Đồng tiền đã làm biến dạng hết quy hoạch
Dư luận đã đặt câu hỏi: Từ trước đến nay, các cơ quan chức năng rất ít thanh kiểm tra những thay đổi quy hoạch? Tại sao trước đây việc thanh tra ở khu đô thị Thủ Thiêm bị đột ngột dừng lại, đâu là lý do?
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Võ Viết Thanh – nguyên Chủ tịch TP Hồ Chí Minh thời kỳ đó (quyền Chủ tịch UBND TP.HCM (giai đoạn 7/1996-8/1997), Phó bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch UBND TP.HCM (08/1997-17/05/2001)) – khẳng định: Lãnh đạo thành phố trình Bộ Chính trị 13 bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm, tỷ lệ 1/5.000.
Dư luận thực sự ngạc nhiên khi biết, đã bao nhiêu năm trôi qua, nguyên Chủ tịch Võ Viết Thanh vẫn lưu giữ 13 bản đồ quy hoạch ban đầu của khu đô thị Thủ Thiêm. Phải chăng ông từng nghi ngại sẽ có điều không ổn nên đã lưu giữ lại. Và dù lý do gì đi nữa, điều đó cho thấy ông đau đáu với “đứa con” tinh thần mà ông là một trong những thành viên chủ chốt thai nghén và là người trực tiếp trình bày bản quy hoạch này trước lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chính vì vậy, dư luận có quyền tin vào những gì ông bộc bạch cùng công luận.
Ông Võ Viết Thanh nói về nhiều điều, nhưng trong phạm vi bài này tôi chỉ đề cập đến một nội dung. Đó là vấn đề ông đã không giấu nổi bức xúc khi thốt lên: “Đồng tiền đã làm biến dạng hết quy hoạch.”
Chính vì quy hoạch bị biến dạng nên ông Thanh nói rõ quan điểm: “ Về mặt nhân tâm, tôi phải nói thẳng một câu: quy hoạch trước hết phải là vì dân, không thể vì quy hoạch mà người dân bỗng chốc trở thành cùng đinh, mất tài sản, mất sinh kế.”
Vậy ai đã thay đổi quy hoạch này?
Công luận đã đặt câu hỏi: Thủ tướng phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm thì lãnh đạo thành phố có đủ thẩm quyền thay đổi quy hoạch đó không?
Với câu hỏi này, ông Võ Viết Thanh rất thận trọng khi đưa ra giả thiết: “Trong trường hợp Thủ tướng không ủy quyền hoặc không có sự phê duyệt của Chính phủ, mọi thay đổi quy hoạch là không hợp pháp.”
Do đó, dư luận có quyền yêu cầu lãnh đạo TP HCM trả lời: Việc thay đổi quy hoạch này đã được Chính phủ ủy quyền hoặc phê duyệt hay không?
Đây là một câu hỏi không thể né tránh, bởi lẽ, đây không chỉ là sự bức xúc của những người dân phải giải tỏa ở đây, mà còn là sự thượng tôn pháp luật.
Nếu như, không có sự ủy quyền của Chính phủ, hoặc chưa có việc trao thẩm quyền cho thành phố thay đổi quy hoạch (ở thời điểm đó) mà lãnh đạo ở đây vẫn ký quyết định sửa đổi quy hoạch thì sai phạm là rất nghiêm trọng bất kể vì động cơ gì. Nếu động cơ không trong sáng, phục vụ các nhóm lợi ích thì rất cần cho những đối tượng cố ý làm trái này … vào “lò”.
Lý gì không đưa những vị đó vào “lò” khi mà, như ông Võ Viết Thanh mô tả rất hình ảnh: “Ở Thủ Thiêm bây giờ, cứ khoét lõm ra để xây cao tầng, bất kể mật độ dân số là bao nhiêu. Mình phát triển là phải vì dân, vì dân thì phải nghĩ xem mật độ dân số có đủ thêm người nữa không.”
Hình ảnh “cứ khoét lõm ra để xây cao tầng”, khiến trong tôi lại hiện lên hình ảnh 12 tòa nhà 40 tầng quây chặt thành hình vuông trông rất chướng mắt ở ngay đầu bán đảo Linh Đàm, Hà Nội. Nó càng chướng tai gai mắt khi đây vốn là quỹ đất công cộng được một số quan chức “hô biến” thành cụm chung cư chật chội, ngột ngạt hết mức.
Phải nói rằng, quy hoạch lúc đầu của “Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm” xứng đáng là kiểu mẫu và thuở ban đầu, đây là khu đô thị đáng sống đầu tiên của Hà Nội. Nhưng rồi, quỹ đất công cộng rộng khoảng 4 ha rất đẹp ở ngay đầu bán đảo Linh Đàm đã bị một số quan chức vận dụng “tài tình”, mà nó chuyển thành 12 tòa chung cư cao ngất ngư như thách thức dư luận. Không chỉ vậy, cả 12 tòa chung cư này không dành một tầng nào cho thương mại, vui chơi. Điều đó cho thấy, không chỉ khu vực này ngột ngạt tới mức nào, mà những vị có thẩm quyền còn bất chấp pháp luật, bất chấp dư luận.
Nếu được triển khai đúng quy hoạch, khu đất công cộng này sẽ đảm bảo công dân ở đây có khu vui chơi giải trí rất đẹp ở đầu bán đảo này. Nhưng nay, người dân không những không được hưởng một chút nào mà còn phải chấp nhận hạ tầng kỹ thuật quá tải nặng nề, người dân phải chấp nhận sống chen chúc trong khu “ổ chuột” chung cư, xe cộ luôn kẹt cứng và mật độ xây dựng thuộc tốp cao nhất đất nước.
Vậy, lãnh đạo Hà Nội trả lời ra sao về việc thay đổi quy hoạch này? Có ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này hay lại … hòa cả làng?
Đây chỉ là một ví dụ điển hình. Hà Nội đã, đang còn không ít những khu đô thị đang tiếp tục bị thay đổi quy hoạch chi tiết. Đáng lưu ý là, tất cả việc thay đổi quy hoạch này chỉ có một chiều: Tăng mật độ xây dựng, tăng dân cư.
Do đó, dư luận muốn đặt câu hỏi: Từ trước đến nay, sao rất ít việc các cơ quan chức năng nào thanh kiểm tra những thay đổi quy hoạch này? Tại sao trước đây việc thanh tra ở khu đô thị Thủ Thiêm bị đột ngột dừng lại và đâu là lý do?
Đã đến lúc, dư luận không thể chấp nhận việc “đồng tiền đã làm biến dạng hết quy hoạch”.
Vương Hà