Rất nghiêm trọng nhưng cần hết sức bình tĩnh
Chỉ có là người trong cuộc, luôn gắn liền với thập tử nhất sinh của người bệnh như GS Nguyễn Anh Trí mới thấu hiểu, thông cảm với đồng nghiệp trong vụ 7 bệnh nhân bị chết như thế này. Không chỉ vậy, thông điệp của GS Trí đưa ra còn muốn mong dư luận, đặc biệt là công luận cần hết sức bình tĩnh nếu muốn “phán xét” các bác sĩ.
Cả 18 người đang chạy thận ở 3 buồng khác nhau đều có hiện tượng ngứa ngáy, buồn nôn, tiêu chảy, tăng huyết áp, khó thở, trong đó có tới 7 người thiệt mạng ở BV Đa khoa Hòa Bình thực sự gây sốc cho dư luận.
Mặt khác, vụ việc diễn biến quá nhanh, dù rằng, đây là khoa có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chạy thận nhân tạo. Chỉ sau 45 phút vào chạy thận, các bệnh nhân đã có các triệu chứng trên. Ngay lập tức, khoa cho dừng chạy thận, toàn bộ bác sĩ hồi sức tích cực được huy động cấp cứu các nạn nhân. Hơn 100 y bác sĩ vừa khám, phân loại bệnh nhân, tập trung cấp cứu ca nặng. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của đội ngũ y tế gần như vô vọng khi từng người lần lượt tử vong, trong đó có người đã chạy thận đến 10 năm. Được thông báo có tai biến nghiêm trọng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương một mặt huy động lực lượng cứu chữa người bệnh, mặt khác báo cáo Bộ Y tế và xin chi viện từ Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Ê kíp đầu tiên của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp tốc lên đường đến Bệnh viện tỉnh Hòa Bình lúc 14h cùng ngày.
Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, nhưng dư luận hoàn toàn đồng tình với ý kiến của GS. TS Y khoa, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương Nguyễn Anh Trí thiết tha: "Sự cố là có thật nhưng chúng ta không nên hoang mang, các cán bộ y tế càng không nên và không được phép hoang mang. Bởi nếu vậy sẽ không thể làm việc. Tôi mong dư luận, cộng đồng hiểu về vấn đề đó, hết sức bình tĩnh". Chỉ có là người trong cuộc, luôn gắn liền với thập tử nhất sinh của người bệnh như GS Trí mới thấu hiểu, thông cảm với đồng nghiệp những lúc như thế này. Không chỉ vậy, thông điệp của GS Trí đưa ra còn muốn mong dư luận, đặc biệt là công luận cần hết sức bình tĩnh nếu muốn “phán xét” các bác sĩ.
Trong vụ việc này, đúng là rất nghiêm trọng, nhưng công luận vẫn rất bình tĩnh, chỉ đưa ra ý kiến của các chuyên gia đầu ngành như GS. TS Nguyễn Anh Trí, GS Nguyễn Văn Khôi – người từng gần 30 năm ở cương vị Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai. Các GS này đưa những phân tích khoa học để dư luận hiểu hơn về một chuyên khoa sâu: Chạy thận nhân tạo. GS Khôi cho chúng ta biết, chạy thận nhân tạo có 4 bước, trong đó, đường máu và đường dịch được tách riêng. Cả hai GS đều có nhận định: Vụ việc này có thể nói chưa từng xảy ra ở Việt Nam. Nhưng, GS Trí cũng bày tỏ: "Tôi mong dư luận, cộng đồng hiểu về vấn đề đó, hết sức bình tĩnh". Đây là tiếng nói rất cần thiết trong lúc này.
Cũng cần phải nói, Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai và các chuyên gia đầu ngành đã vào cuộc kịp thời, có thể nói, đến nay, những người còn lại đã được bảo toàn tính mạng. Tuy nhiên, dù bất kể nguyên nhân gì đi nữa, để xảy ra sự việc nghiêm trọng này thì trách nhiệm đầu tiên phải là người đứng đầu - đó là giám đốc bệnh viện. Nhưng trong vụ việc này, điều đáng nói là, Giám đốc Trương Quý Dương đã không tìm cách giấu diếm vụ việc mà báo cáo kịp thời với Bộ Y tế, cầu viện Bệnh viện Bạch Mai và xin ý kiến các chuyên gia. Đồng thời, các chuyên gia, các bác sĩ của các bệnh viện đầu ngành này đã rất nhanh chóng lên bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cấp cứu tại chỗ, nhờ vậy tai nạn nghề nghiệp này đã giảm tổn thất nặng nề hơn nữa. Mặt khác, Giám đốc bệnh viện, ông Trương Quý Dương cũng đã nhận khuyết điểm hết về mình, mà không đổ lỗi cho cấp dưới, đó cũng là điều đáng ghi nhận.
Nhưng nói gì thì nói, đây là bài học quá đắt giá.
Vương Hà