Bạn đọc viết
“Nhà báo không thẻ”- họ là ai?
Góp phần vào sự thành công của báo chí hôm nay, bên cạnh đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp còn có lực lượng cộng tác viên và quần chúng nhân dân, được gọi bằng cái tên trìu mến: “Nhà báo không thẻ”.
Từ cộng tác viên báo chí…
Ở mỗi tờ báo, tạp chí, bên cạnh đội ngũ phóng viên - biên tập viên, còn có một lực lượng không nhỏ, đó là cộng tác viên. Những người này không hề qua trường lớp đào tạo báo chí, họ làm những công việc đời thường không liên quan đến báo chí nhưng thường xuyên đưa tin, viết bài cho báo. Những tin bài ấy phản ánh trung thực tình hình diễn ra ở địa phương, cơ sở, nhân lên những tấm gương bình dị trong cuộc sống cũng như phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội. Cũng đôi khi từ những tin bài như thế, các phóng viên có thể lần ra một đầu mối của những vụ việc tiêu cực. Những cộng tác viên ấy được gọi là “cánh tay nối dài của báo chí” – một cách gọi rất trìu mến thân thiện. Đội ngũ cộng tác viên rất đông đảo, họ làm việc ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống và viết báo chỉ do lòng nhiệt tình. Họ có thể viết gửi bài, cũng có thể đưa tin về các hoạt động tuyến cơ sở. Tuy họ không được đào tạo nên cách viết còn chưa chuyên nghiệp, thiếu chiều sâu, nhưng bù lại, họ nhiệt tình và vì là người trong cuộc nên có những thông tin chi tiết, phản ánh kịp thời. Họ cầm bút và gửi gắm trách nhiệm lương tâm của mình qua từng trang viết, không phải vì tiền (vì nhuận bút của bài CTV không lớn) mà chỉ là được trải lòng mình, thể hiện niềm đam mê, được thử sức và khẳng định mình hơn. Họ cũng tự hào vì đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp báo chí hôm nay. Có thể kể đến những cộng tác viên như Đại úy Nguyễn Hữu Bình – công tác ở Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Cà Mau đã có thời gian gắn bó với công việc làm báo không chuyên gần 20 năm qua. Hay như Thiếu úy Trần Văn Trường – công tác ở Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Bến Tre, mỗi buổi sáng sớm, tranh thủ xuống các đơn vị để ghi lại những hình ảnh học tập, công tác của cán bộ, chiến sĩ và phỏng vấn, thu thập tư liệu viết tin, bài…và biết bao CTV khác nữa ở rất nhiều tờ báo trên khắp đất nước.
…Đến những quần chúng tốt
Cũng có nhiều người, do nghiệp vụ viết lách hạn chế mà không thể là cộng tác viên, thì họ cũng là những quần chúng tốt khi cung cấp thông tin cho báo chí. Cũng dễ hiểu vì họ ở gần, hiểu biết rõ hơn cả về sự việc xảy ra nơi mình sinh sống. Nhưng không phải ai cũng dám cung cấp sự thật cho nhà báo, bởi đi liền với việc cung cấp thông tin cho báo chí là nguy hiểm rình rập gia đình họ. Họ sẽ bị trù dập, bị đe doạ, thậm chí bị hành hung. Nhưng vì cái tâm muốn cho sự việc tiêu cực được đưa ra ánh sáng nên họ vẫn làm. Biết mà không nói là có lỗi - đó là suy nghĩ của những con người dũng cảm ấy. Khi một sự việc xảy ra, nhà báo là người có mặt sau họ. Mặc dù có nghiệp vụ báo chí, biết cách khai thác thông tin, nhưng nếu không có những người dân mạnh dạn cung cấp chứng cớ thì liệu nhà báo có thể đưa tin một cách nhanh chóng chính xác hay không? Họ là những người bình dị trong cuộc sống đời thường: có thể là người công nhân, giáo viên, nông dân hay một em nhỏ, việc cung cấp thông tin chính xác kịp thời cho cơ quan báo chí của họ là một hành động đáng được ghi nhận biểu dương.
