Bài 2 - Chính quyền các cấp đã thực sự làm tròn trách nhiệm?

Thực trạng các công trình xây dựng không phép, sai phép ở Hà Nội thời gian qua đã và đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Đây đồng thời cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch đô thị của Thủ đô. Để hạn chế và tiến tới ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng...

Bài 2 - Chính quyền các cấp đã thực sự làm tròn trách nhiệm?

Lập biên bản xử lý nhưng sai phạm vẫn tồn tại?

Khách quan nhìn nhận, đến nay sau hơn 3 năm Hà Nội thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”, thực trạng xây dựng sai phép, trái phép đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ đầu tư cố tình xây dựng công trình không phép hoặc thi công sai so với nội dung đã được cơ quan chức năng cấp phép. Đồng thời, vẫn còn không ít cấp chính quyền để những công trình sai phạm tồn tại, gây bức xúc trong nhân dân.


Toà nhà HH-01 tại dự án Khu chức năng đô thị Đại Mỗ 18 tầng xây dựng không phép.

Toà nhà HH-01 tại dự án Khu chức năng đô thị Đại Mỗ 18 tầng xây dựng không phép.

Thời gian qua, dư luận vẫn nhắc đến tình trạng “thi công sai để được nộp phạt”; “phạt cho tồn tại” hoặc “phạt để hợp thức hóa” cho các sai phạm... Theo đó, nhiều chủ đầu tư vì chạy theo lợi nhuận, cố tình xây dựng sai phép, không phép... Sau khi công trình sai phạm đã hoàn thiện hoặc đi vào sử dụng thì “mọi sự đã rồi”. Lúc đó, chủ đầu tư sẵn sàng chấp nhận nộp phạt hành chính và công trình sai phạm thì “nghiễm nhiên tồn tại”. Thực tế cho thấy, rất ít công trình sai phạm đã hoàn thiện bị cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế. Lý do đưa ra là “gây tốn kém cho chủ đầu tư”. Chính cách xử lý này đã tạo thành nhiều tiền lệ xấu.

Nghị định 121/2013 của Chính phủ đã nêu rất cụ thể: “Sau khi đã bị xử phạt hành chính mà tái phạm thì có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng” (khoản 8, Điều 13). Hình phạt bổ sung đối với các trường hợp này là đình chỉ hoạt động, buộc phá dỡ công trình, buộc khôi phục tình trạng ban đầu (khoản 3, Điều 7). Nhưng đến nay, tỷ lệ công trình bị “buộc phá dỡ công trình, buộc khôi phục tình trạng ban đầu” là không nhiều. Ngay đến công trình “nổi tiếng” về sai phép như công trình số 8B Lê Trực thì đến nay việc phá dỡ phần vi phạm vẫn chưa được thực hiện dứt điểm vì nhiều lý do khác nhau.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/01/2018, chấm dứt việc chủ đầu tư các công trình xây dựng không phép, sai phép chỉ việc nộp phạt vi phạm hành chính là sẽ được tồn tại. Theo đó, chủ đầu tư sẽ có 60 ngày để điều chỉnh, xin giấy phép xây dựng theo quy định. Nếu sau đó, xuất trình giấy phép xây dựng phù hợp thì công trình được phép tiếp tục thi công. Ngược lại, nếu chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép thì phải ra quyết định tháo dỡ. Thực hiện quy định mới của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, đòi hỏi các cấp chính quyền và cơ quan thanh tra xây dựng các cấp của thành phố Hà Nội cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Những trường hợp sau 60 ngày chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép thì cần kiên quyết cưỡng chế, kịp thời tổ chức phá bỏ phần vi phạm để vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật vừa làm gương cho những công trình khác.

Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các lực lượng

Ngăn chặn, xử lý các trường hợp xây dựng không phép, sai phép là trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương và lực lượng Thanh tra xây dựng. Do vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng. Tuy nhiên, hiện nay việc phối hợp này vẫn đang còn một số bất cập.

Cụ thể, UBND Thành phố Hà Nội đã giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành trực tiếp Đội Thanh tra xây dựng địa bàn để thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng kể từ ngày 01/9/2016. Giám đốc Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ. Như vậy, lực lượng Thanh tra xây dựng chịu sự quản lý của Thanh tra Sở và UBND quận, huyện, thị xã theo nguyên tắc "song trùng chỉ đạo". Trong trường hợp nếu phát sinh công trình vi phạm thì UBND quận, huyện, thị xã mới có đủ thẩm quyền và lực lượng để tổ chức xử lý vi phạm, nhất là những trường hợp buộc phải cưỡng chế công trình. Tuy nhiên, nhiều trường hợp Thanh tra xây dựng đã lập hồ sơ xử lý đối với công trình vi phạm và chuyển cho chính quyền, song chính quyền không phối hợp và không xử lý triệt để khiến các công trình này vẫn tồn tại...

