Bạn đọc viết

Có một nghề mang tên… làm từ thiện!

Ăn chặn tiền từ thiện của các nhà hảo tâm dành cho những số phận, những mảnh đời kém may mắn là một trong những điều độc ác.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Theo từ điển Hán Việt của cụ Thiều Chửu, từ thiện là kết hợp giữa hai từ “Từ - thương yêu” và “Thiện – tốt lành” nên “từ thiện” có nghĩa là làm việc tốt từ lòng yêu thương con người.

Có thể sẽ có nhiều, rất nhiều người không tin. Làm sao để tin được bởi vì chữ “nghề” được hiểu là công việc để kiếm sống, tức là có thu nhập để chăm lo cho cuộc sống bản thân, gia đình. Nên nói làm từ thiện là “đi cho” chứ ai lại “cá kiếm” bao giờ.

Chuyện tưởng nghe chừng vô lý, là khó xảy ra, nhưng nó lại là sự thật, thậm chí xuất hiện nhan nhản cứ như “nấm mọc sau mưa” trên… mạng xã hội Facebook. Mạng thì tưởng là ảo, nhưng chuyện là thật và tiền là thật của trò kiếm sống bằng nghề “làm từ thiện” online.

Ở đây, xin loại trừ những cá nhân, tập thể làm từ thiện thật lòng, không vụ lợi. Họ mang trong mình một tấm lòng vàng, chia sẻ nỗi đau, sự mất mát, khó khăn như Chương trình Cơm có thịt dành cho trẻ em miền núi của Nhà báo Trần Đăng Tuấn chẳng hạn.

Còn lại, hãy điểm xem các “nhà từ thiện” trên mạng xã hội là ai? Xin nói luôn: “Đa phần là gái đẹp”. Nói cho nó vuông, trên mạng xã hội không tài năng, không trí tuệ mà không đẹp thì chả ai quan tâm. Mà không quan tâm thì làm gì có bạn để “phô lâu” (theo dõi), để kết bạn và để… xin tiền mà làm từ thiện.

Chao ôi, kẻ ít như cái cô nào đó tên là Vũ Thị Phương Anh (http://dantri.com.vn/tam-long-nhan-ai/lam-tu-thien-tren-mang-xa-hoi-lam-cuc-de-va-lua-cuc-de-20151214200248407.htm ) cũng có 4.000 lượt theo dõi. Ấy là chưa kể có những FB lên đến cả trăm nghìn, thậm chí mấy trăm nghìn bạn bè theo dõi. Nên hễ các người đẹp chỉ đăng một status “bán than” thì có hàng trăm, hàng nghìn người vào comment nào thương, nào chia sẻ, tiền hô hậu ủng rất… xôm trò.

Làm từ thiện trên FB không những phải đẹp mà còn phải độc, phải lạ. Đó có thể là một cô nàng rất cá tính, sở thich mê phượt, đi xe phân khối lớn kết hợp làm từ thiện. Đó có thể là “gái một con trông mòn con mắt”, đã bỏ chồng để theo đuổi… đam mê từ thiện của mình. Đó có thể là một cô nàng với sở thích “xăm kín khắp người”, nhưng chỉ xăm ở những phần thiên hạ ít khi nhìn thấy, nào lưng, nào bụng, nào đùi…., để lâu lâu nàng mặc váy “hở cái lưng, hở cái đùi” là thiên hạ xuýt xoa khen lấy khen để: “Đẹp mà độc”.

Nhưng các tiêu chí đẹp, độc, lạ chưa mô tả hết chân dung của các “nhà từ thiện rởm” trên mạng xã hội. Vì mình xem hết FB của người đẹp này đến người đẹp khác đều ngẫm ra một điều, họ không chỉ là “nhà từ thiện giỏi” mà còn là “nhà kinh doanh giỏi”. Không một nhà từ thiện nào là không có một cái gì để… bán. Không bán áo thì bán quần, không bán giày dép thì bán chăn mền, không bán mỹ phẩm thì bán sữa… Thậm chí, có “nhà từ thiện” tuy không bán sản phẩm gì nhưng rất giỏi bán… than. Họ mà đã “đổ mấy câu vọng cổ” sướt mướt, thướt tha thì ôi thôi thôi….

Thói đời, đàn ông thấy phụ nữ “bán than” là thương đến là thương, nhất là phụ nữ… đẹp. Lại càng thương hơn khi họ không “than” cho mình mà than cho người khác theo kiểu “thương vay, khóc mướn”.

Họ thương cho những em bé vùng cao mùa đông không có áo ấm mùa đông. Họ thương cho những cụ già neo đơn, cô độc không nơi nương tựa. Họ thương cho những thiên thần nhỏ sớm mắc bệnh hiểm nghèo… Họ thương và họ thương để cuối cùng, là “đưa số tài khoản của họ” để mọi người thương cùng. Đứng trước một số phận éo le, lại qua lời “thỏ thẻ”, không bỏ tiền túi ra để chia sẻ thì cảm thấy day dứt với lương tâm lắm.Thế là “nghèo cũng phải cho thằng Tèo đi học”.

Vậy nên mới có chuyện, một nhà từ thiện với hơn 150.000 lượt “phô lâu” , chỉ với vài dòng chia sẻ giúp “thằng Tèo đi học” mà sau khi mọi người giúp thì “thằng Tèo” nhà họ đi… du học luôn.

Thôi thì “nhà từ thiện” làm từ thiện để lấy danh, khiến công việc kinh doanh, buôn bán của mình phất lên cũng không có gì để nói, để trách. Nhưng cái đáng nói là các nhà từ thiện lại không sống bằng nghề đi buôn, mà sống bằng chính nghề… “làm từ thiện online” của mình.

Họ, những “nhà từ thiện” trên mạng xã hội đều làm từ thiện theo kiểu đi xin tiền, xin quà của người khác để phát cho thiên hạ, làm từ thiện theo kiểu “kêu gọi cộng đồng chung sức chứ không có phải rút tiền túi của mình để làm”, thậm chí, còn sống nhờ lòng hảo tâm của người khác.

Thế nên có những người quanh năm chả thấy làm nghề gì, chỉ làm… “nghề từ thiện” mà tiền trong túi rủng rẻng, đi xe sang, dùng điện thoại xịn, ăn mặc sành điệu khiến thiên hạ cứ gọi là lác mắt.

Song, “giời luôn có mắt”. Những ai làm từ thiện mà không bằng cái tâm, cái đức lại lợi dụng mác từ thiện để mưu lợi cho cá nhân mình, không sớm thì muộn cũng gặp… quả báo.

Ăn chặn tiền từ thiện của các nhà hảo tâm dành cho những số phận, những mảnh đời kém may mắn là một trong những điều độc ác. Thế nên ai đang nghĩ, đang suy tính hay đang lọc lừa bằng cách “lấy từ thiện làm nghề mưu sinh”, ắt hẳn chưa bao giờ có được một giấc ngủ trọn vẹn. Họ mới chính là những người đáng thương hơn cả những người có số phận không may, kém may mắn, phải không các bạn?

Sông Lam