Chúng ta hẳn không quên trường hợp ông Nông Văn Thanh - dân tộc Nùng - ở xã Tân Văn huyện Lâm Hà, Lâm Đồng bị đánh ngày 22/3/2013 tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) khi nhặt được ví rơi đem trả người mất. Sự việc chỉ được làm sáng tỏ, ông Thanh được minh oan khi chị Nguyễn Thị Vân báo tin cho đường dây nóng của báo Tuổi trẻ... Rồi những vụ bạo hành gia đình, bạo hành trẻ em như vụ việc của cháu Hào Anh bị vợ chồng Thơm – Giang là chủ trại tôm giống Minh Đức (huyện Đầm Dơi - Cà Mau) ngược đãi hồi tháng 5/2010 cũng là do ban đầu nhân dân cung cấp thông tin, các phóng viên mới lần ra manh mối sự thật. Và biết bao vụ việc chống tham nhũng, bên cạnh cơ quan báo chí còn có lực lượng quần chúng cung cấp thông tin chính xác kịp thời…
Cần sự tôn vinh xứng đáng
Hàng năm, các tờ báo, tạp chí đều có Hội nghị Cộng tác viên để tôn vinh những người làm báo không chuyên, đồng thời trang bị cho họ những kiến thức tối thiểu để đưa tin, viết bài phản ánh tại cơ sở. Trong thực tế cũng có không ít cây bút đã trưởng thành từ một CTV.
Tuy nhiên, những CTV cũng cần được ghi nhận bằng những tấm bằng khen, tôn vinh bằng một giải thưởng nào đó sao cho xứng đáng với đóng góp của họ với tờ báo mà họ cộng tác. (Báo Dân Trí cũng có giải thưởng “Mỗi bạn đọc một nhà báo” trao cho các CTV có bài xuất sắc đăng trên Dân Trí. Báo Tuổi trẻ đã tổ chức cuộc giao lưu “Làm báo cùng tuổi trẻ” tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/6/2013, và công bố những bạn đọc được nhận giải thưởng “Làm báo cùng tuổi trẻ” năm 2013. Tạp chí Tuyên Giáo cũng trao giấy khen cho 10 CTV xuất sắc nhất hàng năm…). Tiếc rằng những tờ báo làm được việc này chưa nhiều.
Báo chí có chức năng phản ánh sự thật của cuộc sống xã hội, những phản ánh ấy có thể là mặt tốt để nhân lên các điển hình tiên tiến, hoặc phanh phui những hiện tượng tiêu cực, giúp các cơ quan chức năng phá án nhanh hơn. Nhưng trên thực tế, có nhiều người không phải là nhà báo vẫn tham gia cung cấp thông tin, với mong muốn sự thật nhanh chóng được phơi bày ra ánh sáng. Cho dù là quần chúng tốt cung cấp thông tin hay là những cộng tác viên viết bài, họ đều là người có tâm. Đóng góp cho sự thành công của làng báo, không thể thiếu được những quần chúng như thế. Họ xứng đáng được gọi là “những nhà báo không thẻ”. Vâng, không có thẻ nhà báo, nhưng vẫn làm tốt nhiệm vụ cung cấp phản hồi thông tin chính xác, dũng cảm đấu tranh bảo vệ sự thật, giúp nhà báo phanh phui, đưa các sự việc tiêu cực ra ánh sáng… điều đó thật đáng quý
Người làm báo không chuyên cũng cần phải có cái tâm và thực sự yêu nghề. Họ làm những việc đó hoàn toàn vì lương tâm trách nhiệm, không có một động cơ nào khác. Nếu xã hội có nhiều những con người như thế ở khắp nơi, chắc chắn tiêu cực tham nhũng sẽ bị đẩy lùi.
“Nhà báo không thẻ” - đó là cách ví von hay nhất để tôn vinh những người cầm bút không chuyên, những quần chúng dũng cảm dám đấu tranh đưa tiêu cực ra ánh sáng. Việc phát huy tinh thần dũng cảm của “những nhà báo không thẻ” ấy đến đâu, ngoài sự tự giác của họ, còn do cách xử lý của từng tòa soạn với các tin, bài mà họ cung cấp, gửi về.
Cho dù thế nào, góp phần vào sự thành công của báo chí hôm nay, bên cạnh đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp còn có lực lượng cộng tác viên và quần chúng nhân dân, được gọi bằng cái tên trìu mến: “Nhà báo không thẻ”.
Nguyễn Thị Diệp
(CTV Báo Dân Trí)