Trao đổi về nội dung này, ông Tống Xuân Duy - Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu cho biết: Hiện nay việc quản lý, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đang gặp nhiều khó khăn. Bởi lực lượng Thanh tra xây dựng thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn nhưng biên chế, chế độ, chính sách lại do Sở Xây dựng quản lý. Mặt khác, việc phối hợp giữa các lực lượng trong ngăn chặn vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn.

Ông Ngô Quyết Thắng - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết: Trước đây, theo quy định của Luật Xây dựng 2004, lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn như: Cấm vận chuyển vật liệu vào công trình vi phạm; đề nghị ngừng cung cấp điện, nước để chủ đầu tư không thể thi công... Nhưng theo Luật Xây dựng 2014, việc đề nghị ngừng cung cấp điện, nước đã không còn được áp dụng. Do đó việc đình chỉ tuyệt đối các công trình vi phạm thực sự khó khăn. Nhiều công trình vi phạm mặc dù đã đình chỉ, song chủ đầu tư vẫn lén lút thi công do vẫn có điện, nước…


Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam làm việc với Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội.

Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam làm việc với Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội.

Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xây dựng không phép, sai phép, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là các cấp, các lực lượng cần chủ động thực hiện tốt chức trách của mình. Lực lượng Thanh tra xây dựng cần thường xuyên bám sát địa bàn, kịp thời phát hiện và đề xuất chính quyền xử lý phù hợp, hiệu quả trường hợp vi phạm. Đồng thời, chính quyền các cấp cần nêu cao trách nhiệm, kiên quyết xử lý kịp thời đối với những chủ đầu tư cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, cần nghiêm túc xử lý trách nhiệm các cán bộ tại những địa bàn để xảy ra sai phạm liên quan đến việc xây dựng không phép, sai phép.

Tại quận Hà Đông, từ đầu năm 2017 đến nay, địa phương này đã ban hành quyết định khiển trách 2 lãnh đạo phường, cảnh cáo 1 công chức Địa chính - Xây dựng. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã khiển trách ông Nguyễn Đức Hải, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy Hoàng Mai và ông Nguyễn Anh Cường, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ quận Hoàng Mai. Từ năm 2014 đến nay, Sở Xây dựng Hà Nội đã tiến hành kỷ luật đối với 51 trường hợp là cán bộ, công chức, lao động hợp đồng thuộc lực lượng Thanh tra xây dựng. Trong đó, khiển trách 34 trường hợp, cảnh cáo 08 trường hợp, hạ bậc lương 03 trường hợp, buộc giáng chức 02 trường hợp và buộc thôi việc 04 trường hợp.


Liên quan đến vấn đề này, tại quận Hà Đông, từ đầu năm 2017 đến nay, địa phương này đã ban hành quyết định khiển trách 2 lãnh đạo phường, cảnh cáo 1 công chức Địa chính - Xây dựng. Ảnh: TL

Liên quan đến vấn đề này, tại quận Hà Đông, từ đầu năm 2017 đến nay, địa phương này đã ban hành quyết định khiển trách 2 lãnh đạo phường, cảnh cáo 1 công chức Địa chính - Xây dựng. Ảnh: TL

Theo ông Trần Quang Cảnh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Hà Nội, từ đầu năm đến nay, qua 4 cuộc kiểm tra, Hà Nội đã và đang tiến hành xử lý kỷ luật gần 60 cán bộ, đảng viên vi phạm về quản lý trật tự xây dựng, đất đai trên địa bàn thành phố, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Thường vụ Thành uỷ quản lý. Trước đó, tại các lần tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đều khẳng định quan điểm sẽ làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm túc những tập thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm về quản lý trật tự xây dựng. “Nếu các vụ việc được các xã, phường xử lý nghiêm ngay từ đầu thì không trở thành vấn đề nóng”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Có thể thấy, việc nhiều tổ chức, cá nhân cố tình xây dựng các công trình sai phép, không phép trong thời gian vừa qua đã không chỉ gây bức xúc trong dư luận, gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội mà còn trực tiếp đe dọa tính nghiêm minh của pháp luật. Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng các công trình xây dựng không phép, sai phép, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các cấp chính quyền, các lực lượng có liên quan. Đó cũng là cách để chúng ta thực hiện tốt quy hoạch phát triển đô thị của Thủ đô, từng bước xây dựng một Hà Nội văn minh, hiện đại./.

Theo Tạ Linh

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm