“Rất thỏa đáng” của Thứ trưởng Hà và nỗi sợ “khen sai” của Nhà báo Hữu Thọ

(Dân trí) - Lãnh đạo Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thăng tiến vù vù. PVC được khen thưởng dồn dập, tới tấp. Chỉ trong vòng khoảng 3 năm (2009 - 2010 - 2011), hai lần nhận Huân chương Lao động, một hạng Nhì, một hạng Nhất rồi cả danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới.


(MInh họa: Ngọc Diệp)

(MInh họa: Ngọc Diệp)

Thế nhưng chỉ khoảng một thời gian ngắn sau (2013), PVC bỗng dưng “lăn đùng, ngã ngửa” lỗ túi, lỗ bụi, lỗ thê, lỗ thảm, lỗ đến mức chênh vênh đứng bên bờ vực phá sản.

Sự việc trớ trêu này khiến dư luận ngơ ngẩn ngạc nhiên. Tại sao một đơn vị đang ở đỉnh cao chói lọi, bỗng dưng lại thê thảm đến mức này? Có gì đó “nhầm lẫn”, “khuất tất” trong việc trao tặng những danh hiệu cao quý trên hay không?

Nhất là vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn có công văn yêu cầu “Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương với sự tham gia của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong việc thẩm định, đề nghị cấp có thẩm quyền tặng thưởng Huân chương Lao động trong 2 năm liền (năm 2009 và 2010) và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (năm 2011)”.

Không biết để “trấn an” dư luận hay muốn “nhắn nhủ” điều gì đó mà ngay lập tức, bà Trần Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương “vội vã” khẳng định:

“Rất thoả đáng và đầy đủ bởi khen thưởng là khen giai đoạn, có thành tích ở giai đoạn nào thì khen thưởng ở giai đoạn ấy. Tất nhiên khi khen thưởng xong cũng muốn người ta phát huy, lan toả nhưng cũng có trường hợp sau một vài năm người ta lại không phát huy được”.

Thế nhưng thử xem sự khẳng định của bà Thứ trưởng, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương có đúng là “rất thỏa đáng…” hay không?

Trên VOV, bài “Vụ ông Trịnh Xuân Thanh: “Vì sao PVC liên tiếp được khen thưởng?” được báo Dân trí dẫn lại (đọc trên Bài liên quan) trích dẫn: Điều 43, Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14/6/2005 qui định Huân chương Lao động hạng nhì được tặng cho tập thể đạt một trong các tiêu chuẩn sau: “Đã được tặng “Huân chương Lao động” hạng ba, 5 năm tiếp theo liên tục đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” hoặc “Đơn vị quyết thắng” và có hai lần được tặng Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương hoặc một lần được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”; Lập được thành tích xuất sắc đột xuất.

Đối với Huân chương Lao động hạng Nhất, “Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14/6/2005 qui định: “Đã được tặng “Huân chương Lao động” hạng nhì, 5 năm tiếp theo liên tục đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” hoặc “Đơn vị quyết thắng” và có ba lần được tặng Cờ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương hoặc hai lần được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”; Lập được thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất”.

Về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, theo Nghị định Số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ: “Danh hiệu “Anh hùng lao động” để tặng tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc, trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là tấm gương sáng, mẫu mực về mọi mặt và 6 điều kiện khắt khe khác (các bạn có thể xem chi tiết tại đây: http://dantri.com.vn/kinh-doanh/vu-ong-trinh-xuan-thanh-vi-sao-pvc-lien-tiep-duoc-khen-thuong-20160720104230992.htm).

Tóm lại, trong suy nghĩ của mình thì xét theo qui định của pháp luật hiện hành, việc trao tặng các danh hiệu trên ít nhất phải thỏa đáng hai tiêu chí. Một là khoảng cách thời gian giữa các danh hiệu phải là 5 năm. Hai là phải có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất. Riêng đối với danh hiệu Anh hùng Lao động, ngoài các thành tích trên, phải “trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là tấm gương sáng, mẫu mực về mọi mặt”.

Nếu như vậy, theo tiêu chuẩn thứ nhất (thời hạn 5 năm), PVC chắc chắn không đạt.

Như vậy chỉ còn tiêu chuẩn thứ hai, “có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất” và “tấm gương sáng, mẫu mực về mọi mặt”. Vậy PVC đã có những thành tích “đặc biệt xuất sắc đột xuất” như thế nào? Nó có thật sự là “tấm gương sáng, mẫu mực về mọi mặt” hay không?

Và nếu như nó thật sự “đặc biệt xuất sắc” và “tấm gương sáng, mẫu mực” thì điều gì đã khiến PVC chỉ trong một thời gian rất ngắn, đã thê thảm đến vậy?

Trả lời báo Dân trí, ông Kiều Sơn - Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) cho biết chính ông Vũ Huy Hoàng khi còn là Bộ trưởng Bộ Công Thương là người đề xuất khen thưởng danh hiệu Anh hùng lao động cho PVC. Như vậy, hoàn toàn có thể có sự thiếu trung thực ở Bộ Công thương, song cũng không thể vì thế mà không có trách nhiệm của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Câu hỏi đặt ra, là vì sao nguyên Bộ trưởng Hoàng lại có đề xuất “lạ” như thế nhỉ?

Sinh thời, Nhà báo Hữu Thọ rất cảnh giác với việc “khen sai”. Đã hơn một lần ông nói rằng chê sai đã nguy hiểm nhưng khen sai cũng nguy hiểm không kém bởi nó làm nhiễu loạn thông tin và không loại trừ, có người lợi dụng việc này để làm điều khuất tất.

Bùi Hoàng Tám