“Tiến sĩ dạy làm giàu” – Than ôi là những niềm tin kỳ lạ!
(Dân trí) - Trong xã hội bây giờ, giữ được những niềm tin vào tha nhân và hy vọng vào những viễn cảnh tương lai tốt đẹp… thực sự là điều tốt. Nhưng tuyệt nhiên, đừng vì tiền tài, danh lợi… mà ban phát niềm tin một cách mù quáng để rồi bị trục lợi, bị đánh cắp niềm tin
Ngày 24/2, Thông tấn xã Việt Nam thông tin việc một “tiến sĩ dạy làm giàu” lừa 508 người, chiếm đoạt gần 500 tỷ đồng. Chuyện nghe cứ như đùa nhưng lại hoàn toàn có thật.
Ông “tiến sĩ” này có tên Phạm Thanh Hải, sinh năm 1966, nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (IDT) vừa bị truy tố bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bài báo nêu: Hải đứng ra tổ chức các cuộc hội thảo, thành lập trang mạng xã hội “hoclamgiau.vn”; Hải tự giới thiệu bản thân là tiến sỹ, có nhiều kinh nghiệm kinh doanh tại Liên Xô (cũ), là người có tài đầu tư, kinh doanh…
Công ty IDT do Hải là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây “Tỷ đô”… nhằm quảng bá thu hút nhiều người biết đến công ty IDT và đầu tư cho các dự án đó.
Như một số độc giả, tôi cũng đã phải ngao ngán lẫn kinh ngạc mà thốt lên: Không hiểu sao mấy cái trò bịp bợm rẻ tiền này vẫn có người tin? Nhiều năm qua, bao nhiêu bài báo, bao nhiêu bản tin, chương trình thời sự liên tục cảnh báo về những chiêu trò lừa đảo thông qua huy động vốn, chẳng nhẽ không ai đọc, không ai nghe, không ai đề cao cảnh giác?
Nếu làm giàu mà dễ dàng như thế thì các trường đại học kinh tế hẳn là phá sản và các chủ công ty sẽ đóng cửa mà đếm tiền, chẳng cần phải vất vả thuê nhân công, nát óc đối phó với thị trường làm gì. Đến cả những người giỏi kiếm tiền cỡ Bill Gates, Warren Buffett … có ra sách cũng chỉ chia sẻ bí quyết chứ chẳng ai dám nhận mình là “tiến sĩ dạy làm giàu” ngồi một chỗ mà vẫn sinh lời đẻ lãi cho người khác.
2.725 tỷ đồng là tổng số tiền mà Phạm Thanh Hải huy động được từ các nhà đầu tư trong vòng 1 năm. Với tốc độ huy động vốn như thế thì các nhân viên xuất sắc nhất của những ngân hàng lớn cũng phải ngả mũ chào thua vị tiến sĩ này.
Hải đưa ra các hợp đồng với lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng (40-50%/năm), cắt lãi ngay khi nộp tiền (mặc dù chưa có hoạt động kinh doanh), đồng thời khuyến khích việc mở rộng mạng lưới huy động vốn bằng cách chi từ 2 – 10% tiền thưởng kết nối, môi giới cho mỗi hợp đồng mới.
Mồi nhử hấp dẫn, béo bở như thế, chả trách đưa được hàng trăm người vào lõng. Trong khi người nông dân một nắng hai sương những vẫn phải chịu cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, sản xuất kinh doanh lao tâm khổ tứ có khi còn phá sản… thì ở đây nộp tiền vào rồi chẳng làm gì cũng ăn lãi đậm.
Nay khi tiền mất tật mang, 508 người bị hại sẽ phải trách ai đây, trách ông tiến sĩ kia giỏi lừa gạt, trách các cơ quan ban ngành chức năng sao không bảo vệ mình, hay trách mình quá cả tin, trách khát vọng giàu nhanh mà vẫn mong nhàn hạ?
Chúng ta là người ngoài. Nghe chuyện, sẽ có người sửng sốt, có người cảm thông, có người chê trách… Nhưng đổi lại, liệu rằng có ai trong chúng ta thấy rằng chính mình cũng đang có những niềm tin kỳ lạ, thậm chí chẳng thể nào lý giải nổi không?
Xuân này, ai vẫn lặn lội, không quản đường sá xa xôi, tiết trời khắc nghiệt chen lấn trong các đền chùa, mang mâm cao cỗ đầy, mang giấy vàng đi đốt cầu tài, cầu lộc, cầu danh? Rồi ngày hôm nay mồng 10 tháng Giêng, ai sẽ xếp hàng từ tinh mơ, bồng bế cả con nhỏ giữa tiết trời giá lạnh chỉ để cố mua cho được một chỉ vàng với giá cao ngất lấy vía Thần Tài?
Trong xã hội bây giờ, giữ được những niềm tin vào tha nhân và hy vọng vào những viễn cảnh tương lai tốt đẹp… thực sự là điều tốt. Nhưng tuyệt nhiên, đừng vì tiền tài, danh lợi… mà ban phát niềm tin một cách mù quáng để rồi bị trục lợi, bị đánh cắp niềm tin.
Hãy cứ tin, nhưng xin hãy tin bằng sự tỉnh thức, đừng mê muội và đánh đổi. Bởi, chẳng phép màu nhiệm nào, may mắn nào bằng sức khoẻ và tâm thái an yên, vui sống trong đời.
Bích Diệp