Phó Thủ tướng: “Bỏ tiền xây tường cao, nhà kín nhưng treo chìa khoá trước cửa”

(Dân trí) - Báo cáo trước UB Thường vụ Quốc hội về thực trạng an ninh mạng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảnh báo, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu danh sách có nguy cơ bị tấn công mạng, do ý thức của người sử dụng mạng kém. Người Việt, theo đó, sẵn sàng bỏ tiền xây nhà kín, tường cao đảm bảo an toàn nhưng chìa khoá lại… treo trước cửa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đại diện lãnh đạo Chính phủ “gói ghém” lại phiên chất vấn với 2 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội) và Trương Minh Tuấn (Bộ Thông tin – Truyền thông) tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 18/4. Ông Đam là Phó Thủ tướng phụ trách trong lĩnh vực của cả 2 Bộ này.

Phó Thủ tướng khẳng định, qua các câu hỏi và phần trả lời của các Bộ trưởng có thể thấy những công việc mà Chính phủ và các Bộ phải thực hiện sau phiên chất vấn này để các vấn đề được giải quyết rốt ráo hơn. Các cam kết mỗi vị tư lệnh ngành cần đưa ra sẽ rất cụ thể, để các đại biểu Quốc hội có thể giám sát.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cam kết đốc thúc thực hiện nhiều công việc cụ thể sau phiên chất vấn
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cam kết đốc thúc thực hiện nhiều công việc cụ thể sau phiên chất vấn

Với phần của Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội, ông Đam khẳng định Chính phủ sẽ hoàn thành việc xác định đúng, đủ đối tượng người có công để đảm bảo công sức của người nào cũng được ghi nhận và cũng không ai có thể lợi dụng, giả mạo để trục lợi chính sách.

Trường hợp của người cựu thanh niên xung phong ở Bình Định chưa được giải quyết chế độ mà các đại biểu Quốc hội đã đề cập trong phiên chất vấn, Phó Thủ tướng quả quyết sẽ xử lý ngay, khôi phục quyền lợi cho đối tượng này từ thời điểm bị tạm dừng chế độ tới nay, không để thiệt một ngày nào.

Với phần của Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông, Phó Thủ tướng nhấn mạnh thực trạng an ninh mạng là vấn đề lớn với toàn thế giới hiện nay. Ông dẫn chứng, mỗi ngày trên thế giới phải đối mặt với 5 tỷ cuộc tấn công mạng, tấn công bằng mã độc. Và Việt Nam là một trong những nước đứng đầu danh sách có nguy cơ bị tấn công mạng. Có hơn 70% các thiết bị mạng ở Việt Nam dừng bị dính mã độc, đứng đầu thế giới về độ “phủ sóng” virus “trojan” (con ngựa thành Troia), đứng thứ 12 thế giới về tỷ lệ lây nhiễm các phần mềm độc hại qua mạng. Tỷ lệ thư rác ở Việt Nam luôn đứng thứ 3 thế giới về số lượng, nếu chia theo đầu người thì thành số… 1.

Một nguyên nhân quan trọng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho là do ý thức người sử dụng mạng kém. “Chúng ta có thể nghĩ ra các cơ chế phòng, chống tốt nhưng như xây một ngôi nhà kiên cố, cửa vào gia cố chắc chắn nhưng cửa sổ lại để ngỏ hoặc xây tường cao, nhà kín nhưng chìa khoá lại treo ngay trước cửa. Từ thói quen cắm USB vào máy tính tới việc lên mạng vào bất cứ trang web nào không cần đọc cảnh báo của mỗi người đem lại nguy cơ rất cao” – Phó Thủ tướng cảnh báo, việc để mất an toàn mạng không chỉ khiến thông tin, bí mật bị lộ lọt mà các cơ quan, đơn vị có thể còn bị chiếm quyền điều khiển hệ thống, đặc biệt nguy hiểm.

Trình bày thêm vấn đề đấu tranh với thông tin xấu, độc trên mạng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải “đấu” bằng thông tin tốt, thông tin chính thống, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.

Bộ trưởng Thông tin khẳng định không nương tay với… báo “nhà”


Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng (giữa) và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (trái) cùng tham dự phiên chất vấn.

Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng (giữa) và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (trái) cùng tham dự phiên chất vấn.

Trước đó, trả lời thêm những câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về vấn đề quản lý báo chí, trang tin điện tử tổng hợp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn xác nhận có một số biểu hiện chưa tích cực cần chấn chỉnh.

Báo chí có những thời điểm khai thác quá nhiều các vụ án mạng gây tác dụng không tốt. Báo chí khai thác nhiều những chuyện "cướp giết hiếp", "bỏng mắt", "đắng lòng"… Khi viết về vụ án thì mô tả quá chi tiết rùng rợn, viết về tai nạn càng thảm khốc càng tốt, viết về thiên tai thì dường như càng nặng càng có giá trị…

Bộ Thông tin – Truyền thông đã thường xuyên nhắc nhở, định hướng các báo không mô tả chi tiết các hành vi giết người man rợ, không mô tả người gây án với khí chất như anh hùng. Ngày 19/8, Bộ TT-TT cũng đã có văn bản yêu cầu phải chấp hành nghiêm các quy định của báo chí, không khai thác các thông tin giật gân, xâm phạm quyền riêng tư của nạn nhân.

Bộ TT-TT sẽ tiếp tục xử lý nghiêm khắc các cơ quan báo chí nếu để tiếp tục xảy ra sai phạm trong thời gian tới. Việc chỉ đạo thường xuyên kịp thời, thông tin về các vụ án đã làm mờ ảnh những vụ giết người, không khai thác rùng rợn. Thời gian tới, Bộ cũng sẽ tăng cường thanh tra kiểm tra các trang thông tin điện tử tổng hợp.

Với nghi vấn đặt ra, là cơ quan chủ quản, Bộ TT-TT sẽ “nương tay” với những cơ quan báo chí trực thuộc như Vietnamnet, Infonet, báo Bưu điện… Bộ trưởng khẳng định, các Bộ đều có cơ quan báo chí của mình, Bộ TT-TT không bao che, thậm chí còn xử lý nghiêm hơn, kiên quyết hớn với các vi phạm của “báo nhà”.

“Cụ thể năm 2016, vụ nước mắm asen, báo Vietnamnet, Infonet cũng bị xử lý. Thậm chí Infonet còn tước thẻ 1 nhà báo, cho nghỉ việc phóng viên đưa tin sai… Quan điểm của Bộ TT-TT là, các cơ quan của Bộ càng phải xử lý nghiêm, coi như một tình tiết tăng nặng nếu vi phạm” – ông Tuấn trình bày.

P.Thảo