Tiểu quốc nhưng quyết không là nhược quốc

(Dân trí) - Chủ động bảo vệ biển Đông là việc làm cấp thiết, và phải huy động nhiều nguồn lực, trí lực, tâm lực

 


Tranh cổ động

Tranh cổ động

Báo chí quốc tế phân tích các thông tin từ chuyến đi Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đưa ra nhận định biển  Đông sẽ căng thẳng hơn sau chuyến thăm này. Không căng thẳng sao được khi các nhà quan sát thấy rõ, ông Tập Cận Bình rời Mỹ ít ngày, ông Obama đã điều động 30.000 quân đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông.

Trả lời phỏng vấn AP bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại New York, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng "Biển Đông thực sự là một điểm nóng của khu vực và thế giới vào thời điểm này. Trong năm qua, Trung Quốc đã thực hiện việc bồi lấp quy mô lớn các đảo nổi để biến chúng thành những đảo lớn”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang còn bày tỏ mối lo ngại rằng, các hành vi của Trung Quốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hàng hải và an ninh ở biển Đông.

Các nước trong khu vực và các nước có liên quan lợi ích trên biển Đông cũng sẽ không đứng yên nhìn Trung Quốc tự tung tự tác Những hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia khác như thế nào là do các nước đánh giá, nhưng với Việt Nam thì quá rõ, rõ nhất là họ đã chiếm Hoàng Sa và đang chiếm dần Trường Sa của Việt Nam khi tiến hành xây dựng nhiều công trình trên các bãi đá.

Họ đã chiếm ngư trường của Việt Nam, họ tấn công ngư dân Việt Nam và đang đe dọa thực hiện nhiều hành động xâm lấn khác. Cho nên, chủ động bảo vệ biển Đông là việc làm cấp thiết, và phải huy động nhiều nguồn lực, trí lực, tâm lực. Không thể tin vào tình “hữu nghị viển vông” của Trung Quốc mà mất cảnh giác.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu 4 hiến kế rằng: “Muốn bảo vệ được 1 triệu km2 biển đảo thì hàng ngày phải có khoảng 2 triệu ngư dân đánh cá ngoài biển khơi, xem như đó là ao nhà của ta. Còn bây giờ lèo tèo thì không ăn thua, yên tâm thế nào được. Trước đây tôi đã đề nghị thế này: Nếu ngư dân chuyên đánh cá ngoài đảo xa, nhà nước phải nuôi người ta. Ngư dân như người canh biển, tai mắt cho đảo. Giữa mênh mông biển nước như thế thì phải có tai mắt của ngư dân. Khi nào bão tố, địch họa, có chuyện gì thì xem họ như những người liệt sĩ. Hơn 90 triệu dân Việt Nam hãy nuôi lấy 2 triệu dân đánh cá. Phải là như vậy, quyết liệt như vậy thì mới giữ được biển đảo”.

Trang bị và hỗ trợ ngư dân hoạt động trên biển Đông là cần thiết, là xây dựng một mặt trận để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hai triệu ngư dân đánh cá trên biển Đông để biến biển Đông thành ao nhà của ta, nhưng muốn như vậy thì nhà nước phải hỗ trợ cho ngư dân để họ có đủ sức đánh bắt xa bờ, khai thác hải sản hiệu quả và đủ sức đương đầu với “tàu lạ”. Tàu của ngư dân Việt Nam là tàu gỗ nhỏ, tàu của Trung Quốc là tàu vỏ thép to, cự sao lại.

Ngư dân ra biển thật đông nhưng đông đến bao nhiêu để phủ được một vùng biển mênh mông  hơn 1 triệu km2, đông mà khi bị người ta đuổi thì phải tháo chạy để bảo toàn tài sản và mạng sống thì đông để làm gì..

Để bảo vệ biển Đông, chúng ta đang huy động nguồn lực của toàn dân, sức mạnh của quân đội, đường lối ngoại giao chính nghĩa, đúng đắn, khôn khéo của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế để có được sức mạnh tổng hợp tạo nên thế nước. Thế nước đó là tuy nhỏ nhưng mạnh, đảm bảo cho nước ta là tiểu quốc nhưng quyết không bao giờ là nhược quốc.

Lê Chân Nhân