Bạn đọc viết

Có hay không lợi ích nhóm trong việc chặn xe cứu thương ra cổng Bệnh viện?

Dư luận rất mong Bệnh viện Nhi Trung ương và lãnh đạo Bộ Y tế làm rõ có lợi ích nhóm ở Bệnh viện Nhi trong vụ việc này không?

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Mấy ngày qua cộng động mạng phẫn nộ khi những clip tung lên mạng cho thấy cảnh bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cứu thương chở cháu 9 tháng tuổi đang hấp hối về nhà. Báo chí đã vào cuộc và lộ ra nhiều câu hỏi cần Bệnh viện này và các cơ quan chức năng làm rõ.

Một sự việc Phó giám đốc và giám đốc nói ngược nhau

Không có gì nhẫn tâm hơn khi một cháu bé chưa đầy năm, mổ tim di tật không có kết quả, gia đình muốn cho cháu về nhắm mắt tại quê nhà ở mãi Quỳ Hợp, Nghệ An lại bị bảo vệ chặn lại. Đây thực sự giọt nước tràn ly, có clip minh chứng khiến cộng đồng mạng dậy sóng và báo chí vào cuộc điều tra. Chúng tôi nói, là giọt nước tràn ly, bởi lâu nay không ít người đã phải chứng kiến các loại “cò” ở một số Bệnh viện, trong đó có “cò” chuyên chở người bệnh ra viện phải xử dụng đến xe cứu thương. Mà khi bệnh nhân ra viện vẫn phải dùng đến xe cứu thương thì đủ thấy bệnh nhân và người nhà của họ đã đau buồn tới mức nào. Vậy mà vẫn bị “cò”, bị “chặt chém” thì mới thấy mức độ quá thể của các đối tượng trong đường dây “cò” như thế nào.

Vậy dư luận thấy gì khi lãnh đạo Bệnh viện lên tiếng?

Nếu với clip đầu tung lên mạng, theo Dân trí, sáng 6/7, PGS.TS Lê Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, chính thức thông tin đến báo chí, khẳng định không có việc bảo vệ ngăn cản xe ô tô cứu thương làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân mà các mạng xã hội đang lan truyền.

Nhưng khi Clip thứ hai tung lên mạng cho thấy, xe cứu thương đang được một y tá bóp bóng trợ tim cho cháu bé thì PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, “Tôi đã gọi điện yêu cầu Công ty AZ - đơn vị ký hợp đồng bảo vệ với Bệnh viện - rút kinh nghiệm về sự việc, coi đó là bài học, đồng thời chấn chỉnh tác phong, thái độ phục vụ của đội ngũ bảo vệ của công ty làm đúng theo các quy định của Bệnh viện. Chúng tôi cũng đã yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ sự việc này có đúng như những gì mà nội dung clip được tung lên mạng những ngày qua hay không.”Đồng thời ông Giám đốc Bệnh viện cho biết, không chỉ đề nghị công an vào cuộcmà lãnh đạo ở đây còn yêu cầu Cty Bảo vệ AZ phải “thay máu” đội ngũ bảo vệ này. Hiện những bảo vệ “dính” vào vụ việc này đang phải làm tường trình.

Những vấn đề cần làm rõ.

Chưa nói đến tình người, đặc biệt với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, trong xu hướng các Bệnh viện coi bệnh nhân là thượng đế, là đối tượng được phục vụ thì những hành vi của một số bảo vệ Bệnh viện này là không thể chấp nhận. Do đó, các cơ quan chức năng cần làm rõ một số nội dung nổi lên từ vụ việc này nhằm để ngành y tế có giải pháp ngăn chặn hiệu quả nhất những hành vi tương tự.

Thứ nhất, theo lời kể của người nhà bệnh nhân với Dân trí thì “khi đưa cháu từ Bệnh viện ra xe không có bác sĩ, hay một y tá nào của Bệnh viện đi cùng mà chỉ có người nhà chúng tôi và một người đi cùng xe cấp cứu đưa cháu xuống. Lúc xảy ra sự việc cũng không có bác sĩ, y tá nào của Bệnh viện ra can thiệp.” Vậy việc bệnh nhân chưa đầy tuổi đã phải vào Bệnh viện này 4 lần, đang thập tử nhất sinh, khi ra viện để chờ nhắm mặt tại quê nhà nhưng không được một người nào của Bệnh viện cùng đưa cháu xuống xe liệu có thỏa đáng?

Thứ hai, có hay không việc ăn chia của một nhóm người trong việc gọi xe cấp cứu “dù” chuyên chở người ốm ra viện? Theo điều tra của pv Báo Dân trí, người nhà nạn nhân cho biết, dù mới xin ra viện để cho cháu về nhà thì đã có ngay một số người mặc dân sự vào tận giường bệnh gợi ý chở thuê. Mặt khác, cũng theo người nhà bệnh nhân, thì tiền mà các “cò” này đòi cao hơn nhiều so với thuê được xe cấp cứu của địa phương mình.

Theo anh Toàn - lái xe chở bệnh nhân - nói với Dân trí, đây không phải là lần đầu bị rơi vào tình trạng này. Đặc biết, anh Toàn cho biết, năm 2014 khi đến đón một bệnh nhân quê ở Đô Lương, Nghệ An anh cũng bị ngăn cản. Lúc đó người nhà phải đưa cháu ra xa khỏi Bệnh viện anh mới có thể đón được bệnh nhân về.

Thứ ba, lãnh đạo Bệnh viện này có biết hay không những đường dây cò này? Chúng tôi vẫn phải đặt câu hỏi này, mặc dù TS Hải – Giám đốc Bệnh viện đã phủ nhận. Bởi, thông tin từ đâu mà một số “cò” biết để bé sắp ra viện, lại có số điện thoại để gọi điện mời chào gia đình bệnh nhân? Mặt khác, hiện tượng này chúng tôi cũng đã chứng kiến ở một số Bệnh viện khác và diễn ra khá công khai. Do đó, rất mong Bộ Y tế vào cuộc làm rõ nội dung này để ngăn chặn hiện tượng gây phản cảm với người nhà bệnh nhân và làm xấu hình ảnh cho ngành y tế.

Thứ tư, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, PGS.TS Lê Thanh Hải khẳng định: “Dù đội ngũ bảo vệ của công ty Bảo vệ AZ tuy không phải nhân sự thuộc quản lý của Bệnh viện song hành vi của một số bảo vệ của công ty này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Bệnh viện.” Nhưng điều đó không có nghĩa Bệnh viện không chịu trách nhiệm.Bởi, có thuê Cty Bảo vệ AZ hay đơn vị nào đi nữa, thì trách nhiệm chính với bệnh nhân lúc ra, vào viện vẫn phải là lãnh đạo Bệnh viện .Dù rằng, việc hạn chế các xe vào Bệnh viện là cần thiết, nhưng nhất định không để quy định này biến tướng, kiếm lời bất chính cho một số đối tượng. Kiểm soát việc này thuộc trách nhiệm của lãnh đạo Bệnh viện.

Vậy dư luận rất mong Bệnh viện Nhi Trung ương và lãnh đạo Bộ Y tế làm rõ có lợi ích nhóm ở Bệnh viện Nhi trong vụ việc này không?

Vương Hà