Ý kiến giáo viên

Giảng viên đi bán xôi, sao lại “mất mặt” nghề giáo?

Độc giả Tung Anhduong bức xúc: “Mẹ em bán xôi để lấy tiền cho em đi học. Bây giờ em là giảng viên rồi, em quay ra coi thường cái nghề bán xôi của mẹ? Thầy dạy như thế là thầy muốn em coi khinh bố mẹ em?”

 


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Sáng nay lên mạng vào trang Vietnamnet thấy cái tít lạ "Đừng chường mặt bán xôi kẻo mất mặt nghề giáo" nên không thể không nhấp chuột mở xem bài báo viết gì.

Tác giả bài báo là Lê Tâm, một giảng viên đại học. Bài báo viết với mục đích chia sẻ tâm sự của một độc giả trong một bài viết khác nhan đề: “Giảng viên đại học có nên gạt sĩ diện để đi bán xôi?”

Trong bài viết của mình, giảng viên Lê Tâm đã bộc lộ những quan niệm khiến dư luận sửng sốt và bức xúc.

Khi bàn đến chuyện đồng nghiệp của mình có ý định đi bán xôi, giảng viên Lê Tâm cho rằng:  “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”, làm thế chẳng khác nào tự bạn làm ô danh nghề giáo”. Và biện minh cho quan điểm của mình: “Là giảng viên thì chỉ nên quanh quẩn bên chữ nghĩa chứ đừng quanh quẩn bên nồi xôi. Mình đứng trên cao để giảng dạy cho sinh viên bên dưới chứ không phải lom khom cúi cúi bưng đồ ăn cho khách. Bạn thử nghĩ xem, ở trên lớp đang được trọng vọng, có giá như thế mà lại làm bà bán xôi đon đả phục vụ người khác có thấy chán không?”. Bạn ấy (Lê Tâm) vin vào cái gọi là định kiến xã hội để bảo vệ quan điểm của mình: “Từ bục giảng trên cao bước xuống lề đường ngồi bán xôi, người ta sẽ nhìn bạn bằng nửa con mắt. Chưa kể bố mẹ bạn cũng sẽ đau lòng vô cùng, nuôi con ăn học bao năm trời vậy mà...” Rồi khuyên nhủ: “Mình là giảng viên thì chỉ nên quanh quẩn bên chữ nghĩa chứ đừng quanh quẩn bên nồi xôi”. “Cách tốt nhất là bạn nên học cách sống gói gọn với số lương của hai vợ chồng. Nên tự hài lòng với những gì mình đang có…”

Kết thúc bài viết, giảng viên Lê Tâm khẳng định: “Đường đường là giảng viên mà lại chường mặt ra bán xôi có khác nào tự mình làm "mất mặt" nghề giáo”.

Đọc xong bài báo, tôi không giấu được nỗi thất vọng của mình bởi một người như Lê Tâm được đào tạo bài bản nay đương là giảng viên đại học mà vẫn khư khư ôm lấy cái nhìn cũ kĩ, không hợp thời về quan niệm nghề nghiệp, danh vọng và nhân phẩm…

Tôi cũng là nhà giáo, đã đi gần trọn cuộc đời với nghề nghiệp mà mình đã chọn cách đây gần 40 năm. Tôi cũng rất tự hào với nghề của mình, nhưng tự hào mà không thần tượng hóa để đặt nó lên trên mọi nghề nghiệp khác trong xã hội bởi luôn thấm thía câu: “Lao động là vinh quang”.

Người ta có quyền ngợi ca nghề nghiệp của mình bởi lòng yêu của cá nhân mỗi người nhưng không vì thế mà có thái độ coi thường nghề khác. Bạn đã rất sai lầm khi cho rằng giảng viên mà đi bán xôi là làm "mất mặt" nghề giáo. Nói như vậy vô hình trung bạn đã coi thường nghề bán xôi, hơn thế nữa lại còn cho đó là nghề không “sạch” không “thơm” khi viện dẫn không đúng chỗ câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

Không chỉ coi thường nghề khác, bạn còn ôm trong mình cục sĩ diện hão to tướng để rồi khuyên người ta sống với cái bệnh sĩ ấy, tự bằng lòng với những gì đã có mà không chịu phấn đấu vượt lên hoàn cảnh cho dù là đi làm thêm việc khác để tăng thu nhập như bán xôi. Viết đến đây tôi lại nhớ thời bao cấp do đời sống khó khăn cho nên cán bộ viên chức sẵn sàng làm bất cứ việc gì miễn là có thêm thu nhập chính đáng bằng công sức, trí tuệ của mình.

