Đặc khu kinh tế không có chỗ cho bất cứ cổ hủ, lạc hậu nào

(Dân trí) - Phân tích thực tế thế giới đã làm đặc khu kinh tế nhiều chục năm qua, Việt Nam đã chậm chân, cần dấn bước mạnh mẽ hơn, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Văn Trung cho rằng, để bắt kịp bên ngoài, cần xác định “không có chỗ cho bất cứ cổ hủ, lạc hậu nào” tại đặc khu kinh tế.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung là người chủ trì hội thảo "chính sách phát triển kinh tế xã hội tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu)" ngày 3/11.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung (giữa) chủ trì hội thảo.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung (giữa) chủ trì hội thảo.

Quyền miễn trừ trách nhiệm với Trưởng đặc khu

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Văn Trung sốt ruột, chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế đã được bàn từ hơn 20 năm qua, đến lúc này đã là “chậm lắm rồi”. Nếu tính từ thời thử nghiệm làm đặc khu Hòn Gai, Vũng Tàu – Côn Đảo trước đây thì tới nay cũng đã 30 năm.

“Không thể chậm hơn được nữa” là quan điểm của ông Trung khi so với thế giới, nhiều nước đã làm đặc khu tới thế hệ thứ 2, thứ 3.

Tán thành quan điểm này, Phó Viện trưởng Viện Phát triển bền vững – Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam Nguyễn Đình Chúc dẫn chứng, đặc khu mới nhất của Arabia Saudi được Quốc vương nước ngày tuyên bố sẽ là một thành phố lớn gấp 33 lần New York của Mỹ mà hoàn toàn sử dụng năng lượng xanh (năng lượng tái tạo) và “không có chỗ cho bất cứ cổ hủ, lạc hậu nào”.

“Nước này có văn hóa truyền thống khắt khe vậy mà họ sẵn sàng xây dựng một thành phố riêng biệt, nơi phụ nữ được cởi bỏ mọi ràng buộc bảo thủ như vậy. Họ thậm chí đã cấp quyền công dân cho một robot tên Sophie” – ông Chúc nhấn mạnh, điều đó cho thấy Việt Nam đã chậm chân và cần dấn bước mạnh mẽ ra sao mới có thể bắt kịp tư duy của thế giới.

Khái quát diện mạo đặc khu tại Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KH-ĐT Trần Huy Đông nêu cụ thể 2 vấn đề: mô hình tổ chức chính quyền và các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư.

Trong đó, tính bứt phá của đặc khu thể hiện trước hết ở thể chế, mô hình tổ chức. Với quan điểm nghiêng về phía không xây dựng một cấp chính quyền đầy đủ tại đây mà tập trung quyền lực vào thiết chế Trưởng đặc khu, ông Đông nêu một hướng quan điểm, hoạt động trong một môi trường cần năng động và có nhiều rủi ro trong việc ra quyết định như ở đặc khu, cần đặt vấn đề về quyền miễn trừ trách nhiệm với người đứng đầu đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt này.

Còn về các chính sách ưu đãi, trước hết là khả năng tiếp cận đất đai, dự thảo luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt quy định kéo dài thời hạn sử dụng đất trong một số lĩnh vực đầu tư kinh doanh (dài tối đa 99 năm), cho phép người nước ngoài được tự do mua bán, sở hữu nhà tại đây. Sau nữa, chính sách ưu đãi về thuế sẽ tập trung áp dụng như những dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên của đặc khu kinh tế, với các ngành nghề khác thì chính sách áp dụng như tại các khu kinh tế bình thường khác.

Ông Đông dè dặt cho rằng, dự luật mới chỉ là tập hợp lại những chính sách ưu đãi đầu tư từ nhiều luật khác vào, cộng thêm một số ưu đãi khác nhưng so với những đặc khu xung quanh, cơ chế cần phải hấp dẫn hơn để đảm bảo sức thu hút, cạnh tranh.

“Cô gái đẹp vốn dĩ đã hấp dẫn, chưa cần trang sức”

Vân Đồn có vị thế, điều kiện thuận lợi để làm đặc khu kinh tế.
Vân Đồn có vị thế, điều kiện thuận lợi để làm đặc khu kinh tế.

