sở. Có cấp trên còn gọi cấp dưới là “thằng A”, “con B” như cha chú gọi con cháu, rồi “mày - tao”. Cách xưng hô đó thể hiện sự thân mật, gần gũi nhưng cũng hàm chứa cả sự nhập nhằng công – tư nơi công sở.

Ngoài cách xưng hô trên, không ít các cơ quan hành chính lại có kiểu xưng hô giống như trong một gia đình. Có những người hơn tuổi được gọi là “u”, “bố già”… hay những người ít tuổi thường nhận được câu gọi “con gái” và xưng “u”…

Còn khi trả lời với người đến liên hệ công việc  không ít vị lãnh đạo cứ vô tư nói: “Mấy thằng lính chưa trình qua tôi xem.”...Có  công chức  còn  trao đổi với  nhau về khách  bằng  cách  xưng hô  rất  suồng  sã “Này, thằng A hôm qua  đến liên hệ công việc . Hình như trước đây nó làm nghiên cứu ở viện X, nay mới xin làm giảng viên của trường Y đấy…”.

Lẽ thường, trong cùng cơ quan thì theo tôn ti trật tự, dựa vào tuổi lớn, tuổi nhỏ mà gọi cô, chú, bác, anh, chị, xưng em, xưng cháu cho phải lễ (kể cả người vắng mặt). Thế nhưng, không ít người ở một số cơ quan hình như “thiếu vốn từ xưng hô”,không những gọi thằng này, con kia... mà còn gán ghép tên người với một từ “đặc trưng” nghe chối tai như A “vẩu”, B “lùn”...! Khi ai đó nhắc nhở hay phê bình thì chống chế bảo đó là cách gọi “thân mật” (?!).Nhưng khi tổ chức bình xét bầu chọn danh hiệu cơ quan văn hóa hàng năm thì không thấy ai mổ xẻ gì đến chuyện xưng hô nói trên!

Công sở là nơi thực hiện chức các năng quản lý của Nhà nước nên dù già hay trẻ đều là công chức. Việc xưng hô chú - cháu, Bác - con tuy để tỏ ra tôn trọng người lớn tuổi nhưng làm mất đi sự nghiêm túc và chừng mực nào đó hạ thấp tâm thế của người nói (cháu, em!). Việc xưng hô nơi công sở hiện nay đôi khi còn mang tính chất tùy tiện, có không ít người sử dụng những từ lóng hoặc dùng những kiểu xưng hô quen thuộc trong gia đình để giao tiếp trong công việc.

Có thể nói, trong các mối quan hệ đều có thứ bậc để xưng hô, giao tiếp. Mối quan hệ tại công sở đều gắn liền với chức vụ, thứ bậc do sự phân công của xã hội với những chế định chặt chẽ của luật pháp. Chính vì vậy tại công sở cũng đòi hỏi phải có lối xưng hô phù hợp với chức vụ, quyền hạn được giao của mỗi người. Không nên để các lối xưng hô theo kiểu nói chuyện bình thường ngoài xã hội hay kiểu xưng hô gia đình vào trong xưng hô giao tiếp ở nơi công sở. Chính vì vậy trong công tác cải cách hành chính đòi hỏi phải chấn chỉnh ngay các kiểu xưng hô không phù hợp theo quy định nhằm tránh tình trạng xuề xòa theo kiểu gia đình ở nơi công sở.  Đó cũng là một nét văn hóa – văn hóa công sở. Cũng có người cho rằng: Trong công sở hay trong giao tiếp, ngoại trừ có quan hệ họ hàng, còn lại cứ làm như ông bà dạy: đáng anh chị thì gọi anh chị, đáng cô chú thì gọi cô chú. Cũng tùy hoàn cảnh giao tiếp mà xưng hô. Trong các buổi lễ trang trọng, nghi lễ, khi lên diễn đàn, phải gọi ông, bà, xưng tôi. Trong phiên họp Đảng thì gọi đồng chí, xưng tôi...Khi đi tham quan, ăn uống, giải trí...thì có thể xưng hô khác, thân mật hơn. Xưng hô cũng thể hiện một phần bản chất của người đó. Đáng buồn là có người gặp cấp trên thì chú chú cháu cháu, xum xoe nịnh bợ; gặp cấp dưới thì mày mày tao tao, tỏ vẻ ta đây. Lại có người gặp bất cứ ai cũng xưng em ngọt xớt nghe mà chướng tai.

Trong các nhà trường: Bậc mầm non nên xưng “cô – con” xuất phát từ trách nhiệm. Vì giáo viên Mầm non đến trường cùng một lúc làm 3 nhiệm vụ: dạy dỗ, chăm sóc và nuôi dưỡng. Cái tình cảm lớn lao ấy xuất phát từ trách nhiệm, từ công việc. Ở bậc tiểu học trở lên: học trò nên gọi “Thầy”, “Cô”  xưng “Em”  là cách gọi thể hiện quan hệ giữa thế hệ đi trước - người đang gánh trách nhiệm hướng dẫn, giảng dạy, đào tạo - với thế hệ sau. Nếu là sinh viên, thầy cô có thể gọi “các anh chị” xưng “tôi”.

Khi giao tiếp với nhau, đáng buồn là nhiều thầy cô giáo cũng “Tao” – “Mày”. Cách gọi này tuy biểu hiện sắc thái thân thiện, gần gũi, cởi mở nhưng lại thiếu sự trang trọng, lịch thiệp, một biểu hiện nét đẹp văn hóa giao tiếp của người Việt, một yếu tố rất cần thiết trong nhà trường chúng ta. Thiết nghĩ đã là giáo viên cần gọi nhau là “thầy A, cô B” và xưng “tôi”, hoặc “anh/chị - em” khi tuổi tác có sự chênh lệch. Lúc giới thiệu thì dùng “Thầy / cô” kèm tên và chức danh. Trong các quyết định thì không nhất thiết phải gọi Ông/bà mà có thể là thầy/cô vừa trân trọng, vừa gần gũi, phù hợp.

Để thể hiện sự kính trọng thầy, cô - người đã có công dạy bảo con cái chúng ta nên người, PHHS cũng nên gọi thầy/cô như con em mình. Còn thầy/ cô gọi  PHHS là ông, bà, anh chị… tùy theo tuổi tác. Với học trò:trong cùng một cấp có nhiều lớp được quy định theo lứa tuổi; học sinh đến trường nếu lớp lớn hơn thì gọi anh/ chị; nếu cùng khối lớp là bạn/ mình/ hoặc gọi tên; nếu lớp nhỏ hơn gọi bằng em.

Xưng hô trong công sở là một nét văn hoá công sở. Dù cơ quan đó là trường học, doanh  nghiệp hay cơ quan hành chính, cách xưng hô cũng phải làm sao vừa lịch sự dễ nghe lại vẫn trân trọng mà có văn hoá. Mỗi cơ quan lại có những đặc trưng riêng theo ngành (quân đội, công an, giáo dục…). Nên chăng, các cơ quan cần đưa vấn đề xưng hô trong công sở vào quy chế nội bộ và thông qua trong Hội nghị Cán bộ công chức đầu năm để mọi người cùng thực hiện. Có như thế, việc xây dựng cơ quan văn hoá mới ngày càng phát huy hiệu quả.

Diễm Nguyệt