Xin đừng “vãi gạo” lên giời xanh!

(Dân trí) - Giờ đây nước ta còn nghèo, đồng bào ta nhiều nơi còn khó khăn, thì hãy để những “hạt gạo” ấy “rơi” vào mỗi bát cơm cho thêm đầy để bớt đi cái đói. Khi nào kinh tế khá lên, lúc đó cùng nhau hưởng thụ cũng chưa muộn. Xin đừng vội “vãi gạo” lên giời xanh!

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Chúng ta đã bước qua năm 2015 một cách rất đáng tự hào khi mức kinh tế tăng trưởng đạt gần 6,7%, vượt mức dự toán. Đây là nỗ lực to lớn của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, trước mắt chúng ta còn vô vàn những khó khăn. Sự tăng trưởng tuy khá cao nhưng chưa thực sự bền vững. Thị trường thiếu ổn định. Đời sống nhân dân tuy đã được nâng lên, song nhiều nơi, nhiều lúc vẫn còn nghèo khó. Năm 2016, tuy đã mở ra nhiều triển vọng khi chúng ta gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng ngược lại, đó cũng là thách thức không nhỏ. Đặc biệt là tình trạng tham ô, tham nhũng, lãng phí còn rất nghiêm trọng.

Phát biểu tại hội thảo về kinh tế Việt Nam 2015 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chiều 28-1 tại Hà Nội, ông Trương Đình Tuyển, cố vấn cao cấp về hội nhập của Chính phủ bày tỏi lo ngại: “Động lực của nền kinh tế trong năm nay chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài chứ không phải doanh nghiệp tư nhân trong nước. Động lực của nền kinh tế năm 2016 cũng vẫn như vậy. Song vấn đề là để phát triển bền vững không thể là khu vực FDI”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét: “Nhà nước lại mua rất nhiều trái phiếu chính phủ, tức là nhà nước nhảy vào cuộc thành nhân tố thứ 3 chèn lấn, thì khu vực tư nhân chịu sao nổi. Bảo sao kinh tế tư nhân nhỏ đi, chết đi là phải”.

Song, có một ý kiến gợi nhiều suy nghĩ là của nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Đặng Kim Sơn. Ông Sơn nói: “Tình hình như vậy mà bắn pháo hoa khắp nơi, mọi người không nhìn thẳng vào sự thật”.

Những năm gần đây, đã xuất hiện “hội chứng” thi đua… tiêu tiền ngân sách. Sau những tượng đài và các công trình “khủng” lên tới cả trăm tỉ, ngàn tỉ, chục ngàn tỉ thì giờ đây, dư âm của nó là những công trình “ấn tượng”.

Việc một huyện nghèo ở tỉnh Quảng Nam chi từ ngân sách để xây dựng cổng chào nhân dịp chào mừng 30 năm ngày thành lập huyện vì chưa có công trình “tầm cỡ” là một ví dụ.

Thực ra, số tiền 1,1 tỉ đồng không phải là lớn. Thế nhưng đối với một huyện nghèo như huyện  Hiệp Đức liệu đã cần chưa? Trong khi đó, tỉ lệ hộ nghèo ở huyện còn khá cao, 18% trên 40 ngàn dân số, tức là khoảng gần 8.000 người vẫn đang sống trong nghèo khó.

Trở lại với lời than phiền của nguyên Viện trưởng Sơn, gần đây hình như đang hình thành phong trào thi đua… bắn pháo hoa.

Công bằng, việc bắn pháo hoa trong những ngày lễ tết trọng đại là cần thiết. Đặc biệt vào ngày tết, nó như một lời chào năm cũ, bước vào năm mới với tinh thần hồ hởi, phấn khởi.

Song, nếu như lạm dụng thì lại là điều không nên và không phải.

Nói “không nên” vì nước ta còn nghèo, việc “ăn chơi nhảy múa” chưa phù hợp và tương xứng với nền kinh tế. Nói “không phải” vì việc bắn pháo hoa không thể thực hiện ở tất cả các địa phương mà thường chỉ diễn ra ở thành phố lớn. Tức là chỉ một số ít những người dân đô thị được hưởng niềm “hào hứng” này. Trong khi đó, còn hàng triệu những người bà con ta ở nông thôn, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn chắc chắn chẳng bao giờ có được niềm vui này là sự thiếu công bằng.

Và cũng đừng nghĩ rằng việc bắn pháo hoa sẽ giúp những người nghèo vui mà quên đi sự nghèo khó của mình như lời một bác quan chức Thủ đô năm nào. Được biết năm nay, Hà Nội có kế hoạch tổ chức bắn pháo hoa Tết Bính Thân với nguồn kinh phí từ xã hội hóa lên đến 10 tỉ đồng.

Chợt nhớ có lần người viết bài này đi xem bắn pháo hoa ở Bờ Hồ Hoàn Kiếm, gặp một bà mẹ nông thôn đi xem cùng với người con trai. Người con trai hỏi mẹ: “Có đẹp không hả mẹ?”. “Đẹp lắm, con ạ”. Người mẹ đáp. Rồi chợt bà bảo: “Đẹp như vãi gạo lên giời ấy!”.

Vâng, một câu nói có thể là vô tình nhưng gợi biết bao điều đáng suy nghĩ. Những hạt pháo hoa đủ màu sắc bay lả tả trên bầu trời ấy không phải là “như gạo” mà chúng chính là những hạt gạo, những giọt mồ hôi của người lao động .

Giờ đây nước ta còn nghèo, đồng bào ta nhiều nơi còn khó khăn, thì hãy để những “hạt gạo” ấy “rơi” vào mỗi bát cơm cho thêm đầy để bớt đi cái đói. Khi nào kinh tế khá lên, lúc đó cùng nhau hưởng thụ cũng chưa muộn.

Xin đừng vội “vãi gạo” lên giời xanh!

Bùi Hoàng Tám