Việt Nam luôn kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
(Dân trí) - Năm 2017, tình hình Biển Đông tuy không có các vụ việc nghiêm trọng nhưng tiếp tục có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn những nguy cơ và thách thức khó lường. Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục kiên trì, kiên quyết đấu tranh trên thực địa, chính trị và ngoại giao để giữ vững chủ quyền...
Ông Lê Hoài Trung - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia - cho biết, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết tranh chấp về biên giới lãnh thổ, biển đảo, bảo vệ các quyền và lợi ích của quốc gia.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII về “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”, năm 2017 Việt Nam đã nỗ lực giải quyết các vấn đề còn tồn đọng về biên giới lãnh thổ, biển đảo, bảo đảm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Năm 2017, tình hình Biển Đông nhìn chung tương đối ổn định, tuy không có các vụ việc nghiêm trọng nhưng tiếp tục có những diễn biến phức tạp mới đáng chú ý, tiềm ẩn những nguy cơ và thách thức khó lường, thu hút sự chú ý và quan tâm của dư luận quốc tế và khu vực.
“Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục kiên trì, kiên quyết đấu tranh trên thực địa, chính trị và ngoại giao với các vi phạm, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, thềm lục địa và các hải đảo dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, vì hòa bình, hợp tác, phát triển tại Biển Đông; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của bạn bè quốc tế đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam, phản bác các hành động gây phức tạp tình hình” - ông Trung nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia cho hay, năm 2017, Việt Nam đã duy trì và thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển bao gồm 1 cuộc gặp hai Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc (tháng 3/2017), 3 cuộc đàm phán và 4 cuộc gặp không chính thức của 3 Nhóm công tác về vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc.
“Việt Nam tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thúc đẩy hợp tác giải quyết các vấn đề trên biển với các nước liên quan nhằm khẳng định quyền chủ quyền và quyền tài phán của ta đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, khẳng định tinh thượng tôn của pháp luật; đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia, tiếp tục trao đổi với Malaysia về các vấn đề trên biển. Việt Nam đã cùng với các nước ASEAN và Trung Quốc đàm phán và thông qua Khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); chủ động trình bày quan điểm tại các diễn đàn đa phương như ASEAN, Liên hợp quốc.” - ông Trung thông tin.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực, chủ động trao đổi và mở rộng hợp tác biển với các nước trong và ngoài khu vực nhằm trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm tiếng nói chung trong các vấn đề trên biển, củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị, tăng cường xây dựng lòng tin với các nước có liên quan. Đồng thời, để bảo đảm các hoạt động thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành hữu quan triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ và bảo vệ ngư dân trong vùng biển của Việt Nam; xử lý thỏa đáng vấn đề ngư dân, tàu cá ta vi phạm vùng biển các nước, ngăn chặn tàu cá các nước vào đánh bắt trái phép trong vùng biển của ta.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết, trong năm 2018, Việt Nam tiếp tục triển khai các diễn đàn đàm phán để đạt thêm kết quả thực chất trong việc giải quyết các vấn đề trên biển với các nước liên quan; nỗ lực tham gia đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); thúc đẩy và tăng cường hợp tác trên biển với các nước liên quan trong khu vực Biển Đông, đấu tranh với những vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982.
Châu Như Quỳnh