“Cơ chế của mình lạ lắm, làm vô hiệu hoạt động kiểm tra, kiểm toán”

(Dân trí) - “Cơ chế của mình lạ lắm, cho phép tồn tại 2 loại sổ sách, 2 hệ thống chi tiêu mà các loại thanh tra, kiểm toán chỉ tiếp cận một hệ thống “sạch sẽ”, giống như ngoài hệ thống lương còn có… lậu, ngoài luật còn có… lệ. 2 hệ thống cùng tồn tại đó làm vô hiệu hoá cơ quan kiểm tra, kiểm toán” – Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh của Quốc hội nói…

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc than nhiều cái khó với hoạt động của ngành.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc than nhiều cái khó với hoạt động của ngành.

Trình kế hoạch kiểm toán năm 2017 trước UB Thường vụ Quốc hội chiều 3/10, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đề xuất một số lĩnh vực trọng tâm.

Với lĩnh vực đầu tư, ông Phớc trình kế hoạch tập trung đánh giá việc quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và vốn trái phiếu Chính phủ, trong đó chú trọng các dự án trọng điểm ngành giao thông, xây dựng kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, đô thị, nhất là các dự án giao thông theo hình thức BOT.

Kiểm toán nhà nước cũng đề xuất thực hiện kiểm toán hiệu quả sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài… với hướng tập trung lựa chọn một số dự án có sử dụng vốn vay nước ngoài chậm tiến độ, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhằm chấn chỉnh và khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý, đầu tư các dự án này, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay.

Trong lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính – ngân hàng, Tổng Kiểm toán nhà nước lưu ý vấn đề cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng yếu kém (các ngân hàng được Ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng); việc xử lý sở hữu chéo, nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng.

Cụ thể, theo kế hoạch, sẽ có 14 dự án BOT, 1 dự án BT, 13 dự án sử dụng vốn nước ngoài (7 dự án trong số đề đã chậm tiến độ, phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư như cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi), dự án cải tạo 38 cầu yếu, nhiệt điện Ô Môn I, nhiệt điện Mông Dương 1…) sẽ được tổ chức kiểm toán.

Có 2 doanh nghiệp khối Quốc phòng, Ngân hàng nhà nước, 27 tập đoàn, Tcty nhà nước, 11 ngân hàng, trong đó có 2 ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng cũng sẽ được kiểm toán trong năm tới…

Kiểm toán không phát hiện tham nhũng do… nương tay?

Tán thành phương hướng đề ra nhưng Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt bày tỏ băn khoăn về vấn đề chất lượng, hiệu lực của hoạt động kiểm toán.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt than cơ chế đang khiến các cơ quan thanh tra, kiểm toán... bó tay với sai phạm, tham nhũng.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt than cơ chế đang khiến các cơ quan thanh tra, kiểm toán... bó tay với sai phạm, tham nhũng.

Tướng Việt đặt vấn đề, sự đổ bể ở Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Vinashin đã xảy ra những năm trước ngay sau khi có đoàn kiểm toán nhà nước vào làm việc. Khi đó, kiểm toán không phát hiện, không làm ra được vấn đề gì, chỉ sau khi mọi việc vỡ lở mới thấy hàng loạt sai phạm.

“Đó là do cơ chế. Cơ chế của mình lạ lắm, cho phép tồn tại 2 loại sổ sách, 2 hệ thống chi tiêu mà các loại thanh tra, kiểm toán chỉ tiếp cận một hệ thống “sạch sẽ”. 2 hệ thống đó tồn tại song song, giống như ngoài hệ thống lương còn có… lậu, ngoài luật còn có… lệ mà chính các loại “lậu”, “lệ” đó làm vô hiệu hoá luật.” – Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh ta thán, 2 hệ thống cùng tồn tại đó làm vô hiệu hoá cơ quan kiểm tra, kiểm toán.

