Sinh ra Ban quản lý dự án Cát Linh – Hà Đông để làm gì nhỉ?
(Dân trí) - Có Ban quản lý dự án là để phòng, chống, ngăn chặn những rủi ro, bất trắc, tránh gây hậu quả xấu. Nếu như tất cả được “đổ vấy” cho một nhà thầu Trung Quốc thì cần có cái Ban quản lý dự án để làm gì?
Chuyện một toa tàu Cát Linh - Hà Đông bất ngờ bị vẽ hình "kỳ lạ" đang gây xôn xao dư luận. Thật ra, nội dung hình vẽ không gây phản cảm cả về pháp lý lẫn văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, nó đặt ra hàng loạt câu hỏi về ý thức bảo vệ tài sản quốc gia của những người được giao trách nhiệm với công trình này. Tại sao công trình nhiều, thậm chí rất nhiều tỉ đồng mà việc bảo vệ lại bị xem nhẹ như vậy?
Trong khi đó, để vẽ một bức tranh lớn như thế thời gian không hề ngắn. Khi họa sĩ “múa may quay cuồng” trên khối tài sản khổng lồ này của Nhà nước, lực lượng bảo vệ ở đâu? Rồi mai đây khi tàu đi vào sử dụng, có một kẻ phá hoại nào đó “nổi hứng” làm một việc tương tự về an toàn, thì hậu quả sẽ như thế nào?
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt - Bộ Giao thông Vận tải cho biết, việc đột nhập vào công trường đang thi công và vẽ lên đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông là hành vi vi phạm, có dấu hiệu phá hoại tài sản!
Ông Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng đặt câu hỏi: “Tại sao công trường đang thi công, công trường có bảo vệ và có biển cấm mà đối tượng vẫn xâm nhập được vào? Để vẽ một bức hình hoàn chỉnh lên đoàn tàu không phải ít thời gian, vậy lúc đó bảo vệ công trường đi đâu mà không phát hiện ra sự việc? Tất cả phải được làm rõ!”.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, dự án hiện nay đang trong quá trình thi công và chưa được bàn giao nên trách nhiệm chính thuộc về Tổng thầu Trung Quốc. Ban Quản lý dự án Đường sắt chỉ thực hiện nhiệm vụ giám sát và quản lý tổng quan về dự án.
Lãnh đạo Bộ GTVT còn cho biết đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt mời cơ quan công an vào cuộc xác minh vụ việc. Bởi nếu đối tượng có thể xâm nhập để vẽ hình lên đoàn tàu thì cũng có khả năng thực hiện những vi phạm nghiêm trọng khác. Cùng đó, Tổng thầu Trung Quốc với trách nhiệm chính về dự án phải giải trình, làm rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong vụ việc này.
Những lo ngại của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông “có khả năng thực hiện những vi phạm nghiêm trọng khác” là hợp lý, rất hợp lý. Tuy nhiên, phần chịu trách nhiệm nghe qua thì thấy hợp lý bởi đây là công trình đang thi công, trách nhiệm đương nhiên là thuộc Tổng thầu Trung Quốc nên trách nhiệm thuộc về nhà thầu Trung Quốc là không phải bàn cãi.
Song, nhìn về an ninh quốc gia thì có gì đó không thỏa đáng. Cái không thỏa đáng ở đây là công trình nằm trên lãnh thổ Việt Nam, thuộc chủ quyền Việt Nam và mọi hậu quả, không ai khác ngoài người dân Việt Nam phải gánh chịu.
Vì thế, mới cần có một Ban quản lý dự án để phòng, chống, ngăn chặn những rủi ro, bất trắc, tránh gây hậu quả xấu. Nếu như tất cả được “đổ vấy” cho một nhà thầu Trung Quốc thì cần có cái Ban quản lý dự án để làm gì?
Cũng cần nói thêm, Dự án đường sắt Cát linh – Hà Đông khó có thể nói khác, là nỗi bức xúc và thậm chí, cay đắng bởi nó không chỉ đội vốn, gây tai nạn, tạo ùn tắc mà còn bởi tiến độ dai dẳng nhiều năm qua. Đã rất nhiều lần, dự án bị trì hoãn với loạt các lý do không thể hiểu nổi.
Trở lại với giải thích của Thứ trưởng Đông, “Tiên trách kỉ, hậu trách nhân”, đây là an ninh quốc gia nên không thể xem nhẹ và càng không thể không nói đến trách nhiệm của Ban quản lý dự án và cao hơn, của bộ Giao thông Vận tải, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám