“Người chống tham nhũng, người… chống lưng, không biết ai chống thật, ai chống giả”

(Dân trí) - “Cơ quan nào cũng nói phòng chống tham nhũng, nhưng anh này chống tham nhũng, anh kia chống lưng, không biết anh nào chống thật anh nào chống giả” – đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại phiên họp thứ 7 của UB Tư pháp sáng 6/9.

Tham nhũng có dấu hiệu giảm?

Sáng 6/9, trong khuôn khổ phiên họp toàn thể, UB Tư pháp tiếp tục thảo luận về báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2017.
Sáng 6/9, trong khuôn khổ phiên họp toàn thể, UB Tư pháp tiếp tục thảo luận về báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2017.

Nhận định chung trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017, kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có tác dụng răn đe nhất định và góp phần làm giảm tham nhũng, tình hình tham nhũng năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục có dấu hiệu giảm…

Nói thêm về vấn đề này, Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn cho hay, nhận định trên không nhằm mục đích khẳng định tình hình tham nhũng năm 2017 giảm hơn năm 2016 hay dự báo tình hình tham nhũng năm 2018 giảm hơn năm 2017.

Việc so sánh tình hình tham nhũng giữa các năm tăng hay giảm là nội dung phức tạp và rất khó thực hiện do độ ẩn của hành vi tham nhũng và thiếu những công cụ đo lường tin cậy, có tính chất thuyết phục cao. Nhận định, dự báo nêu trên được diễn đạt chỉ nhằm mục đích thể hiện xu hướng của tình hình tham nhũng trước những nỗ lực và các tác động tích cực của công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được trong kỳ báo cáo.

Thực tế từ cuối năm 2016 đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng và nỗ lực của các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ trong dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân.

Những chuyển động cũng có tác dụng răn đe rõ rệt, vừa cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng vừa khích lệ các nhân tố tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng. Kết quả tích cực trên các mặt công tác phòng, chống tham nhũng chính là những dấu hiệu, chỉ báo về xu hướng giảm của tình hình tham nhũng trong thời gian tới.

Mặt khác, qua các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã được phát hiện, xử lý, Chính phủ, các ngành, các cấp đã nhận diện được những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách và nhất là trong khâu tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra, giám sát…. Từ đó đã kịp thời có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục nên năm 2017 cũng như thời gian tới sẽ khó có thể xảy ra các vụ việc nghiêm trọng tương tự.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế cũng đã có đánh giá tích cực hơn về thực trạng tham nhũng của Việt Nam khi ngày 25/1/2017 công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng toàn cầu năm 2016, trong đó Việt Nam tăng 2 điểm sau 4 năm liên tiếp bị giữ nguyên ở mức 31/100 điểm.

Ai tin được con số chỉ 3 cán bộ kê “gian” tài sản!

Đại biểu Vũ Trọng Kim
Đại biểu Vũ Trọng Kim

Thảo luận về các nội dung, đại biểu Vũ Trọng Kim, Ủy viên UB Tư pháp vẫn cho rằng công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn hình thức, chưa đạt yêu cầu. Các số thống kê về số người kê khai tài sản (hơn 1,1 triệu), rồi tính tỷ lệ 99% đã kê khai, chỉ phát hiện 3 người kê khai trung thực không có nhiều ý nghĩa.

“Hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản mà có 3 người không trung thực, dân tin sao được, chúng ta làm hời hợt, qua loa quá. Có 25 người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về tình trạng tham nhũng xảy ra tại cơ quan đơn vị. Con số này cũng không ai tin được, né tránh quá nhiều” – ông Kim lật qua lật lại vấn đề.

Đại biểu cũng nhận xét, tham nhũng tràn lan, dân có thể đếm cán bộ huyện, cán bộ xã, thậm chí công chức bình thường người ta cũng đếm được số người tham nhũng mà việc xử lý vẫn quá ít. Theo đại biểu, những con số không thực chất, thực tế trong báo cáo nên rút đi vì người dân nhìn vào sẽ nói các cơ quan chống tham nhũng làm hời hợt quá.

Cũng theo ông Kim, ở Trung ương, Tổng bí thư đang chỉ đạo rất quyết liệt việc phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên hiện nay có quá nhiều cơ quan làm nhiệm vụ PCTN nhưng hiệu quả không rõ ràng, nhiều vụ giải quyết nhiều năm không xong, chưa thiết lập được mô hình cơ quan chống tham nhũng độc lập.

“Cơ quan nào cũng nói phòng chống tham nhũng, nhưng anh này chống tham nhũng, anh kia chống lưng, không biết anh nào chống thật anh nào chống giả” – đại biểu khuyến cáo cần sớm tổ chức đơn vị chuyên trách chống tham nhũng để không bị níu kéo, trì trệ.

Góp ý cho báo cáo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nhìn nhận, nếu nhìn lại các vụ án về tham nhũng đang điều tra, xét xử thì đa phần là những việc đã xảy ra cách đây hàng chục năm như: vụ Hà Văn Thắm, Trịnh Xuân Thanh từ 2009, Vinashin, Phạm Công Danh cũng ở giai đoạn đó. Tức là các vụ đang làm hiện nay là giải quyết hậu quả của thời gian trước, khi các quy định quản lý hạn chế, nhất là về cơ chế vận hành các tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề. Ở các vụ này đều có hai vấn để cần phải tập trung giải quyết là lợi ích nhóm, thành lập sân sau.

Vấn đề hiện nay, tướng Vương dẫn đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương trong lần họp mới đây vẫn nhận định, tình hình chưa giảm, những dấu hiệu tiềm ẩn vẫn còn. Cụ thể, tham nhũng tiềm ẩn ở hệ thống ngân hàng, ở lĩnh vực đầu tư BOT, BT…

P.Thảo