Góp ý thêm về kế hoạch kiểm toán năm tới, ông Võ Trọng Việt đề nghị nhắm tới những công trình, dự án vượt dự toán lớn, có dấu hiệu làm thất thoát tài sản, ngân sách. Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh lấy ví dụ nhà máy sắt thép Thái Nguyên, đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông… với câu hỏi, tại sao dự án đội vốn lớn thế, như đường sắt đô thị, báo giá chỉ 500 triệu USD mà khi chọn nhà thầu Trung Quốc thực hiện, tổng vốn giờ đã lên đến tiền… tỷ “đô”.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga thì băn khoăn về việc công tác kiểm toán để phục vụ việc phòng chống tham nhũng qua nhiều năm vẫn rất hạn chế, chưa thấy phát huy tác dụng. UB Tư pháp mới đây đã đánh giá, năm 2016 chưa có vụ việc tham nhũng nào được phát hiện chuyển cơ quan điều tra.

“Khi chuyển cơ quan kiểm toán sang Quốc hội với mục đích xây dựng một chế định độc lập trong Hiến pháp nhằm chống tham nhũng, kỳ vọng đặt ra rất nhiều. Vậy tại sao như năm nay, kiểm toán làm rất nhiều cuộc mà không có vụ việc nào chuyển sang điều tra xem xét để xử lý tham nhũng. Có phải do kỷ luật tài chính của chúng ta đã tốt rồi – chắc không đúng, UB Tài chính Ngân sách đã từng đánh giá vấn đề này. Hay lý là kiểm toán còn làm việc lỏng lẻo, nương tay?” – bà Nga đặt câu hỏi.

Bà Nga bày tỏ quan điểm thống nhất với kế hoạch kiểm toán năm 2017 với nội dung kiểm toán các dự án, công trình sử dụng vốn ODA vì lâu nay đã nổi lên hiện tượng đội vốn, thất thoát vốn, tiêu cực cũng nhiều với không ít vụ án xảy ra trong lĩnh vực này.

Trả lời các câu hỏi, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc giải thích, thời gian trước, Kiểm toán nhà nước đã chuyển một số vụ việc sang CQĐT nhưng khi đó, CQĐT coi kiểm toán như một đối tượng điều tra, triệu tập, mời cán bộ kiểm toán lên liên tục, mất công mất việc nên “anh em cũng… chán”.

Theo ông Phớc, vừa qua, Kiểm toán nhà nước đã chuyển C46 (Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng – Bộ Công an) vụ việc ở nhiệt điện Hà Tĩnh, tới đây khả năng chuyển một vụ khác ở Móng Cái nữa.

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng xin được thông cảm vì công việc của ngành rất khó khăn, vất vả.

Về nhận xét hiệu quả thực hiện kiến nghị kiểm toán thấp, thường chỉ đạt 62-65%, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc dẫn chứng cụ thể từ sự việc với 2 “ông lớn” Sabeco, Habeco.

Cụ thể, kiểm toán Sabeco, đơn vị đề nghị truy thu 408 tỷ đồng khoản tiền “thực ra là trốn thuế”. Nhưng sau khi kiểm toán kết luận, Sabeco tổ chức hội nghị, mời các nhà khoa học, quản lý, thậm chí mời cả những người nắm trọng trách ở Quốc hội tham gia, nói kiểm toán nhà nước làm không đúng nên báo chí quay sang chất vấn kiểm toán. Khi Kiểm toán nhà nước kiên trì giải thích, sau cùng, Sabeco mới chịu nộp lại số tiền 408 tỷ đồng.

Tương tự, ở Habeco, kiểm toán cũng cũng phát hiện sai phạm, đề nghị truy thu 938 tỷ đồng thuế tiêu nhưng doanh nghiệp không đồng ý nộp, rồi cũng tổ chức hội thảo, mời chuyên gia “phản pháo”. Thuyết phục mãi, Habeco mới chịu nộp tiền, lần đầu được 12 tỷ. Kiểm toán nhà nước phải vận động cả Bộ Công thương, các cơ quan Quốc hội vào cuộc, cả Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế thì mới “ép” được Habeco phải chấp nhận nộp dần khoản thuế này.

“Nói thế để thấy việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán rất khó khăn, đòi đúng như đòi nợ luôn” – ông Phớc phân trần.

P.Thảo