Thời ấy, thầy giáo (từ giảng viên đại học cho đến giáo viên phổ thông) đi cuốc đất, nuôi heo, buôn bán vặt, chạy xe thồ… là chuyện bình thường. Bản thân tôi cũng đã từng bôn tẩu như thế mà nào có thấy “mất mặt” bao giờ đâu. Người ta chỉ “mất mặt” khi làm việc xấu xa, như cướp giật, ăn chặn, ức hiếp người khác, chứ bằng sức lao động của mình thì làm sao mà “mất mặt” được? Thế hệ chúng tôi vẫn còn nhớ câu chuyện thật như đùa của những năm 80 thế kỉ trước về vị giảng viên đại học nổi tiếng nuôi heo trên căn hộ chung cư chật hẹp giữa thủ đô Hà Nội.

Còn bây giờ, đời sống xã hội nhìn chung tuy đã khá hơn nhưng vẫn còn đó không ít những mảnh đời vất vả trong cuộc mưu sinh. Bạn Lê Tâm có biết hàng vạn vạn người đang làm đủ nghề, từ bán xôi, bán bánh cho đến bới rác, bán vé số, làm thuê… đổi sức lao động của mình lấy những đồng bạc lẻ nuôi con ăn học. Bạn có biết trong số học trò của bạn, có bao nhiêu em được nuôi dưỡng, học hành bằng những đồng tiền chắt chiu từ mồ hôi nước mắt của cha mẹ mình? Vô hình trung, bạn đã xúc phạm người khác và đánh mất cái “danh giá” mà bạn đang cố bảo vệ chỉ vì sĩ diện hão: “Bán xôi làm "mất mặt" nghề giáo”!

Trải qua 70 năm dưới chế độ mới, chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục phấn đấu vì quyền con người: Quyền tự do, bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập.

Cho nên sẽ là bất bình đẳng khi phân biệt nghề nọ với nghề kia. Không có chuyện nghề nào cao quí hơn nghề nào.

Thái độ kì thị ấy cần phải loại bỏ trong đời sống xã hội. Trước đây chúng ta nói nghề dạy học là nghề cao quí trong những nghề cao quí thì nên hiểu đó là thái độ trân trọng của xã hội đối với nhà giáo chứ tuyệt nhiên không phải để tôn sùng đặt nghề dạy học lên trên tất cả.

Bởi vậy thước đo danh giá một con người không phải ở nghề nghiệp mà là ở cách ứng xử đối với nghề và sản phẩm làm ra cho xã hội. Nhà giáo chân chính không thể cứ ôm khư khư cái danh giá (tự phong) mà chấp nhận hay tự bằng lòng với cuộc sống nghèo túng về vật chất.

Lời khuyên của bạn “là giảng viên thì chỉ nên quanh quẩn bên chữ nghĩa chứ đừng quanh quẩn bên nồi xôi”, “nên tự hài lòng với những gì mình đang có” là biểu hiện của thói an phận thủ thường, một lối sống tiêu cực không thể chấp nhận trong xã hội hiện đại. Thử hỏi, tương lai đất nước sẽ ra sao nếu những thế hệ thanh niên “thấm nhuần” lời khuyên ấy từ một thầy giáo như bạn?

Bạn Lê Tâm thân mến!

Không biết sau khi báo đăng tải bài viết của mình, bạn có đọc những bình luận của độc giả ở phía dưới bài báo? Tôi tin một nhà giáo yêu nghề như bạn không thể bỏ qua việc này. Dù vậy, tôi cũng xin nhắc lại với bạn một vài ý kiến của độc giả bình luận về bài viết của bạn để thay cho lời kết.

“Bạn có coi trọng mọi người thì mọi người mới coi trọng bạn”. Độc giả có nicknem Mr Bắc khẳng định.

Còn độc giả Tung Anhduong thì bức xúc: “Mẹ em bán xôi để lấy tiền cho em đi học. Bây giờ em là giảng viên rồi, em quay ra coi thường cái nghề bán xôi của mẹ? Thầy dạy như thế là thầy muốn em coi khinh bố mẹ em?”.

Nguyễn Duy Xuân