Tham gia hội thảo, đại diện đơn vị tư vấn – tập đoàn The Boston nhận định, bản dự thảo mới nhất của luật hiện tại đã là một kết quả rất rốt, đưa ra những điểm chốt giúp Việt Nam trở thành trung tâm chú ý tại khu vực Đông Nam Á.

“Chúng tôi đã nghiên cứu, so sánh với 16 đặc khu lân cận của các nước để rút kinh nghiệm cả về sự thảnh công cũng như thất bại của họ, từ đặc khu vừa mở của Mianma tới các tên tuổi đã có lâu hơn của Malaysia, Indonesia… Tin tốt là những đặc khu đó chưa phải là hoàn hảo. Vậy nên Việt Nam có điều kiện để xây dựng những khu tốt hơn. Là người đi sau, các bạn có có lợi thế như vậy” – đại diện BCG nói.

Một đại diện khác đến từ tập đoàn PWC Malaysia cho biết, sau khi nghiên cứu, làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh, đơn vị tư vấn nêu các yêu cầu cơ bản để có một đặc khu thành công như có vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng phù hợp; có khung khổ thể chế rõ ràng để đảm bảo hoạt động của các nhà đầu tư được thuận lợi; khung khổ về quản lý nhà nước với mô hình dịch vụ hành chính một cửa; các chính sách ưu đãi về tài chính…

Trong đó, yếu tố cốt yếu, theo đơn vị từ vấn, chính là mô hình thể chế và cơ cấu quản trị, cần đơn giản hóa hết sức, tách bạch rõ ràng giữa quyền lực, quyền năng và trách nhiệm của chính quyền. Sau nữa, các nhà đầu tư quan tâm đến khả năng duy trì được giá trị đầu tư tại đặc khu vì người rót tiền đều là những đại gia, nhà đầu tư lớn. Người ta phải được an tâm về khung pháp lý để 20-30 năm sau, các giá trị của họ vẫn luôn được bảo tồn, phát triển.

“Khung khổ pháp lý, chất lượng pháp chế, thể chế là điểm mấu chốt để có 1 đặc khu siêu hạng. Đây cũng là một cuộc đua marathon lâu dài mà các bạn cần xác định. Cứ phải nỗ lực thôi chứ không thể ngừng nghỉ được đâu. Triển vọng của các đặc khu ở Việt Nam khá tốt, có thể cạnh tranh ngang ngửa với Malaysia vào năm 2030” – người đại diện PWC Malaysia nói.

Chia sẻ với những phân tích này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh, vấn đề thể chế, cấu trúc quyền lực, xử lý tranh chấp là những mấu chốt cần xác định ngay từ đầu, sau mới tính đến các chính sách ưu đãi. Ông Thành ví von, các khu vực dự kiến làm đặc khu giống như những cô gái đẹp, vốn dĩ đã hấp dẫn và được yêu thích, phải chăm sóc cho cái đẹp đó, chưa cần tính đến các món trang sức.

Bàn cụ thể về những chính sách ưu đãi cụ thể được đề cập trong dự thảo luật, TS. Đặng Hùng Võ đánh giá cao cũng quan điểm cởi mở về khả năng tiếp cận đất đai, thời hạn sử dụng đất. Tuy nhiên, ông khuyến nghị nên đảm bảo điều kiện bình đẳng giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước, bình đẳng trong tất cả các việc mua bán, chuyển nhượng, sở hữu, nhận góp vốn, nhận thế chấp…

Về chính sách thuế, ông Trần Quốc Vinh (công ty Duy Anh) phân tích, các đặc khu đều được xây dựng với định hướng trở thành khu du lịch, giải trí, trung tâm mua sắm cao cấp nhưng luật chỉ đề xuất miễn thuế với những khoản chi tiêu mua sắm giá trị 10 triệu đồng trở xuống.

“Một chiếc túi Gucci chẳng hạn, giá tối thiểu phải 2.000 USD, vậy thì chính sách miễn thuế với mức như vậy sao hấp dẫn? Người ta sẽ lại sang Hong Kong vui chơi, mua sắm chứ tới Phú Quốc, Vân Đồn làm gì” – ông Vinh phân tích.

Từ góc độ nhà đầu tư, các chính sách ưu đãi đưa ra trong dự thảo luật được cho là vẫn kém Singapore, Hàn Quốc, cần phải nâng tầm hơn nữa.

P.Thảo