“Xã hội đen” phải là hổ thẹn của người lãnh đạo
(Dân trí) - “Doanh nghiệp muốn yên ổn làm ăn thì phải chi tiền bảo kê cho xã hội đen”, đây là một thông tin rất đáng chú ý được công bố tại báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 vừa diễn ra ngày 22/3.
Bản báo cáo cho thấy, nỗi lo về an ninh trật tự của doanh nghiệp là “xu hướng nổi bật” ghi nhận được trong năm vừa qua.
“Một hiệu ứng lo ngại của việc Việt Nam được xếp vào nhóm nước có thu nhập trung bình đó là đô thị hóa và tăng trưởng nhanh, cùng với đó là sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng, có thể kéo theo sự gia tăng của tình trạng tội phạm, đặc biệt là các vụ trộm, cắp. Những mối lo ngại này đã ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp”, báo cáo PCI nhận định.
Mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp phải nhờ cậy đến xã hội đen bảo kê chỉ chiếm 3% trong số được khảo sát, tuy nhiên, người viết cho rằng, vấn đề này cần được đem ra xem xét một cách nghiêm túc nếu chúng ta thực sự mong muốn xây dựng và thực thi Nhà nước pháp quyền.
Bởi, việc tạo môi trường cho doanh nghiệp “làm ăn yên ổn” là trách nhiệm của chính quyền, của các cơ quan an ninh chứ không phải là của bất cứ tổ chức nào khác. Ai chẳng biết, nói là nộp tiền bảo kê, nhưng thực ra đây là một hành vi ăn cướp trắng trợn, trấn lột tài sản của người dân, của doanh nghiệp. Chính vì vậy, bất cứ ở đâu còn “bảo kê” thì nơi đó cần phải xem lại trách nhiệm của cấp chính quyền cơ sở.
Hồi năm ngoái, trong khi tại Cần Thơ, trùm xã hội đen Út Đáng, tay giang hồ cộm cán, chuyên bảo kê, thu tiền phí bốc vác tại các chợ cá ở TP Cần Thơ bị bắt, làm rõ hành vi giết người thì tại Nghệ An, Hưng Yên vẫn xảy ra tình trạng xã hội đen hoành hành, ép chủ máy gặt phải đóng tiền “bảo kê”. Xã hội đen cũng thao túng, bảo kê xe khách gây bức xúc dư luận tại TPHCM và nhiều địa phương trong cả nước…
Thử hỏi trong khi người dân và doanh nghiệp đã thực hiện các nghĩa vụ ngân sách, từ nộp thuế cho đến các loại phí để hoạt động một cách hợp pháp thế nhưng vẫn phải chi thêm tiền thì mới được yên ổn, vậy, tiền thuế của họ để nuôi bộ máy bảo vệ cho họ là thế nào?
Cá nhân tôi tin rằng, một khi chính quyền vào cuộc thì không thể có chuyện các băng đảng xã hội đen có thể tự tung tự tác, đứng ngoài vòng pháp luật một cách ngang nhiên, công khai.
Thế nhưng, niềm tin của người dân đối với chính quyền địa phương không thể nào trọn vẹn nếu vẫn còn chuyện cơ quan chức năng ngoảnh mặt làm ngơ cho các thế lực đen tồn tại. Sự dung túng - đó chính là mảnh đất màu mỡ để những hạt giống xấu nảy mầm.
Và chua chát hơn, cay đắng hơn cho mỗi người dân, đó là khi đâu đó thậm chí còn có sự móc ngoặc của cán bộ Nhà nước với các thế lực đen để hưởng lợi trên mồ hôi lao động của người dân lương thiện. Đó là điều mà không ai chấp nhận nổi trong một xã hội thượng tôn luật pháp hiện nay!
Còn nhớ, trong buổi đối thoại với doanh nghiệp thời điểm vừa mới nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết, khẳng định rằng, Chính phủ quyết tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và nhà đầu tư, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền tài sản của các doanh nghiệp.
Sự cam kết đó sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nhiều lần khi gắn với trách nhiệm của từng chính quyền cấp xã, cấp thôn, gắn với những người cán bộ trực tiếp tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp.
Bởi nói cho cùng, không chỉ là vị thứ trên bảng xếp hạng PCI, lãnh đạo địa phương cần phải thấy rằng, việc để lại nỗi bất an cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn chính là sự hổ thẹn lớn nhất của họ.
Bích Diệp